Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà |
Bộ trưởng cho rằng gần 3 tháng là 84 ngày căng thẳng nhất của ông. Giờ nguyên nhân gây ra vụ việc đã được công bố, ông có suy nghĩ gì?
Sự việc xảy ra là lúc tôi mới chỉ nhận công việc của Bộ trưởng chưa đầy 2 tuần. Là Bộ trưởng trong lĩnh vực môi trường, tôi nghĩ phải nhận trách nhiệm dù lúc đó chưa biết cơ chế gây ra thảm họa này là gì. Khi đã nhận trách nhiệm này rồi, gánh nặng đó càng lớn hơn. Nếu không tìm ra nguyên nhân, có giải pháp xử lý thì mình chỉ là người nhận trách nhiệm suông và năng lực của mình có vấn đề.
Tôi hiểu đây là vấn đề rất phức tạp nhưng dù khó khăn đến mấy thì quá trình giải quyết phải làm sao để người dân tin tưởng. Chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra liên ngành với số lượng thành viên lên đến 70 người, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành về môi trường, luyện kim, luyện cốc, xử lý chất thải.
Để hỗ trợ cho việc tìm nguyên nhân và cũng để người dân tin tưởng, chúng tôi đã mời các nhà khoa học của Đức, Pháp, Mỹ, Nhật, Israel. Các nhà khoa học quốc tế đã khẳng định, nhà máy của Formosa được đầu tư đồng bộ, lại đang trong giai đoạn chạy thử công suất thấp nên khó gây ra sự cố môi trường nếu ở trạng thái bình thường. Khả năng cao là đã có những sự cố xảy ra.
Trong quá trình thu thập chứng cứ, đâu là mấu chốt để đi đến khẳng định Formosa là nguyên nhân trực tiếp gây ra cá chết, thưa Bộ trưởng?
Kết quả xét nghiệm của các nhà khoa học cho thấy hơn 50% mẫu cá chết thu được có chứa phenol, xyanua. Thứ hai, trong vùng chỉ có nhà máy luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh thải ra phenol, xyanua.
Formosa Hà Tĩnh không thể chối cãi vì chúng tôi đã đưa ra 53 hành vi mà họ vi phạm, từ các sai sót trong thiết kế, thi công, xây dựng cho đến vận hành. Nhưng có thể nói, mấu chốt chính là phát hiện: Từ ngày 1/4 đến ngày 5/4, lượng điện tiêu thụ giảm bất thường, chỉ bằng 15% so với ngày trung bình. Điều đó khiến chúng tôi tập trung vào nghi ngờ có vấn đề trong quá trình vận hành chạy thử của Formosa Hà Tĩnh.
Sau nhiều ngày thu thập bằng chứng, đấu tranh cuối cùng Formosa phải thừa nhận có sự cố chập điện liên quan đến việc vận hành của quá trình kích hoạt vi sinh ở khu xử lý nước thải. Đây là khâu quyết định việc có xử lý được phenol hay không. Hệ thống này tê liệt dẫn đến nước thải bị đổ ra biển mà chưa qua xử lý.
Vậy tại sao trong thông tin ban đầu Bộ đưa ra lại có giả thiết về thủy triều đỏ khiến dư luận bức xúc và nghi ngờ có sự bao che?
Việc đưa ra 2 nhóm nguyên nhân, do tác động của các độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền, trên biển và do hiện tượng thuỷ triều đỏ, là từ nghiên cứu của các nhà khoa học chứ không phải Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Lúc bấy giờ nếu kết luận ngay nguyên nhân do con người và do Formosa Hà Tĩnh, trong khi chưa có cơ sở nào để khẳng định thì chúng ta phải tiên liệu đến một vụ kiện ngược từ Formosa và phải đền bù hậu quả. Đến nay, sau 3 tháng, các nhà khoa học mới xác định được đâu là nguyên nhân chính, đâu là nguyên nhân mang tính chất cá biệt, ngẫu nhiên.
Theo đó, nguyên nhân thuỷ triều đỏ chỉ mang tính chất cá biệt. Còn phenol và xyanua là nguyên nhân chính và trực tiếp gây ra cá chết hàng loạt. Chúng tôi có đầy đủ cơ sở và chứng cứ khách quan, khẳng định phenol và xyanua là từ nhà máy luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh.
Như vậy việc đưa ra các nguyên nhân ở thời điểm cuối tháng 4 là ghi nhận một thực tế, đây là điều bình thường về khoa học, hoàn toàn không có ý bao che. Tôi khẳng định Chính phủ không bao che, mà làm theo trình tự một cách khoa học, đúng quy định pháp luật trong nước và quốc tế.
Vậy theo Bộ trưởng, Việt Nam sẽ làm gì để đảm bảo sự cố tương tự không còn xảy ra trong tương lai?
Chúng ta phải có tiêu chí để lựa chọn ngành, lĩnh vực công nghiệp thân thiện môi trường và trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp đó. Đồng thời, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật từ pháp luật đầu tư cho đến pháp luật môi trường, để làm sao vấn đề môi trường luôn được coi trọng, luôn được đặt ra và giải quyết một cách hữu hiệu.
Về quy chuẩn môi trường, trước đây vì nhiều lý do nên một số ngành ô nhiễm được ưu tiên bây giờ quan điểm phải ngược lại. Những dự án có khả năng ô nhiễm cao phải loại nó ra, không thể ưu tiên.
Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Theo Dân Trí