Thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin và mạng xã hội rộ lên tin đồn nhà vườn tại 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang sử dụng túi bao trái của Đài Loan có chứa độc để bọc trái xoài. Tin đồn đã khiến giá xoài tại 2 tỉnh này giảm mạnh. Nghiệt ngã hơn, tin đồn xuất hiện ngay vào chính vụ thu hoạch nên gây thiệt hại càng nặng nề, giá xoài có lúc giảm tới 50%.
Giải oan cho xoài
Theo đó, giá xoài cát Hòa Lộc tại Tiền Giang được thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 25.000-26.000 đồng/kg, còn bán ở các chợ giá từ 30.000-35.000 đồng/kg, giảm từ 20.000-25.000 đồng so với những tháng đầu năm. Xoài cát chu có giá từ 13.000-15.000 đồng/kg, giảm 3.000-4.000 đồng/kg…
Trong công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh do ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang, ký có giải thích rằng: “Qua kiểm tra, nông dân trồng xoài rất ưa chuộng loại túi bao trái cây do các doanh nghiệp ở TP.HCM nhập khẩu từ Đài Loan. Kết quả kiểm tra, phân tích của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM và Viện Y tế công cộng TP.HCM cho thấy không phát hiện kim loại nặng, thuốc trừ sâu và vi sinh có hại trong loại túi này và xoài trái có sử dụng túi bao…”.
Cũng theo ông Hóa, ý kiến của các nhà khoa học từ Trường ĐH Cần Thơ, Viện Cây ăn quả Miền Nam cho rằng việc sử dụng túi bao trái sẽ bảo vệ được trái cây trước sự tấn công của nhiều loại sâu bệnh, làm cho trái có màu sắc đẹp hơn, dễ xuất khẩu. Thời gian qua, hàng ngàn tấn xoài xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, New Zealand... đều được kiểm dịch thực vật gắt gao và không phát hiện kim loại nặng, asen, phóng xạ, dư lượng thuốc trừ sâu, vi nấm hay các độc tố khác.
Thiệt hại nặng nề
Không chỉ trái xoài, thời gian qua, nhiều loại nông sản khác ở ĐBSCL cũng bị đồn thổi thất thiệt trên mạng như: nhiễm độc, ăn vào bị ung thư, chết người… khiến nông dân điêu đứng.
Ông Ngô Văn Tua - một nông dân tại xã Thành Đông, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long - kể: Vào đầu năm, trên mạng có người loan tin khoai lang tím Nhật trồng ở Việt Nam xuất khẩu sang Singapore nhiễm chất độc da cam. “Thông tin này lập tức gây hoang mang dư luận và giá khoai bị giảm. Các doanh nghiệp từ Singapore đã bác bỏ thông tin này và khẳng định khoai lang nhập khẩu từ Việt Nam an toàn nên chúng tôi mới yên tâm trồng tiếp” - ông Tua nói.
Tương tự, người dân nuôi cá điêu hồng lồng bè tại Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp cũng khốn khổ với tin đồn người nuôi sử dụng chất cấm trifluralin. Đây là chất diệt sâu rầy, côn trùng đã bị Bộ NN-PTNT cấm sử dụng trong chăn nuôi. Chính tin đồn này làm giá cá điêu hồng giảm mạnh, thậm chí người tiêu dùng đã quay lưng với loài cá này.
Tuy nhiên, qua kiểm tra của chi cục thủy sản các tỉnh nói trên, không phát hiện chất trifluralin trên những mẫu cá điêu hồng được lấy kiểm nghiệm. Chưa hết, những loại tin đồn như nghêu bị nhiễm hóa chất, ăn bưởi có nguy cơ bị ung thư vú… cũng từng diễn ra trong thời gian dài khiến cho những sản phẩm trên không tiêu thụ được.
Đề nghị xử phạt nghiêm Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) thông báo kết quả kiểm định mẫu túi bao trái xoài có xuất xứ từ Đài Loan được nông dân Đồng Tháp, Tiền Giang sử dụng không phát hiện các hóa chất độc hại như thông tin đã đăng tải trên một số báo và mạng xã hội. Song song đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang đã có thống kê chính thức các bài báo thông tin không đúng sự thật về túi bao trái gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, của người trồng xoài Tiền Giang và đang đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có hình thức xử lý nghiêm khắc. |