“Ông Trịnh Xuân Thanh không xứng đáng là đại biểu Quốc hội”

Thứ sáu, 17/06/2016, 08:59
Nói về quy trình thẩm tra để xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV với những người đã trúng cử được công bố vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội – Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh về việc sử dụng chiếc Lexus 570 đã rõ và chỉ riêng việc đó đã không xứng đáng là đại biểu Quốc hội.

Trao đổi với PV , Tổng thư ký Quốc hội – Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh là 1 trong 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, danh sách đã được công bố mới đây.

Tổng thư ký Quốc hội - Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc.

Theo quy định 5 ngày sau công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội là thời gian để Hội đồng bầu cử quốc gia tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo về những người trúng cử. Đến thời điểm này đã có bao nhiêu đơn thư gửi về Hội đồng bầu cử quốc gia để xem xét, thưa ông?

Tôi cũng chưa nhận được thông tin thống kê cụ thể có bao nhiêu đơn thư gửi về vì việc này do Tiểu ban giải quyết khiếu nại tố cáo về nhân sự do Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Đức Hiền làm Trưởng Tiểu ban là đầu mối tiếp nhận, tập hợp, xử lý đơn thư. Cũng có một vài đơn gửi trực tiếp đến tôi, tôi nhận được và cũng chuyển sang Tiểu ban đó để xử lý tập trung. Trách nhiệm của tiểu ban này là nghiên cứu đơn thư xong rồi chuyển về những đơn vị liên quan để trả lời. Kết quả giải quyết đơn thư thế nào cũng do Tiểu ban này tập hợp, báo cáo gửi lại Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định.

Dư luận hiện đang rất quan tâm đến một người trúng đại biểu Quốc hội trong cuộc bầu cử vừa qua là nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh. Ít ngày trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan làm rõ thông tin lùm xùm trong dư luận về ông Thanh. Ông này ứng cử với tư cách đại biểu địa phương, do tỉnh Hậu Giang giới thiệu. Tuy nhiên, hôm nay, kết quả bầu các chức danh trong chính quyền khoá mới (2016-2021) tại Hậu Giang được công bố thì không có ông Thanh trong cơ cấu lãnh đạo tại địa phương nữa, do ông này xin rút không tái cử và các cơ quan cũng không xem xét tái bầu ông Thanh vào chức vụ Phó Chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ mới. Diễn biến này có ảnh hưởng gì tới tư cách đại diện của ông Thanh nếu tham gia Quốc hội?

"Với một số người trúng cử khác có đơn thư khiếu, tố, chúng tôi đang xem xét nhưng bước đầu thấy những vấn đề nêu ra không quá nặng nề. Cũng có nhiều phản ánh chung chung, rất khó có cơ sở, chứng cứ xem xét".

Thực ra chỗ ông Trịnh Xuân Thanh, vừa qua Quốc hội tiếp nhận tất cả những thông tin qua phản ánh của báo chí. Chúng tôi cũng nắm được việc Tổng Bí thư chỉ đạo 9 cơ quan cùng tham gia, xem xét, giải quyết những vấn đề về ông Thanh, từ việc sử dụng xe biển trắng chuyển thành biển xanh tới khía cạnh công tác cán bộ, quy trình luân chuyển, bổ nhiệm đối với người này. Ngoài ra, cả việc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người này trong lĩnh vực tài chính khi công tác tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia, như Thủ tướng Chính phủ khi đó cũng đã chỉ đạo kiểm tra cũng được đặt ra.

Thêm nữa, vấn đề phòng chống tham nhũng cũng sẽ được xem xét vì câu hỏi đặt ra là tại sao tại một đơn vị đang bị thanh kiểm tra như PVC mà lãnh đạo đơn vị lại được chuyển về công tác tại Bộ Công thương, đảm nhiệm qua nhiều vị trí rồi được đưa về địa phương làm Phó Chủ tịch tỉnh. Vậy thì tồn tại còn để lại với đơn vị cũ là hơn 3.000 tỷ đồng thua lỗ đã xử lý chưa, ai chịu trách nhiệm vẫn chưa được làm rõ, câu hỏi trách nhiệm cá nhân đến đâu chưa được trả lời. Đây là những vấn đề mà cử tri đang theo dõi vì qua phản ánh trên báo chí thì thấy rất rõ việc lòng vòng như thế.

Vậy đến nay, các cơ quan chức năng có ý kiến gì sang Quốc hội đối với việc này? Các cơ quan của Quốc hội có động thái gì trong việc xem xét thẩm tra, xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội với ông Thanh?

Tổng Bí thư đã yêu cầu làm rõ thì chúng tôi cũng chủ động nắm bắt, xem xét vấn đề này. Quyết định sẽ do Hội đồng bầu cử quốc gia đưa ra nhưng nếu có được ý kiến của các cơ quan chức năng sau khi xác minh các nội dung như trên thì rất tốt.

Còn nói chung, chỉ riêng việc dư luận, cử tri ý kiến xung quanh việc sử dụng chiếc xe, đổi từ biển trắng sang biển xanh như thế thì người đó đã không xứng đáng là đại biểu Quốc hội rồi. Vì sao? Vì như vậy là người đó không trung thực mà một tiêu chuẩn đặt ra với đại biểu Quốc hội là phải trung thực. Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định rõ tiêu chuẩn đó. Việc sử dụng chiếc xe như thế rõ ràng là anh không trung thực rồi, làm sao xứng đáng làm đại biểu Quốc hội được.

Chúng tôi nắm bắt thông tin sự việc chủ yếu là qua kênh báo chí, ý kiến của một số cơ quan như phát ngôn của Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang. Theo đó, các cơ quan chức năng ở Hậu Giang đã khẳng định việc sử dụng xe như ông Thanh đã là - thay đổi biển số là sai rất rõ rồi.

Tất nhiên, đây mới là nhận định của cá nhân của tôi. Còn tới đây. Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ xem xét, đánh giá toàn diện, kể cả về sự trung thực cũng như những vi phạm liên quan đến lĩnh vực khác nữa. Và quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ là quyết định cuối cùng, cần thiết trước khi xem xét công nhận tư cách đại biểu Quốc hội để người trúng cử đủ điều kiện bước vào nghị trường tại kỳ họp đầu tiên.

Xin cảm ơn ông!

"Quy trình xem xét tư cách đại biểu Quốc hội là, trong 5 ngày kể từ khi công bố danh sách người trúng cử, Hội đồng bầu cử quốc gia tiếp nhận đơn thư khiếu nại tố cáo và sau đó Hội đồng dành 30 ngày để xem xét giải quyết, trả lời.

Cụ thể, 13/7/2016 là ngày cuối cùng để “chốt”, trả lời những đơn thư khiếu tố, đồng thời đề xuất việc xác nhận tư cách đại biểu với những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Dự kiến 15/7/2016 sẽ họp Hội đồng bầu cử Quốc gia để xem xét cấp giấy xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội cho từng người trúng cử.

Đến thời điểm này, chưa thể nói Quốc hội khoá XIV có bao nhiêu đại biểu mà danh sách người trúng cử được công bố là 496 người nhưng có thể lúc chính thức bước vào nghị trường có khi chỉ còn 495 đại biểu, rút mất 1 người chẳng hạn".

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn