Philippines kiện Trung Quốc: Tòa quốc tế ra phán quyết vào ngày 12/7

Thứ sáu, 01/07/2016, 09:49
Tòa trọng tài thường trực quốc tế tại La Hay, Hà Lan vừa thông báo, ngày 12/7 sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống lại đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh lập tức nhắc lại tuyên bố không tuân thủ phán quyết này.
Năm thành viên tòa trọng tài xử vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Tòa trọng tài cho biết trong tuyên bố đưa ra đêm 29/6 (giờ Việt Nam) rằng, họ sẽ kết luận về vụ kiện vào 11h ngày 12/7 tại Hà Lan. Trong hồ sơ đệ trình lên tòa, Philippines yêu cầu xác định tính hợp pháp của cái gọi là “đường 9 đoạn” và làm rõ định nghĩa pháp lý của những “đảo, đá, thực thể nửa chìm nửa nổi hay bãi ngập” mà Trung Quốc đang chiếm đóng, cũng như quyền của Bắc Kinh đối với vùng nước lân cận của những thực thể này dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Philippines cũng nêu ra các vấn đề về môi trường và đánh bắt hải sản ở khu vực. Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông trong cái gọi là “đường 9 đoạn” bao phủ hầu hết diện tích Biển Đông, hàng trăm hòn đảo, bãi san hô, ngư trường và khu vực có trữ lượng dầu khí đáng kể. Philippines cho rằng, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc vi phạm UNCLOS  và làm hạn chế quyền khai thác các tài nguyên và hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua nói rằng, ông sẽ không “chế nhạo hoặc phô trương” nếu phán quyết của Tòa trọng tài thường trực có lợi cho nước ông. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng, phán quyết có thể khiến Trung Quốc có động thái phản ứng, gia tăng hành động, nên các nước liên quan cần thận trọng. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, ASEAN giúp giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.

Trung Quốc lớn tiếng bác bỏ

Trong tuyên bố phát đi hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn lớn tiếng cho rằng, tòa trọng tài không có thẩm quyền xử lý vụ việc và Bắc Kinh sẽ bác bỏ kết luận của tòa đối với đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông. “Về các vấn đề lãnh thổ và tranh chấp phân định trên biển, Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ phương tiện giải quyết tranh chấp liên quan bên thứ ba hoặc bất kỳ giải pháp nào áp đặt lên Trung Quốc”, Reuters dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trong tuyên bố.

People’s Daily (Nhân dân nhật báo) thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng vừa đăng một bài bình luận trong đó có đoạn: “Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ hoạt động nào của trọng tài bất hợp pháp và đã chuẩn bị tốt để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền của mình trên Biển Đông bằng những hành động kiên quyết và mạnh mẽ vào bất kỳ lúc nào”.

Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua nói rằng, đây là sự “lạm dụng luật” của tòa trọng tài với “thẩm quyền gây tranh cãi rộng rãi”. Xinhua cũng nói rằng, vụ kiện chỉ khiến tranh chấp tồi tệ hơn. “Manila không nhìn ra một phiên tòa như vậy sẽ chỉ khuấy động thêm rắc rối trên Biển Đông, ít nhất không có lợi cho các bên liên quan...Vụ kiện thậm chí đe dọa làm vấn đề phức tạp hơn khi khiến các bên nhất định trong tranh chấp có suy nghĩ sai rằng, họ có thể hưởng lợi từ việc cố ý gây ra hỗn loạn”, Xinhua viết.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn gia tăng nỗ lực ngoại giao để tập hợp sự ủng hộ đối với họ trước khi tòa án đưa ra kết luận được coi là chắc chắn nghiêng về Philippines. Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN, ông Xu Bu, hôm 29/6 nói rằng, không nên để tranh chấp ảnh hưởng đến hợp tác giữa nhiều quốc gia trong khối.

Tại Manila, ông Herminio Coloma Jr, Thư ký Văn phòng Thông tin của Tổng thống Philippines, nói rằng, Philippines “trông đợi một phán quyết đúng đắn và công bằng nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực”. Trước khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Philippines hôm 30/6, ông Rodrigo Duterte đầu tuần này tuyên bố, ông sẽ không nói về tranh chấp trên Biển Đông cho đến khi tòa án đưa ra phán quyết, báo Inquirer đưa tin.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Anna Richey-Allen, nhắc lại quan điểm Mỹ ủng hộ tòa. “Chúng tôi ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông, trong đó có việc sử dụng các cơ chế luật pháp quốc tế như tòa trọng tài”, bà Allen nói. Giới chức Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể phản ứng với phán quyết bất lợi của tòa bằng cách tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông bằng cách tăng cường xây dựng và củng cố quân sự trên các bãi đá tranh chấp.

Trong khi đó, báo cáo vừa công bố của Nhóm Khủng hoảng quốc tế, một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Bỉ, nói rằng, Trung Quốc giận dữ với điều mà họ cho là “sự can thiệp” của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông, khiến quan hệ chính trị Trung - Nhật thêm phức tạp. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama gần đây khẳng định, Nhật Bản “đang theo dõi sát sao” vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc, báo Japan Times đưa tin.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn