Việc xử lý phần sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực đã kéo dài nhiều tháng. |
Chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo về tình hình kinh tế xã hội nửa đầu năm 2016, nghe Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý báo cáo về ảnh hưởng của sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU), nghe Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo về việc tình hình thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Chuyển sang nội dung thảo luận, Thủ tướng chỉ định đại diện UBND thành phố Hà Nội (tham gia phiên họp trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội) phát biểu đầu tiên. Thủ tướng đặt câu hỏi với lãnh đạo thủ đô: “Hà Nội trả lời xem có nghiêm túc xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực không hay vẫn để dằng dai mãi thế? Việc này phải làm gương cho cả nước”.
Tương tự, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu thứ 2, với câu hỏi đặt ra: Đắk Lắk, Tây Nguyên có kiên quyết đóng cửa rừng không?
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Sửu báo cáo, 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu kinh tế xã hội của thành phố đảm bảo. GDP tăng 7,3%, ngân sách thu gần 86.000 tỷ (bằng 51% tỷ lệ khoán thu). Nửa đầu năm, Hà Nội thu hút vốn đột phá, đạt 138.000 tỷ đồng (vốn đầu tư trong nước là 66.000 tỷ đồng, vốn FDI 1,3 tỷ USD). Thành phố đã công bố nhiều dự án kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 711.000 tỷ đồng.
Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu khẳng định Hà Nội đặc biệt chú trọng và đảm bảo các yêu cầu đặt ra.
Với công trình nhà 8B Lê Trực, ông Sửu cho biết, đến nay thành phố đã chỉ đạo phá dỡ 382m2 mái tầng 19. Chủ đầu tư công trình chậm trễ thực hiện, thành phố đã ra quyết định xử phạt và đã quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình. Tới đây UBND quận Ba Đình sẽ ứng trước kinh phí để phục vụ việc phá dỡ. Phó Chủ tịch thành phố hứa đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo, xử lý nghiêm vi phạm tại công trình này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của Hà Nội để hoàn thành tất cả những chỉ tiêu nhà nước giao trong 6 tháng đầu năm, trong đó tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách đạt rất tốt. Hà Nội cũng là thành phố đầu tiên tổ chức xúc tiến, kêu gọi, thúc đẩy đầu tư, có nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài cũng như trong nước chấp thuận đầu tư vào thành phố.
“Riêng chỗ 8B Lê Trực tôi đề nghị là phải kiên trì, kiên quyết. Tôi đã nghe Chủ tịch Hà Nội báo cáo là chủ đầu tư công trình đã mấy chục lần vi phạm hành chính nhưng vẫn chưa xử lý thực sự. Tôi yêu cầu lấy công trình này làm điểm để chấn chỉnh lại trật tự đô thị. Sự cam kết của Hà Nội phải rõ hơn chứ không thể để kéo dài như vậy được. Đó là thái độ chung đối với tất cả những công trình xây dựng vi phạm trên cả nước” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi "có kiên quyết đóng cửa rừng không", đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo, về rừng, so với 1999, sau 15 năm, đến nay, diện tích rừng của tỉnh đã giảm 11% - tương đương 106.000ha. Diện tích rừng hiện còn lại là trên 500.000ha, độ che phủ còn 52%. Việc giảm diện tích rừng những năm qua là do làm thuỷ điện, do tình trạng phá rừng, do rừng trồng mới chưa được tính diện tích…
“Tiêu chí xây dựng Đà Lạt là thành phố trong rừng, rừng trong thành phố nhưng tỷ lệ che phủ rừng cũng chỉ 49% dù hiện tại Lâm Đồng vẫn là tỉnh đứng thứ 2 ở Tây Nguyên về việc giữ, bảo vệ rừng (chỉ sau Gia Lai). Vì vậy, Lâm Đồng quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng trong cuộc làm việc mới đây là đóng cửa rừng” – lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thẳng thắn.
Hiện có đến 54 dự án thuỷ điện, trong đó 23 dự án đang hoạt động, 12 dự án đang triển khai, 9 dự án đang hoàn thiện thủ tục. Quy hoạch sản xuất cây cao su cũng như nhiều cây công nghiệp khác cũng ảnh hưởng đến diện tích rừng. Đại diện tỉnh Tây Nguyên này khẳng định Lâm Đồng đã chỉ đạo đến các Chủ tịch UBND xã là 1 tháng phải đi kiểm tra rừng 2 lần, còn Chủ tịch UBND huyện phải đi kiểm tra rừng 1 lần/tháng.
Thực tế từ tháng 3/2011, UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhận chỉ đạo dừng tất cả các dự án có vốn nước ngoài đầu tư vào rừng, chỉ đồng ý cho dự án thuỷ điện, nuôi cá nước lạnh. Lãnh đạo Lâm Đồng phân trần khó khăn là vấn đề di dân, tăng dân số gây nhiều khó khăn cho việc bảo vệ rừng. Đà Lạt trong ít năm gần đây đã đạt quy mô dân số hơn 1 triệu người trong khi trước đó chỉ khoảng 700.000-800.000 dân. Với các giải pháp đã triển khai, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng bày tỏ niềm tin là rừng Tây Nguyên sẽ vẫn giữ được diện tích như yêu cầu của Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tỏ ra sốt ruột vì tình trạng phá rừng nghiêm trọng ở Tây Nguyên, nhất là ở Đắc Lắc, Đắc Nông. Với quyết tâm rất lớn, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phải đi đầu trong việc đóng cửa rừng tự nhiên, có chế tài và kiểm tra tốt để thực hiện nghiêm chỉ đạo này, để bảo vệ, nâng độ che phủ của rừng lên. “Cần nêu quyết tâm cao hơn. Nhân dân cả nước rất quan tâm đến việc đóng cửa rừng này vì Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương, mất rừng Tây Nguyên sẽ ảnh hưởng lớn đến các tỉnh miền Trung cũng như ĐBSCL” – Thủ tướng nói.
Lâm Đồng là địa bàn để xảy ra vụ tai nạn hết sức nghiêm trọng tại đèo Prenn. Sau đó 1 tuần nữa xảy ra vụ lật thuyền trên hồ Đại Ninh khiến 3 người chết. Vậy là số người chết do tai nạn giao thông tăng lên 23 người (35% so với cùng kỳ). Đây là 1 hạn chế tồn tại của tỉnh Lâm Đồng mà địa phương phải hết sức rút kinh nghiệm.
Thông cảm với tình trạng "đi chậm, nói khẽ" trong giai đoạn bầu cử Nói về một điểm hạn chế trong công tác điều hành 6 tháng đầu năm 2016 là lãnh đạo các cơ quan đơn vị chưa thực sự quyết liệt, Thủ tướng cho rằng, một phần nguyên nhân khách quan là nửa đầu năm qua, cả nước tập trung cho hoạt động bầu cử. Sau bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND, đến giờ tại các địa phương, HĐND cũng đang họp để bầu lại các cấp lãnh đạo chính quyền nên “phải thông cảm cho tình trạng đi chậm, nói khẽ vẫn đang diễn ra”. Thủ tướng nhấn mạnh, nói thực tế đó để sau khi ổn định, các cơ quan phải bắt vào việc với tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt hơn. |
Theo Dân Trí