TP.HCM còn quá nhiều lực cản: Ám ảnh mưa là ngập

Thứ ba, 30/08/2016, 10:43
Đường kẹt, cầu sập, tàu trễ chuyến, ôtô, xe máy bị nhấn chìm trong tầng hầm là tình trạng xảy ra ở TP.HCM những ngày qua khi mưa lớn khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Và đây là một trong những tác nhân cản trở sự phát triển của TP.HCM.

Mệt mỏi

Cơn mưa lớn kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ ở TP.HCM chiều 26/8 không chỉ gây kẹt xe, ngập đường trầm trọng mà những ngày sau, người dân ở đây vẫn khốn khổ tìm cách giải cứu tài sản bị nhấn chìm trong biển nước ô nhiễm.

Các tuyến đường cửa ngõ TP.HCM như khu vực trước sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến đường cửa ngõ phía Đông thành phố như ngã tư Hàng Xanh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Đinh Bộ Lĩnh… nước ngập lênh láng, hàng nghìn phương tiện lưu thông hỗn loạn do kẹt xe. Không chỉ ngập vào chiều 26 mà đến trưa 27/8, nước mưa chưa kịp thoát kèm theo triều cường lên khiến các tuyến phố tiếp tục ngập sâu. Hàng trăm người di chuyển qua đường Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh bị nước ngập chết máy, xe phải dắt bộ cả cây số.

Tại khu vực quận 9, nhiều tuyến đường ngập cả mét khiến người dân không kịp trở tay. Nhiều gia đình bỏ mặc tài sản trôi lềnh bềnh trong nước vì quá mệt mỏi sau những trận mưa ngập. Ngồi trên căn gác phòng trọ nhìn tivi, tủ lạnh nổi lềnh bềnh trên mặt nước mà không làm gì được, chị Lê Thị Trâm (ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, TP.HCM) ngao ngán: “Mỗi lần mưa là nước tràn từ ngoài đường vào nhà. Mấy lần trước tôi nhờ người xung quanh chuyển tivi, tủ lạnh lên gác. Lần này nước tràn vào quá nhanh với lại quá mệt rồi nên không chuyển nổi lên trên nữa”.

Cũng lâm vào hoàn cảnh như chị Trâm, cả chục căn nhà ở đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận cũng chìm trong biển nước sau cơn mưa lớn vào chiều 26/8. Nước mưa cùng nước trào từ dưới cống lên “tấn công” vào các tầng hầm khiến người dân không kịp trở tay. Tại tầng hầm một trụ sở ngân hàng, nước tràn vào như lũ khiến nhiều ô tô, xe máy bị nhấn chìm, hư hỏng, lực lượng cảnh sát PCCC phải huy động phương tiện đến bơm nước cứu xe nhưng toàn bộ xe đã không thể khởi động.

“Lúc bơm hết nước ra tôi xuống hầm mở cốp xe thì toàn là bùn với nước bẩn, không làm sao cho xe nổ được. Phải mất cả buổi đưa xe đi sửa. Để xe trong nhà cũng bị ngập thì không biết phải mang đi đâu”, chị Linh, nhân viên ngân hàng nói.

Giao thông hỗn loạn trong cơn mưa tối 26/8.

Lỗi ở quy hoạch

Trao đổi với PV, TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, không thể đổ cho trời mưa lớn gây ngập bởi hiện nay không riêng gì TP.HCM mà Hà Nội, Đắk Lắk, Nha Trang cũng ngập. “Nguyên nhân là do lỗi thiết kế, lỗi quy hoạch. Công tác chống ngập của TP.HCM kéo dài 2 thập kỷ không ổn về lý luận, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy hoạch, giải pháp. Thật ra chỉ cần sai lầm về quy hoạch do kiến thức năng lực chuyên môn chưa tới. Không thể bắt ông trời mưa nhỏ dưới 100mm được”, TS Phạm Sanh nói.

Theo ông Sanh, chưa đề cập đến triều cường hay biến đổi khí hậu “hệ thống thoát nước của thành phố đã có vấn đề”. Trên thế giới, hệ thống thoát nước đô thị bao giờ cũng bao gồm hệ thống thu, hệ thống dẫn, hệ thống trữ và hệ thống điều hòa. Nước mưa chảy từ các khu dân cư ra khu trục nhánh rồi đổ ra hồ điều tiết, sau đó đổ ra sông hồ. Thiết kế các đường ống cống thoát nước phải 20 năm thậm chí 50-100 năm.

Trong khi đó hệ thống thoát nước mưa TP.HCM chỉ quanh quẩn cống thoát với chu kỳ mưa thiết kế 5 năm, lại không được nối kết thành một hệ thống thoát nước thứ bậc hoàn chỉnh. “Đây chính là điều cơ bản dẫn đến sân bay Tân Sơn Nhất ngập, đường sắt cũng ngập, đường Phan Xích Long sát nách kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn ngập”- TS Phạm Sanh phân tích.

Tài sản của người dân nổi lềnh bềnh trong nước.

“Nếu không thay đổi thiết kế, tiêu chuẩn, quy hoạch thoát nước thì TP.HCM càng ngày càng ngập. Còn với sân bay Tân Sơn Nhất, hệ thống thoát nước được thiết kế lớn nhưng sau thời gian bị lấn chiếm khiến kênh rạch bị thu hẹp gây ngập. Trước mắt cần phải thông các đường cống chính thoát nước sân bay và phải đào hồ điều tiết và hồ sinh thái để dự trữ nước trong những cơn mưa lớn sau đó xả ra ngoài”, TS Pham Sanh nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng các công trình chống ngập hiện nay không khả thi do đa số các công trình sử dụng ống nhỏ và không có hệ thống lưu dẫn. Nhiều công trình hiện nay mang tính chống ngập nhưng thực chất chỉ nâng đường, khi vị trí này hết ngập thì nước dồn qua vị trí khác gây ngập. Khi vị trí ngập mới được nâng đường cao hơn thì vị trí cũ ngập lại như cũ. Nếu cứ chống ngập như hiện nay thì chỉ quanh quẩn trong vòng tròn chống chỗ này ngập chỗ khác.

Cả thường trực ủy ban phải đi chống ngập

Sáng 29/8, tại cuộc họp của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành chương trình chống ngập nước cho biết, cơn mưa chiều 26/8 diễn ra khoảng 2 giờ nhưng lượng mưa có nơi lên tới 148,9mm (trạm Tân Sơn Hòa), làm ngập 27 tuyến đường, trong đó có 16 điểm ngập nặng. Hai điểm ngập “nóng” nhất là đường Phan Xích Long và sân bay Tân Sơn Nhất, có địa hình tương đối cao.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói: Đọc các comment người dân trên mạng rất nhức nhối. Từ đầu năm tới nay, thành phố đã làm rất nhiều nhưng cứ mưa xuống là gây ngập nặng. May mắn là trận mưa vừa qua triều cường chưa lên.

Phải có sự chuyển biến thật sự trong công tác chống ngập. “Trừ Phó chủ tịch Nguyễn Thị Thu, tất cả thường trực UBND thành phố gồm tôi, anh Khoa (Phó chủ tịch Lê Văn Khoa), anh Liêm (Phó chủ tịch Lê Thanh Liêm, anh Cách Mạng (Phó chủ tịch Huỳnh Cách Mạng) phải đi chống ngập”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn