Ngày 30-8, ông David Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP Xử lý chất thải Việt Nam - Long An (VWS), đơn vị trực tiếp vận hành Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM), đã có buổi trao đổi với Báo Người Lao Động về mùi hôi bất thường ở khu vực Nam Sài Gòn.
Phóng viên: Những ngày qua, khu vực Nam Sài Gòn xuất hiện mùi hôi thối nồng nặc, dư luận cho rằng nguyên nhân là do bãi rác Đa Phước gây ra. Ý kiến của ông về thông tin này?
Ông David Dương: Trước hết, tôi đồng cảm với nỗi khổ của người dân. Tuy nhiên, quy tội cho bãi rác Đa Phước khi chưa có kết quả thì không công bằng với chúng tôi. Khi đầu tư về Việt Nam, chúng tôi đặt nặng vấn đề sức khỏe và môi trường chứ không phải là chuyện kiếm tiền.
Từ năm 2007 đến nay, nhà máy xử lý rác thải luôn hoạt động rất tốt và ổn định. Thời gian qua, chúng tôi không ngừng mua sắm thiết bị, máy móc chuyên dụng, như máy phun xịt khử mùi, diệt côn trùng; tăng cường công nhân kiểm tra, kiểm soát…
Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng bỏ ra nhiều chi phí để tìm nguyên nhân phát tán mùi hôi, thậm chí tính chuyện thưởng cho người phát hiện ra thủ phạm.
Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi UBND TP HCM đề nghị phối hợp để có biện pháp xử lý. Trước mắt, chúng tôi đã thuê công ty bảo vệ đặt một số chốt kiểm soát tại những vị trí mà người dân báo có mùi hôi, chủ yếu tập trung ở huyện Nhà Bè và quận 7. Các chốt hoạt động 24/24 giờ để ghi lại giờ, nồng độ mùi hôi và những phản ánh của người dân.
Bãi rác Đa Phước. |
Vì sao không thuê một đơn vị chuyên hoạt động lĩnh vực môi trường mà lại là bảo vệ trong khi họ không có chuyên môn về mảng này?
Nên thuê những người bình thường để có thể đánh giá mùi hôi một cách chân thật nhất. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ khi tiếp xúc với người dân thì dễ dàng nói chuyện, cởi mở hơn.
Theo VWS, mùi hôi mấy ngày qua ở khu Nam Sài Gòn xuất phát từ đâu?
Chúng tôi tiếp xúc với người dân sống tại quận 7, họ nói mùi tanh hôi là phân heo và cá chết sình. Mùi này xuất hiện nửa đêm và 5-6 giờ sáng.
Hiện chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm mang tính khoa học để xem các xe rác khi vào khu xử lý có bị phát tán mùi vượt qua sự khống chế công nghệ mà chúng tôi áp dụng hay không. Có một số nghi vấn nhà máy nước thải ở khu Phú Mỹ Hưng nên chúng tôi đang phối hợp với Ban Quản lý Phú Mỹ Hưng họp bàn và thị sát thực tế.
Mấy ngày qua, chúng tôi luôn mở cửa đón đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP vào khu vực trong và ngoài nhà máy xử lý để ghi nhận. Tôi thừa nhận có những ngày xe rác đang đổ, mưa xuống, gió thổi mạnh khiến mùi đẩy ra khỏi phạm vi khống chế. Tuy nhiên, VWS không ngừng tăng cường việc xử lý gấp đôi, thậm chí gấp ba, để giảm hậu quả tác động. Tất cả đều nằm trong vùng kiểm soát.
Theo Sở TN-MT TP, việc chôn rác chi phí rẻ sẽ dễ gây ra mùi hôi, nước rỉ rác... Vì sao VWS lại thực hiện công nghệ này mà không áp dụng công nghệ tiên tiến hơn?
Nói chôn rác ảnh hưởng môi trường là không sai. Thực tế, công nghệ nào cũng gây ra mùi. Điều quan trọng là khi xử lý khống chế không cho chúng lan ra ngoài. Tại Mỹ, chỉ có mấy lò đốt rác, còn bao nhiêu là chôn lấp như VWS đang làm.
Trên thế giới, công nghệ xử lý rác thải rất nhiều nhưng phải nghiên cứu dựa trên tình hình thực tế mà áp dụng. Rác ở TP.HCM gần 70% hữu cơ, nếu tách rời các sản phẩm độc hại thì sẽ có phân bón rất tốt. Rác cũng là tài nguyên nên phải biết tận dụng lại.
Sắp tới, VWS có tính đến chuyện thay đổi công nghệ tiên tiến hơn để không còn cảnh chôn lấp ở bãi rác Đa Phước hay không?
Theo chỉ đạo của UBND TP, năm 2020, TP.HCM sẽ đóng cửa toàn bộ các bãi rác. Nếu đầu tư, phải tốn kém rất nhiều, rẻ nhất cũng đã hơn 200 triệu USD. Số tiền “khủng” như vậy chỉ dùng trong 4 năm liệu có phí hay không? Chúng tôi đang đầu tư một công nghệ mới tại bãi rác ở Long An. Nếu TP chấp thuận cho tồn tại bãi rác Đa Phước nhiều năm nữa, chúng tôi sẵn sàng hợp tác đầu tư thiết bị tân tiến và giá thành phù hợp nhất.
Giả định nguyên nhân gây ra mùi là bãi rác Đa Phước thì ông sẽ làm gì? Dự kiến khi nào có kết quả chính thức?
Hệ thống xử lý của chúng tôi rất chằng chịt, phun sương 2-3 lớp để khử mùi. Rác đổ xuống phủ nhựa ngay để tránh phát sinh côn trùng. Nếu nguyên nhân do VWS gây ra thì chúng tôi sẽ cử đội chuyên gia độc lập từ Mỹ sang Việt Nam để tìm biện pháp khắc phục. Còn việc bao giờ có kết quả thì phải chờ cơ quan chuyên môn vì chúng tôi chỉ là đơn vị phối hợp với UBND TP. Chúng tôi cũng rất nóng lòng chờ thông tin.
Phải có giải pháp chấm dứt ô nhiễm Ngày 29-8, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2016, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã lưu ý các sở, ngành tập trung làm rõ nguyên nhân của tình trạng mùi hôi thối xuất hiện ở Phú Mỹ Hưng và khu vực lân cận. Ngoài ra, chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu rà soát kỹ trên địa bàn TP còn những khu vực nào ô nhiễm môi trường để có hướng xử lý. Cùng ngày, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, cho biết UBND TP đã chỉ đạo Sở TN-MT chủ trì phối hợp các quận - huyện: 7, Bình Tân và Bình Chánh kiểm tra các khu vực nghi ngờ phát tán mùi hôi thối. Theo ông Hoan, hiện chưa thể xác định nguyên nhân. “Chúng ta kiểm tra nhưng nếu không có cơ sở pháp lý, khoa học kỹ thuật thì rất khó quy trách nhiệm cho các đơn vị gây ô nhiễm” - ông Hoan đánh giá. Ông Hoan yêu cầu đoàn kiểm tra sớm đưa ra kết luận nguyên nhân phát tán mùi hôi tại các quận khu vực phía Nam, tổ chức họp công bố thông tin cho báo chí và người dân. “Đó là việc phải làm nhưng quan trọng nhất là đưa ra giải pháp, chấm dứt tình trạng phát tán ô nhiễm. Phải có các trạm quan trắc tự động tại những khu xử lý chất thải để nắm được các thông số môi trường phục vụ công tác giám sát, chỉ đạo của TP” - ông Hoan kết luận. |
Theo NLĐ