Vì sao sân bay Tân Sơn Nhất hễ mưa là ngập?

Thứ ba, 13/09/2016, 17:57
Vấn đề ngập úng tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi xảy ra mưa lớn đang khiến giới chức ngành hàng không đau đầu. Máy bay không thể cất - hạ cánh đã gây ùn ứ cả trên không và dưới đất. Mới đây chuyến bay chở Thứ trưởng Bộ GTVT chuyên trách hàng không cũng phải “xếp hàng chờ” trên trời 40 phút mới được hạ cánh…    

Vì sao hễ mưa lại ngập?

Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện có 3 hướng thoát nước chính ra hệ thống thoát nước chung của TP.HCM là kênh mương Hy Vọng, mương Nhật Bản và mương A41. Tồn tại chủ yếu gây ngập lụt ở sân bay là do hiện trạng thoát nước kém ở mương Nhật Bản và mương A41.

Đối với hệ thống thoát nước qua mương Nhật Bản, do tình trạng trộn bê tông của Công ty Xây dựng công trình hàng không thuộc Quân chủng Phòng không - không quân (ACC), xả nước thải lẫn vữa bê tông vào hệ thống thoát nước.

Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam, trong những năm qua, Cảng vụ này đã nhiều lần gửi công văn đến ACC và làm việc với đơn vị phụ trách trạm trộn bê tông của ACC, đề nghị nạo vét mương và có biện pháp xử lý, không để vữa bê tông xả vào mương gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước mương Nhật Bản.

Mương A41 - hệ thống thoát nước chủ lực của sân bay Tân Sơn Nhất "ngập ngụa" trong rác thải

Liên quan đến vấn đề này, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị ACC chỉ đạo các đơn vị phụ trách trạm trộn bê tông thực hiện những giải pháp xử lý vữa bê tông lẫn trong nước thải xả vào hệ thống nước chung của cảng hàng không. Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù nước thải đã được đơn vị xử lý qua bể lắng nhưng chưa hiệu quả, nước thải vẫn còn nhiều vữa bê tông lắng trong lòng mương gây hạn chế khả năng thoát nước của sân bay.

Với mương A41 - đây là hướng thoát nước chính của Cảng Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, đảm bảo thoát nước cho 50% khu vực sân đỗ máy bay và các kho hàng hóa. Tuy nhiên, do hoạt động nạo vét không liên tục (2 lần/năm), dòng chảy bị hạn chế do sạt lở bờ, cây cỏ xâm thực và người dân xây dựng lấn chiếm lòng mương, hành lang mương, xả rác sinh hoạt khiến lòng mương bị thu hẹp… gây khó khăn thoát nước sân bay.

Trong 2 năm qua, khu vực sân đỗ và một số công trình hàng không tại Tân Sơn Nhất bị ngập úng khi xảy ra mưa lớn, mưa kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác bay.

“Tôi phải ngồi chờ trên trời 40 phút!”

Được biết, TP.HCM đã giao UBND quận Tân Bình thực hiện dự án thay thế toàn bộ tuyến mương hở A41 bằng cống hộp, dự kiến khởi công trong năm 2017 và hoàn thành vào năm 2019. Điều này có nghĩa là ít nhất trong 3 năm tới, trong khi chờ TP.HCM “bê tông hóa” mương A41 thì tình trạng “hễ mưa là ngập” sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tiếp tục xảy ra.

Đáng nói, Tân Sơn Nhất là cảng hàng không quốc tế lớn nhất nước với lưu lượng hành khách và hàng hóa rất cao, nhưng biện pháp thủ công đang được Tân Sơn Nhất áp dụng để chống ngập là xây dựng các bể chứa để gom nước khi mưa, sau đó sử dụng máy bơm để bơm hút nước ra từ sân bay ra các kênh mương tiêu thoát.

Sân bay Tân Sơn Nhất sau trận mưa chiều tối ngày 11/9

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), chuyên trách lĩnh vực hàng không - khẳng định: Tình trạng ngập lụt sân bay gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến hoạt động khai thác bay tại Tân Sơn Nhất. Từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã họp với Quân chủng Phòng không - Không quân 8 cuộc và họp 4 cuộc với TPHCM về vấn đề ngập úng sân bay, nhưng tình hình vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, trận mưa hôm 26/8 và 11/9 tại Tân Sơn Nhất rất to, mưa xuống là ngập cả sân bay và chính ông cũng là “nạn nhân”.

“Tôi bay từ Hà Nội vào TP.HCM, khi tới nơi thì máy bay không thể hạ cánh được vì mưa lớn và sân bay bị ngập, tôi phải ngồi trên máy bay bay chờ trên trời suốt 40 phút để chờ nước ở sân bay rút thì mới hạ được cánh. Mưa nhỏ thì không sao nhưng mưa lớn là sân bay ngập lụt, với tình hình hiện nay thì đành phải chấp nhận.” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.

Về mặt kinh tế, khi sân bay ngập thì các chuyến bay không thể hạ cánh mà phải bay vòng trên trời chờ sân bay thoát nước, các chuyến bay dưới đất cũng không thể cất cánh vì đường băng không đảm bảo an toàn khai thác. Các chuyến bay bị hoãn hủy làm tăng chi phí của các hãng hàng không. Cùng đó, mưa ngập không đảm bảo an toàn bay, hoạt động điều hành bay rất phức tạp, mệt mỏi và nhiều vấn đề.

“Đây không phải là việc riêng của Bộ GTVT mà là trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành có liên quan phải tham gia giải quyết. Mùa mưa tại TP.HCM đang diễn ra, nếu như mọi giải pháp không đẩy nhanh tiến độ thì tình hình ngập lụt tại sân bay Tân Sơn Nhất còn nhiều vấn đề phải lo lắng!” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn