Cảng cá thôn Ba Đồng (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nằm ở tâm điểm sự cố môi trường biển. Cuối tháng 8, hàng trăm tàu thuyền vẫn nằm bờ phơi mưa phơi nắng. Lâu ngày không ra khơi, ngư dân lấy chăn màn che thuyền, nhưng nắng gió đã làm rách tơi tả tấm che. Cách đó khoảng 2km, ống khói nhà máy trong công trường Formosa hoạt động đều đặn.
Sau 4 tháng thuyền nằm bờ, mỏ neo bị rỉ sét. Một số ngư dân cho hay, tàu thuyền lâu ngày không nổ máy nên đa số đều bị hỏng hóc, khi đánh bắt trở lại dự tính chi phí sửa chữa sẽ tốn hàng chục triệu đồng.
Vào năm học mới, nhiều ngư dân lo lắng các khoản tiền đóng góp cho con em mình do thu nhập gia đình giảm đáng kể từ sau sự cố môi trường biển. Ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết toàn thị xã có 54 thôn xóm bị ảnh hưởng bởi bởi sự cố do Formosa gây ra.
Tình trạng tương tự Hà Tĩnh được ghi nhận tại Quảng Trị. Hàng chục chiếc thuyền nằm bờ ở bãi ngang xã Trung Giang (huyện Gio Linh, Quảng Trị). Ông Trần Viết Tiễn cho biết, ngư dân chặt cây dứa dại đầy gai đặt trong lòng thuyền, vừa tránh nắng mưa, vừa ngăn trẻ con phá hoại. “Khoảng 2 tháng thì cây dứa héo, phải thay cây mới. Đã 2 lần thay dứa mà vẫn chưa ra khơi được".
Ngư dân Phan Văn Sơn cho biết, không đi biển được, gia đình ông phải chuyển sang nuôi heo, buôn bán qua ngày.
Ngày 22/8, Bộ Tài nguyên công bố nước biển "đạt chuẩn", nhiều ngư dân ở Hà Tĩnh rục rịch tu sửa lại thuyền thúng bị mục nát do nằm bờ lâu ngày.
Ông Sơn (huyện Gio Linh, Quảng Trị) cùng con trai đưa chiếc thuyền nan 90CV lên bờ để tu sửa, chờ mùa biển mới. “Hy vọng cuối tháng 8 âm lịch, biển lại có cá để ngư dân chúng tôi ra khơi”.
Tại thôn Bắc Hải (xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh), từ tháng 4 tới nay nhiều ruộng muối bị bỏ hoang. Ông Nguyễn Đức Việt (46 tuổi) cho biết, muối làm ra bán không được vì tâm lý người tiêu dùng cho rằng muối cũng bị nhiễm độc nước biển. Hiện xã có khoảng 70 ha làm muối tạm bỏ hoang.
Bãi tắm Cửa Việt một buổi sáng cuối tháng 8 vắng bóng du khách.
Lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm còn 1/10 so với cùng kỳ năm 2015. Công suất đặt phòng tại các khu du lịch ven biển chỉ 10-15%. Trong ảnh:
Công suất các lò hấp cá tại xã Gio Hải và thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) giảm còn 1/3 so với trước. Nhiều lò không có việc, bãi phơi cá trống trơn.
Chợ cá Thạch Kim (Cảng Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) nằm cách nhà máy Formosa khoảng 100 km. Đây là một trong những chợ cá đầu mối lớn nhất tại Hà Tĩnh. Thời điểm xảy ra sự cố môi trường, chợ cá Thạch Kim vắng bóng người, nay chợ bắt đầu hoạt động trở lại.
Ông Đinh Ngọc Hùng, Trưởng công an xã Thạch Kim, cho biết, lượng cá đánh bắt về giảm so với trước, giá các loại hải sản "có dấu hiệu nhích lên". Đơn cử, mỗi kg cá cam trước khoảng 40 nghìn đồng, nay tăng lên 45 nghìn đồng.
Chợ cá đông người mua bán hơn hồi tháng 4, tháng 5, tuy nhiên nhiều thương lái cho biết họ vẫn dè dặt trong thu mua, chờ thêm công bố chính thức của Bộ Y tế về độ an toàn của cá biển.
Theo VNE