Chuyên gia môi trường: 'Mùi hôi ở Sài Gòn có thể do rác'

Thứ tư, 31/08/2016, 08:50
TP.HCM tập trung nhiều khu xử lý rác thải về một chỗ được các chuyên gia cho là nguyên nhân gây ra tình trạng "cộng hưởng" khiến mùi hôi thối có thể bay xa hàng chục km.
Khoảng cách từ bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) đến Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) khoảng 20km. Ảnh: Google maps

Tình trạng mùi hôi thối phát tán ở khu Nam Sài Gòn như quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh đang được Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM làm rõ. Trong đó bãi rác Đa Phước, nhà máy xử lý bùn hầm cầu Hòa Bình, lò thiêu Bình Hưng, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng... ở huyện Bình Chánh đều có thể là "thủ phạm" dù nằm cách xa khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) đến 20 km.

Theo Giáo sư Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng môi trường Đại học Công nghiệp TP.HCM - mùi hôi thối có thể bay theo gió đến 80 km, đặc biệt mùi rác khác hẳn với những mùi khác nên về cảm quan có thể cảm nhận được. "Tuy nhiên, để biết chính xác thủ phạm gây mùi hôi cần kết hợp cả hai phương pháp cảm quan và phân tích sinh hóa, nhằm xác định rõ nồng độ các chất đặc thù trong không khí", ông Bá nói.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng mùi hôi phát tán rộng như vậy thì không thể xuất phát từ nguồn nhỏ, mà chỉ có những nguồn lượng phát thải lớn hoặc trải dài.

"Nguồn gây mùi hôi thối như người dân phản ánh cũng có thể phát sinh từ bãi rác Đa Phước, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng hoặc các nguồn khác... Việc người dân nghi ngờ là có cơ sở, nhưng chưa tiến hành kiểm tra, đo đạc thì chưa thể kết luận", ông Bằng nói.

Về việc người dân khu Phú Mỹ Hưng chỉ phát hiện mùi "khủng khiếp" từ tối trở về sáng, ông Bằng cho rằng, cơ chế phát tán mùi phụ thuộc nhiều yếu tố như khí tượng, lượng phát thải mùi... Ban ngày trời nắng, mùi sẽ bị phát tán trong không gian rộng khiến nồng độ và ngưỡng mùi giảm. Ban đêm thường có lớp nghịch nhiệt xuất hiện (bầu khí đặc trong khí quyển tầng không khí bên trên dày) khiến mùi phát tán trong không gian hẹp hơn, nồng độ mùi cao ảnh hưởng đến khứu giác người dân.

"Hiện, theo số liệu khí tượng cho thấy TP.HCM trong mùa mưa với gió mùa Tây Nam, tức sẽ mang mùi khu vực bãi rác, hồ xử lý thải ở hướng Bình Chánh tới khu dân cư Phú Mỹ Hưng", ông Bằng nói và cho biết có thể trước đây lượng rác hoặc lượng nước thải chưa nhiều như bây giờ nên mùi chưa đạt đến nồng độ và ngưỡng ảnh hưởng đến khứu giác người dân.

Bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) nhìn từ trên cao - một trong những nơi bị nghi ngờ là "thủ phạm" gây ra mùi hôi ở Sài Gòn.

Cách tìm ra "thủ phạm" gây hôi thối

Theo Giáo sư Lê Huy Bá, với phương pháp cảm quan, các cơ quan chức năng có thể dùng các máy đo cầm tay để tìm hiểu hướng mùi cụ thể từ đâu. Từ chỗ thấy có mùi hôi, đi dần về nơi mùi lan tỏa (có mùi nặng hơn) để trở về cái gốc của nó. Ở khoảng cách 10-20km thì nồng độ mùi khác, nhưng càng gần nơi phát sinh thì mùi sẽ nồng hơn và sẽ cảm nhận rõ hơn.

Đối với phương pháp phân tích hóa sinh, có thể lấy mẫu thử không khí theo từng vị trí, tọa độ rồi đưa vào phòng phân tích. Với công nghệ của Việt Nam hoàn toàn có thể phân tích được, có thể mất nhiều thời gian hơn một chút, còn với phương pháp tiên tiến của nước ngoài thì chỉ cần trong một ngày có thể ra kết quả. Họ không hút khí trực tiếp mà dùng những miếng thấm không khí để lấy nhiều mẫu về phân tích.

Còn Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng cho rằng, phía Nam thành phố có rất nhiều nguồn có thể phát sinh mùi, do đó muốn xác định được nguồn gốc gây hôi thối thì phải đưa mô hình vào máy để tính toán tìm đường đi của mùi. Sau đó chạy mô phỏng nguồn phát sinh mùi để khu biệt, đánh giá nồng độ và ngưỡng mùi của từng nguồn một.

"Có thể một nguồn đơn lẻ phát sinh mùi thì chưa đạt đến nồng độ, ngưỡng mùi. Nhưng tổng hợp của nhiều nguồn tại khu vực này có thể khiến mùi đạt đến ngưỡng và nồng độ gây ảnh hưởng đến người dân", ông phân tích.

Ông Bằng cũng cho rằng, qua sự cố này thành phố phải xem xét lại quy hoạch để biết được khả năng tiếp nhận lượng khí thải của bầu không khí khu vực như thế nào. Vì hiện thành phố chưa tính toán đến vấn đề này nên có thể những trường hợp nhà máy xử lý nước thải, lò thiêu, bãi rác khổng lồ, nhà máy xử lý chất thải... tập trung một chỗ.

"Các nguồn này nếu cách xa nhau thì chưa, nhưng nếu cộng dồn lại có thể gây ảnh hưởng. Vấn đề ô nhiễm không khí rất phức tạp nên thành phố cần phải có quy hoạch cụ thể để đo được khả năng tiếp nhận của bầu không khí, không ảnh hưởng đến người dân", ông Bằng khuyến cáo.

Gần đây, người dân khu Nam Sài Gòn bị mùi hôi thối tấn công vào buổi chiều tối đến sáng. Mùi này được mô tả giống phân tươi bón ruộng, rất nồng nặc và "khủng khiếp không thể chịu nổi". Trước bức xúc của cư dân khu đô thị Phú Mỹ Hưng, chủ đầu tư phải làm đơn kêu cứu chính quyền.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường vào cuộc điều tra thủ phạm gây mùi hôi thối,nhanh chóng trả lại không khí trong trong sạch cho người dân.

Theo VNE

Các tin cũ hơn