Xe chở rác ra vào bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM, phía sau là bãi chôn lấp rác |
UBND TP.HCM đang ráo riết chỉ đạo các cơ quan chức năng xác định nguồn gây ra mùi hôi ở khu Nam Sài Gòn để có biện pháp xử lý phù hợp. Hôm qua, tại cuộc họp báo về kinh tế - xã hội, đại diện UBND TP cho biết đang tổ chức đoàn kiểm tra và sẽ công khai vấn đề này khi có kết quả.
Nhanh chóng xác định nguồn gây mùi hôi
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM ngày 29-8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường nhanh chóng kiểm tra, báo cáo cụ thể về tình trạng bốc mùi hôi ở khu vực Nam Sài Gòn.
“Tôi có gọi điện thoại trực tiếp cho anh Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, sở đã nhanh chóng cử người trực tiếp xuống nắm tình hình. Trước nay có nhiều đơn thư của bà con gửi phản ảnh về tình trạng ô nhiễm này. Nếu không sớm giải quyết sẽ ảnh hưởng rất nhiều thứ” - ông Phong nói.
Theo ông Phong, hiện vẫn chưa xác định nguyên nhân là từ khu Đa Phước.
Qua trao đổi giữa ông Phong với ông Nguyễn Toàn Thắng thì ông Thắng nói có thể có khả năng một trong những nguyên nhân từ Đa Phước. Ngoài ra còn nguyên nhân từ những công trình nào nữa phải kiểm tra làm rõ để có biện pháp xử lý.
Tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan thông tin cho đến thời điểm hiện tại chưa đủ cơ sở kết luận đâu là nguyên nhân gây ra mùi hôi vì khu vực này có nhiều đơn vị làm nhiệm vụ xử lý chất thải.
“TP sẽ phải tổ chức đoàn kiểm tra hẳn hoi. Sở Tài nguyên - môi trường chủ trì phối hợp với các quận huyện, đơn vị có liên quan sớm kiểm tra và có báo cáo cụ thể. Khi có kết quả cũng sẽ đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường họp báo công khai” - ông Hoan khẳng định.
Về hướng giải quyết căn cơ, ông Hoan cho rằng ngoài chuyện lập đoàn kiểm tra, quan trọng nhất là phải tổ chức quan trắc môi trường một cách chặt chẽ. Phải có những trạm tự động tiếp nhận và đưa ra được các thông số làm cơ sở để xử lý.
“Thậm chí ở các khu xử lý rác cũng phải có trạm quan trắc để cơ quan nhà nước kiểm tra đánh giá. Chứ cứ đi kiểm tra mà không có cơ sở khoa học, kỹ thuật, không có con số chứng minh cụ thể thì rất khó quy trách nhiệm cho các đơn vị” - chánh văn phòng UBND TP nêu quan điểm.
70% khối lượng rác được đem chôn
Đề cập những vấn đề xử lý rác thải của TP, một trong những yêu cầu mới đây của UBND TP đối với các cơ quan chuyên môn là phải làm việc lại với Công ty TNHH Xử lý chất thải VN (VWS) - chủ đầu tư bãi rác này - về giải pháp sử dụng công nghệ mới nhằm hạn chế việc chôn lấp rác.
Thực tế cho đến nay, tại bãi rác Đa Phước chỉ có chôn lấp toàn bộ lượng rác được giao theo hợp đồng trước đây (3.000 tấn/ngày) và cả lượng rác được giao tăng thêm sau này (trung bình khoảng 2.000 tấn/ngày).
Còn theo hợp đồng ký kết và phê duyệt dự án, ngoài chôn lấp rác, dự án xử lý rác của Công ty VWS phải tái chế rác, làm phân hữu cơ...
Nhưng Công ty VWS lấy lý do lâu nay không nhận được rác phân loại từ đầu nguồn như hợp đồng đã ký, nên đến nay chỉ chôn lấp rác.
Rà soát vấn đề này, cả Thường vụ Thành ủy TP và UBND TP đều yêu cầu các cơ quan chức năng phải xem xét giá xử lý rác 16,4 USD/tấn (giá khởi đầu) đã bao hàm cả chi phí sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ.
Lãnh đạo TP cũng đánh giá sau 10 năm đưa vào hoạt động, không riêng VWS, các khu xử lý rác của TP đều chưa đạt yêu cầu về công nghệ xử lý, hơn 70% khối lượng vẫn được xử lý bằng chôn lấp hợp vệ sinh, chưa có công nghệ mới...
Trong khi đó, mục tiêu của TP từ nay tới năm 2020 là phải áp dụng công nghệ xử lý rác sinh hoạt với tỉ lệ: 40% tái chế, làm phân compost, đốt và chôn lấp hợp vệ sinh 60% tổng lượng phát sinh.
Thực tế hiện nay cho thấy trong tổng lượng rác phát sinh chỉ có khoảng 2.200 tấn/ngày được giao cho Công ty VietStar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa (đặt tại khu xử lý rác Phước Hiệp, Củ Chi) để phân loại, tái chế, làm phân bón, đốt...
Phần rác còn lại không làm gì được nữa thì mới đưa trở lại bãi chôn lấp. Như vậy ở hai dự án này, dù quy mô chưa phải là lớn nhưng lượng rác chôn lấp cũng giảm được đáng kể.
Còn ở khu Đa Phước thì lượng rác lên tới 5.000 tấn/ngày và chỉ mang đi chôn lấp. Câu hỏi đặt ra là nếu rác đưa về bãi Đa Phước vẫn cứ mãi chôn lấp thì bao giờ TP.HCM mới tiến được đến mục tiêu giảm chôn lấp rác?
Trao đổi với PV về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM - cho biết TP đang tìm kiếm những công nghệ hiện đại hơn để thay chôn lấp rác.
Chôn lấp rác cho thấy có chi phí rẻ tiền, dễ làm nhưng bản chất về chi phí trên thực tế là chưa tính đúng, tính đủ giá trị của diện tích đất dùng để chôn rác. Đồng thời chôn rác có nhiều hệ quả môi trường phát sinh, nước rỉ rác, mùi hôi...
Theo bà Mỹ, Sở Tài nguyên - môi trường TP có tiếp cận khoảng 5-6 dự án xử lý rác thải áp dụng công nghệ đốt rác. Thông tin ban đầu về các dự án này cho thấy có dự án đưa ra giá cả xử lý bằng công nghệ này là không cao hơn nhiều so với chi phí chôn lấp rác hiện nay.
Thậm chí có dự án chào giá bằng với giá chôn lấp rác hiện tại. Các dự án này đã được Sở Tài nguyên - môi trường TP báo cáo UBND TP.
VWS được phép đẩy công suất lên 10.000 tấn/ngày Khu xử lý rác Đa Phước của Công ty VWS được Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi dự án chính thức đi vào hoạt động tháng 4-2005 (quy định trước đây thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên - môi trường TP). Khi có chủ trương tăng khối lượng rác cho Công ty VWS xử lý tại bãi rác Đa Phước, công ty này được Bộ Tài nguyên - môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nâng công suất tiếp nhận, xử lý rác sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày. Với phê duyệt này được hiểu là Công ty VWS có thể nâng công suất lên đến 10.000 tấn/ngày. |
Theo TTO