Cấm kiểm sát viên ngáp, dùng điện thoại... khi ngồi tòa

Thứ hai, 02/05/2016, 11:36
Khi tham gia xét hỏi và tranh luận, kiểm sát viên phải sử dụng ngôn ngữ xưng hô, tranh luận có văn hóa, không sử dụng ngôn ngữ mạt sát, miệt thị, đay nghiến.

VKSND Tối cao vừa có dự thảo Quy tắc ứng xử của kiểm sát viên (KSV) khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên họp, phiên tòa. Quy tắc này quy định các vấn đề về lề lối, chuẩn mực xử sự của KSV khi tham gia phiên tòa, phiên họp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động…

Không cợt nhả, khôi hài, giễu cợt...

Theo dự thảo quy tắc này, KSV VKSND các cấp được phân công nhiệm vụ khi tham gia phiên tòa, phiên họp phải tuân thủ hàng loạt yêu cầu về chuẩn mực.

Đó là việc KSV phải có mặt tại địa điểm xét xử trước giờ khai mạc phiên tòa ít nhất 15 phút. Nếu có lý do vắng mặt tại phiên tòa hoặc đến muộn thì phải báo cáo lãnh đạo viện, đồng thời thông báo cho tòa án biết. Khi tham gia phiên tòa, phiên họp, KSV phải có đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép quai hậu, mặc trang phục ngành đúng quy định.

Khi HĐXX bước vào phòng xét xử thì đồng thời KSV cũng phải cùng vào và đứng trong tư thế nghiêm trang tại vị trí dành cho mình tại tòa. KSV chỉ ngồi xuống và để mũ kêpi ra bàn làm việc góc bên tay trái của mình, sao vàng hướng về phía trước sau khi chủ tọa phiên tòa mời các thành viên HĐXX ngồi xuống.

KSV ngồi tại phiên tòa phải giữ thái độ nghiêm túc, tư thế ngồi ngay ngắn, không ngủ gật hoặc ngáp tại phiên tòa, cử chỉ, lời nói đảm bảo sự chuẩn mực, tránh cợt nhả, khôi hài, giễu cợt. KSV không sử dụng điện thoại trong quá trình tham gia phiên tòa, phiên họp, điện thoại luôn để ở chế độ im lặng. Trong trường hợp cần thiết phải điện thoại thì có ý kiến với HĐXX và đi ra ngoài phòng xét xử để điện thoại.

Hình ảnh KSV sẽ chuẩn mực hơn tại phiên tòa. Ảnh: T.TÙNG

Không mạt sát và dùng lời lẽ “ngoài xã hội”

Dự thảo Quy tắc ứng xử của KSV cũng quy định về cách xưng hô, tranh luận và đối đáp tại phiên tòa. Theo đó, tại phiên tòa KSV sử dụng từ “tôi” hoặc “chúng tôi” (nếu có hai KSV). Trong suốt phiên tòa hoặc phiên họp, KSV phải luôn chú ý lắng nghe, ghi chép đầy đủ diễn biến và nội dung phiên tòa theo đúng quy định.

Khi tham gia xét hỏi, tranh luận KSV phải tôn trọng quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng. Phải sử dụng ngôn ngữ xưng hô, tranh luận có văn hóa, không sử dụng ngôn ngữ mạt sát, miệt thị, đay nghiến hoặc biểu hiện thái độ bực tức, khó chịu.

Khi tranh tụng tại tòa, KSV tham gia đối đáp rõ ràng, dõng dạc, phát âm ngôn ngữ chuẩn xác và thống nhất đảm bảo việc đối đáp đầy đủ với từng luận điểm. Khi tranh tụng phải kịp thời phát hiện những luận điểm, quan điểm không đúng của những người tranh tụng với mình để bác bỏ và đề nghị HĐXX ra phán quyết đầy đủ, đúng pháp luật.

KSV đặt câu hỏi, diễn đạt quan điểm có căn cứ pháp luật, trình bày phải ngắn gọn, rõ ràng, thứ tự, logic, dễ hiểu. KSV đặt câu hỏi phải phù hợp với đối tượng được hỏi, đúng trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lắp. KSV cũng phải luôn lắng nghe ý kiến của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Ngôn ngữ đối đáp phải mạch lạc, rõ ràng, lịch sự, không dùng lời lẽ ngoài xã hội, đối đáp phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng.

Nếu có phát sinh tình tiết mới tại phiên tòa, KSV phải bình tĩnh, lắng nghe, thực hiện quyền hỏi, xét hỏi, tranh luận được đảm bảo để chứng minh, phản biện, làm sáng tỏ vấn đề và có thái độ ứng xử theo quy định. Trong những tình huống trên, KSV phải thu thập các tình tiết mới phát sinh và có quan điểm, thái độ đối với tình tiết mới phát sinh đó, đề nghị HĐXX xem xét tính hợp pháp của tình tiết mới và yêu cầu tòa án cung cấp theo quy định. KSV không được định kiến với người tham gia tố tụng mà phải làm hết trách nhiệm của mình, thu thập và đánh giá chứng cứ khách quan, toàn diện...

Tạo hình ảnh rất mới

Tôi hoàn toàn ủng hộ dự thảo Quy tắc ứng xử của KSV tại tòa mà VKSND Tối cao đưa ra vì nó điều chỉnh khá đầy đủ việc ứng xử của KSV tại tòa. Giống như quy tắc ứng xử của giới luật sư tại tòa, quy tắc này giúp các KSV hành xử theo những chuẩn mực tạo nên vị thế của mình. Đúng là đôi khi do phiên tòa quá căng thẳng hoặc cá tính nóng nảy, nhiều KSV đã không giữ được bình tĩnh trong khi tranh tụng và đối đáp. Quy tắc này sẽ giúp họ kiềm chế hơn, chuẩn mực hơn.

Nếu quy tắc này được thông qua thì theo tôi nó tạo ra một hình ảnh người KSV rất mới, mang tính mẫu mực. KSV là người đại diện cho Nhà nước giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại tòa, vì vậy không có quyền cẩu thả trong ăn mặc, tác phong, ngôn ngữ, cử chỉ... để đảm bảo phiên tòa trang nghiêm.

Ông NGUYỄN KIM TIẾNG,
nguyên Viện trưởng VKSND quận 5, TP.HCM

Giúp tòa điều hành tốt hơn

Có thể nói nếu quy tắc này áp dụng trong thực tế thì không chỉ giúp ngành kiểm sát tự nâng cao hình ảnh của mình mà còn giúp thẩm phán chúng tôi dễ dàng hơn trong việc điều hành phiên xử. Thực tiễn tại tòa cho thấy khi KSV “quá lố” thì tòa có quyền nhắc nhở và ngược lại KSV có quyền góp ý với tòa. Nếu mọi hành vi đều chuẩn mực thì ta sẽ có phiên tòa nghiêm túc.

Từ những hành vi nhỏ nhất như dùng điện thoại, ngáp, phát âm chuẩn cũng đều được điều chỉnh như trên là khá chi tiết. Tất nhiên, tại phiên tòa có thể phát sinh những tình huống bất ngờ, KSV phải ứng xử sao cho khéo léo. Song những hành vi xuất phát từ chủ quan của KSV thì phải được chủ động kiểm soát.

Quy tắc ứng xử của KSV trong phiên tòa đã quy định được các vấn đề về lề lối, chuẩn mực xử sự của KSV, tôi nghĩ đó là điều cần thiết.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

Bổ sung ứng xử trong tranh tụng

Tôi cũng ủng hộ dự thảo này nhưng về phần ứng xử trong quá trình tranh tụng tại tòa tôi nghĩ cần quy định rõ và cụ thể hơn nữa.

Dự thảo mới chỉ nói chung là: “KSV phải đối đáp rõ ràng, dõng dạc, phát âm chuẩn xác và đầy đủ với từng luận điểm. Khi tranh tụng phải kịp thời phát hiện những luận điểm, quan điểm không đúng của những người tranh tụng với mình để bác bỏ và đề nghị HĐXX ra phán quyết đúng pháp luật”.

Nên quy định rõ là KSV phải đối đáp với tất cả và đối đáp tới cùng các vấn đề luật sư đưa ra, tránh việc đối đáp một lần rồi “bảo lưu quan điểm”. Tất nhiên đối đáp và tranh luận là phải đi thẳng vào tình tiết liên quan đến vụ án chứ không lan man. Hiện nhiều KSV khi đuối lý thường có thái độ bất hợp tác với luật sư, thậm chí khi bị chủ tọa nhắc nhở, họ cũng không đối đáp tiếp.

Nếu quy định chi tiết như trên thì không chỉ giúp chất lượng tranh tụng tốt hơn mà còn thể hiện thái độ ứng xử sòng phẳng với luật sư tại tòa. Đây cũng là vấn đề mấu chốt phục vụ cho cải cách tư pháp mà tòa án là trung tâm.

LS NGUYỄN TOÀN THIỆN, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận

THANH TÙNG ghi

Phải tôn trọng báo chí

Dự thảo này cũng quy định rất chi tiết về ứng xử của KSV đối với những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng và với báo chí khi tham gia phiên tòa, phiên họp.

theo đó, KSV phải dùng cách gọi “nhà báo”, “phóng viên” và họ tên đầy đủ (tùy từng đối tượng). KSV phải luôn thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói bình tĩnh trong mọi tình huống. Không to tiếng, hách dịch, không nói tục hoặc có thái độ cục cằn gây căng thẳng trong phiên tòa, phiên họp...

Theo PLO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích