Theo ông Hồ Hoàng Anh - cư dân ấp 2, xã Đa Phước, ít giờ trước buổi thị sát của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đến Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (bãi rác Đa Phước, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) hôm 6/9, chính quyền địa phương đã huy động nhiều nhân lực tới quét đường, dọn ngõ xóm. Tuy nhiên, Bí thư không ghé khu dân cư mà xuống thẳng bãi rác để làm việc.
“Nghe bảo Bí thư Thăng nói quá trời, ngay sau đó mùi hôi thối từ bãi rác đã giảm” - ông chủ thửa đất rộng hơn 1.000m2 liền kề với bãi rác Đa Phước kể với PV.
Ba ngày sau hôm Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng làm việc về vấn đề xử lý rác tại Công ty Xử lý Chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS), người dân sống liền kề bãi rác Đa Phước bảo, họ đã được giải thoát phần nào khỏi thứ mùi hôi tanh “như chuột chết”, vốn bao vây cuộc sống đã lâu.
Men theo tuyến đường rải đá bao quanh bãi rác rộng hơn 30ha những hôm sau đó, sẽ thấy nước kênh rạch dâng cao hơn trước, giúp làm loãng đi các vũng nước đọng đủ màu đen, vàng, đỏ không rõ nguyên nhân. Nhìn cảnh bà con từ xa tới thả câu, người dân sống trong vùng lõi bãi rác nói lâu lâu mới thấy, vì khu này vốn chẳng loài cá nào sống nổi.
Ông Hồ Hoàng Anh đến sống ở xã Đa Phước từ năm 1980. |
“Họ lén xả nước thải ra kênh khiến cá trong 2 ao nhà tôi chết cả. Rô phi khỏe vậy còn chết thì ở đây loài nào sống nổi con ơi”, ông Hoàng Anh nói khi chỉ tay về đoạn hàng rào lưới của khu bãi rác, cách nhà gần 100m.
Rô phi khỏe vậy còn chết thì ở đây loài nào sống nổi. Ông Hoàng Anh, người dân xã Đa Phước. |
Theo người đàn ông này, vài năm trước, người dân còn bắt gặp cá lòng ròng, cá thòi lòi bò ở rạch cạnh nhà, nhưng từ ngày nước nơi đây đổi màu thì chẳng ai thấy nữa. “Chú tìm được con lòng ròng, thòi lòi nào dưới rạch thì chặt đầu tôi đi", ông Hoàng Anh quả quyết khi nói về nguồn nước ô nhiễm bao vây nhà mình.
Người đàn ông có thửa đất gần bãi rác Đa Phước kể, trước ngày Bí thư Thăng ghé làm việc, mỗi khi bãi rác tỏa mùi hôi, dân vùng này phải vơ khẩu trang để bịt mũi, đóng kín cửa ngồi trong nhà. Mùi hôi thối bốc ra ban ngày thì khóa cửa trốn đi nơi khác, còn nếu về đêm thì cũng đành chịu đựng.
Theo ông Hoàng Anh, dân Đa Phước đã nhiều lần kiến nghị chính quyền về thực trạng mùi hôi nhưng không có kết quả. Những lần bức xúc, lo lắng cho sức khỏe mình và con cháu, ông lại ra cửa bãi rác gặp đội bảo vệ thắc mắc thì họ hứa: “Cứ để đó sẽ kiến nghị”.
Trước đứng ngoài hàng rào có thể nhìn bên trong. Nay bãi rác đã cho che kín hàng rào. |
Kể về thứ mùi hôi tanh "như chuột chết" thường bốc ra từ bãi rác Đa Phước khi trời tối, hoặc sau mưa, ông Hoàng Anh tỏ ra là người hiểu chuyện. “Những ngày mưa, mấy ông trong đó thường mở lớp bạt đậy rác, để nước trút xuống, làm mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc, bay cả tới quận 7”, người đàn ông gần 60 tuổi giải thích và cho rằng công nhân làm như vậy để nước rác theo mưa có thể thoát ra môi trường tự nhiên.
“Họ mà mở bạt ra, các chú ngồi đây phát ói luôn, ruồi bu đen. Những hôm mùi nặng nhiều ruồi lắm, có con to bằng ngón tay, trời ơi", ông Hoàng Anh than thở, vẻ mặt khó chịu như đang hít phải thứ mùi vừa miêu tả. Những lúc như thế, ông bảo phải chạy đi lấy khẩu trang bịt mặt rồi đóng cửa nhà.
Suốt cuộc chuyện về bãi rác Đa Phước, ông Hoàng Anh nói không ngừng nghỉ. Ông nhắc đi nhắc lại việc Bí thư Thăng xuống tận nơi giúp dân ngăn chặn mùi hôi thối. Ông bảo, may cho Đa Phước vì mùi hôi bay đến tận khu nhà giàu ở quận 7, khiến họ lên tiếng.
“Dân nghèo chúng tôi thưa mãi rồi có được gì đâu. Kể cả mắc bệnh đau đầu, sổ mũi cũng chẳng biết kêu ai bây giờ”, ông Hoàng Anh than thở.
Trời đang nắng hễ đổ mưa chừng 5-10 phút là phát mùi. Thứ mùi hôi, chua như chuột chết nên lúc nào nhà tôi cũng đóng cửa. Anh Trà Văn Phúc, 35 tuổi, ở ấp 3, xã Đa Phước |
Theo người đàn ông này, sau buổi Bí thư Thăng xuống thị sát khu bãi rác, UBND xã Đa Phước có cử cán bộ tới các nhà dân thăm hỏi việc "có ngửi thấy mùi hôi không, con cháu có bị sổ mũi không", rồi bắt ký vào một tờ giấy.
“Nghe các ông ở xã hỏi, tôi chất vấn lại. Mùi hôi không bay vào trụ sở xã hay sao mà ông còn hỏi. Hôi thì ông cũng ngửi, tôi cũng chịu, hỏi làm chi cho mất công”, ông Hoàng Anh kể và lo ngại thứ mùi xú uế sẽ sớm bủa vây trở lại Đa Phước khi sự việc bị lãng quên.
Ở Đa Phước, có thể chia khu vực bị ảnh hưởng mùi hôi ra làm 3 vòng. Vòng 1 là các hộ dân tiếp giáp với Quốc lộ 50, ít bị ảnh hưởng do ở đầu hướng gió. Vòng 2 là số hộ ở cách bãi rác chừng 100m (như hộ ông Hoàng Anh). Vòng 3 gồm khoảng 10 hộ, nhưng hiện chuyển đi hầu hết. Họ là những gia đình sinh sống kề bãi rác Đa Phước, chỉ cách con đường liên ấp bề rộng khoảng 4m.
Hàng rào bãi rác chỉ cách nhà dân chỉ vào mét. |
Gia đình anh Trà Văn Phúc (35 tuổi, ở ấp 3, xã Đa Phước) là một trong ba hộ nghèo. Ngày sinh ra, anh kể bãi rác còn chưa có, nhưng qua gần chục năm hoạt động, núi phế thải hôi thối đã tiến sát nhà mình, chỉ còn cách hàng rào ngăn cách hơn chục mét.
Chỉ về bãi rác rộng mênh mông có hàng rào mới được che kín bạt đen, anh bảo, người dân ở đây không ai lạ quy luật phát mùi hôi thối của bãi rác Đa Phước. “Trời đang nắng hễ đổ mưa chừng 5-10 phút là phát mùi. Thứ mùi hôi, chua như chuột chết nên lúc nào nhà tôi cũng đóng cửa”, người thanh niên chưa có gia đình nói.
“Tụi nhỏ bệnh tùm lum, sổ mũi, họ, tiêu chảy liên miên, nổi mẩn do khí, nước ô nhiễm nhưng chẳng biết đổ lỗi cho ai", anh Phúc nói khi chỉ về đứa cháu trai đang múc từng gáo nước đi mua để vo gạo.
Dẫn khách ra xem khu chuồng gà vịt, anh Phúc bảo lâu nay gia đình cũng chuyển qua nuôi nhốt gia cầm, không dám thả ra kênh rạch vì chúng cứ uống nước ở đây là chết. “Lúa không sống được, đám cỏ tranh trong vườn còn không lên nổi”, anh Phúc ngán ngẩm.
Là một trong số các hộ dân chờ giải tỏa, phục vụ quy hoạch bãi rác Đa Phước, anh bảo gia đình đang mong chờ tiền đền bù để di dời mà chưa được. Chỉ tay về phía những ngôi nhà bỏ hoang, anh bảo, chỉ còn 2 hộ sống gần bãi rác như gia đình mình, gần chục nhà khác đã chuyển đi nơi khác thuê trọ vì không chịu được mùi hôi thối.
Thủ tướng chỉ đạo làm rõ nguyên nhân gây mùi hôiKhu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước (còn gọi là bãi rác Đa Phước) khởi công tháng 7/2005. Dự án dự kiến bao phủ trên diện tích 138ha, chia làm bốn giai đoạn, hoạt động trong 24 năm. Trong giai đoạn 1 của dự án, một bãi chôn lấp có diện tích khoảng 30,6ha và thể tích không gian khoảng 3 triệu m3 đã được xây dựng. Bãi chôn lấp được thiết kế với công suất 10.000 tấn rác thải/ngày. Công trình chính thức hoạt động từ tháng 11/2007. Bãi rác Đa Phước được quảng cáo là hoạt động theo công nghệ của Mỹ rất hiện đại, đặc biệt là trong khâu xử lý nền móng, chống thấm bãi chôn lấp, hạn chế đến mức thấp nhất mùi hôi, rác được tái chế và sản xuất phân compost. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, phía Công ty Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) cho rằng do TP.HCM không tổ chức phân loại rác tại nguồn nên rác thải lẫn lộn mọi thứ, không thể tổ chức tái chế hay sản xuất phân compost như kế hoạch ban đầu. Trước đó, liên tục từ ngày 23/8, PV đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng người dân phía nam TP.HCM phải chịu đựng mùi hôi thối. Người dân "tố" mùi hôi này phát xuất từ Khu Xử lý chất thải Đa Phước. Trên Zing.vn, các chuyên gia môi trường cũng đặt vấn đề quy hoạch bãi rác ở đầu hướng gió làm mùi hôi lan rộng. Ngày 3/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo UBND TP.HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đồng thời có phương án giải quyết tình trạng này. |
Theo Zing