Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của khu công nghiệp Vũng Áng – Thị xã Kỳ Anh – Hà Tĩnh. Đoàn vừa kết thúc đợt kiểm tra đầu tiên vào ngày 9/5.
Trao đổi với VTV, TS Vũ Đức Lợi - Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, thành viên chủ chốt của đoàn kiểm tra cho hay: Theo dư luận, xã hội hiện nay đang rất quan tâm đó là kết quả kiểm tra về hóa chất dùng để súc rửa đường ống. Đoàn kiểm tra đã làm việc với 8 nhà thầu để xác định các hóa chất sử dụng cho công trình này. Tổng số hóa chất sử dụng cho súc rửa đường ống, tính đến thời điểm khi đoàn đến kiểm tra là 244,95 tấn.Trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc là 21,442 tấn, còn lại là sử dụng tại Việt Nam bao gồm HCl, NaOH, NH3.H2O, NaNO2, NaPO3và axit citric. Tổng số lượng phát thải từ quá trình súc rửa đường ống là 2.481m3nước thải,trong đó công ty đã xử lý 2.348m3nước thải, nhà thầu Việt Nam tham gia xử lý là 755,77m3nước thải. Số lượng còn lại là do công ty xử lý, lượng nước thải đang lưu trữ tại công ty là 133 m3. Hiện nay các đoàn công tác tiếp tục đánh giá hệ thống xử lý nước thải của công ty đối với hóa chất tẩy rửa đường ông này.
Các nhà khoa học đang nỗ lực phân tích để sớm có kết quả về nguyên nhân gây ra cá chết ở biển Miền Trung |
TS Lợi cũng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Hội đồng quốc gia gồm 3 nhóm nghiên cứu: Nhóm nghiên cứu độc tố hóa học, nhóm nghiên cứu độc tố sinh học; NHóm nghiên cứu về thủy văn, hải văn và động lực biển.Hiện nay ba nhóm nghiên cứu đang rất tích cực tìm lại tất cả những dấu vết có được tại hiện trường cũng như ở đáy biển. Kết quả nghiên cứu sẽ sớm được công bố cho nhân dân.
Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho hay, nhằm phân tích nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, cho đến nay đã có sự vào cuộc của gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm: nuôi trồng thủy sản, môi trường, địa chất- địa vật lý biển, hóa học, cơ học, công nghệ vũ trụ, kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm, hóa dầu, khai thác khoáng sản,...
Các chuyên gia đã tiến hành lấy hàng trăm mẫu để phân tích ngay từ ngày 7/4/2016 bao gồm: mẫu cá chết trên biển, mẫu cá chết trong lồng, mẫu nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du,… để phân tích độc tố, bệnh dịch thủy sản, sự hiện diện của tảo độc, các thông số về môi trường nước; số liệu về động đất từ ngày 06/4/2016 để phân tích sự hiện diện của hiện tượng sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra; số liệu về viễn thám từ ngày 01/4/2016 để phân tích dòng chảy, nhiệt độ, hàm lượng chlorophylla, sự hiện diện của dầu loang.
Các mẫu được phân tích tại các phòng thí nghiệm với các hệ thống máy móc hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật, Thụy Sĩ. Các nhà khoa học đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện các nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng hải sản chết bất thường, bước đầu đã loại trừ một số nguyên nhân từ bệnh dịch, dầu loang, hiện tượng sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra. Hai nguyên nhân đang được tập trung phân tích, đối chứng kết quả và đánh giá bao gồm nguyên nhân sinh học và nguyên nhân hóa học.
Theo Dân Trí