Mưa lớn gây ngập CHK quốc tế Tân Sơn Nhất chiều 26/8 |
Tình trạng ngập ở CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, tuy nhiên việc chậm triển khai dự án nạo vét kênh A41 khiến sân bay này tiếp tục bị ngập. Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam, nếu vẫn chậm triển khai nạo vét kênh A41, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn sẽ tiếp tục bị ngập khi có mưa lớn.
Kênh thoát nước bị lấn chiếm và xả rác
Chiều 29/8, ông Phạm Ngọc Sáu, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, đã tiến hành kiểm tra hệ thống thoát nước quanh khu vực CHK quốc tế Tân Sơn Nhất để báo cáo Cục Hàng không VN. Qua kiểm tra cho thấy, hệ thống thoát nước do cảng vụ quản lý đảm bảo thoát nước tốt. Tuy nhiên, khi thoát ra kênh A41 bị tắc nghẽn do tuyến kênh này bị lấn chiếm trong nhiều năm qua. Cảng vụ Hàng không miền Nam đã báo cáo Cục Hàng không VN, Bộ GTVT kiến nghị TP.HCM sớm triển khai nạo vét kênh A41.
Sân golf không phải là nguyên nhân gây ngập ở Tân Sơn Nhất Sau trận mưa tối 26/8, khiến một số khu vực sân đỗ ở Tân Sơn Nhất bị ngập cục bộ, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân một phần do ảnh hưởng bởi sân golf khiến nước không thoát được. Trả lời PV, ông Phạm Văn Sáu, Phó giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam khẳng định, khu vực sân golf không ảnh hưởng đến việc ngập cục bộ ở Tân Sơn Nhất. Khu vực sân golf nằm ở phía Bắc sân bay, ở đây hệ thống thoát nước được đầu tư khá tốt. Kênh Hy Vọng cũng được đầu tư nâng cấp thường xuyên nên không có tình trạng ngập. Hệ thống thoát nước của hai đường cất, hạ cánh cũng thoát ra kênh Hy Vọng nên hai đường băng này không hề bị ngập... |
Trước đó, sáng 29/8, PV Báo Giao thông trực tiếp khảo sát và nhận thấy tuyến kênh A41 gần như không được cải tạo trong hơn một năm qua. Dọc tuyến kênh đoạn qua các tuyến đường Thăng Long, Giải Phóng, Ba Vì…, Trung tâm Chống ngập TP.HCM đã xây mới 6 cống thoát nước, tăng diện tích cống nhằm giúp thoát nước nhanh hơn. Tuy nhiên, hệ thống cống này vẫn thường bị tắc bởi rác từ các hộ dân hai bên kênh xả xuống.
Ông Phạm Vũ Cường, Phó giám đốc CHK quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, trận mưa tối 26/8 đo được tại Tân Sơn Nhất lên tới 179,6mm. Đây là trận mưa lịch sử. Cơn mưa lớn đã khiến đường lăn M1 của sân bay phải dừng hoạt động hơn một tiếng do nước ngập khoảng 30cm. Tại các bãi đỗ 10-14, 51-56 và 24-25 cũng bị ngập cục bộ.
Ông Cường khẳng định khu vực ngập chủ yếu là ở các bãi đỗ phía Nam còn ở đường băng không hề bị ngập. Hệ thống thoát nước theo kênh A41 ra đường Cộng Hòa nhiều năm bị tắc nên không thoát được dẫn đến ngập cục bộ.
Những năm trước, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất liên tục bị ngập khi mưa lớn. Đặc biệt, ngày 9/10/2015, sân bay ngập 20cm uy hiếp trạm điện của Đài Kiểm soát không lưu cũ, có khả năng dẫn đến nổ, phải đóng cửa sân bay. CHK quốc tế Tân Sơn Nhất sau đó phải dùng biện pháp tạm thời là xây dựng tường bao quanh trạm điện ngăn nước vào.
Tháng 6/2016, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng triển khai nạo vét kênh A41. Về lâu dài phải lên kế hoạch lập dự án đầu tư xây dựng các công trình cải tạo kênh A41 từ CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đến đường Cộng Hòa để đảm bảo thoát nước tốt cho sân bay. Tuy nhiên, đến nay các đơn vị vẫn chỉ dừng lại ở việc vớt rác, còn toàn bộ tuyến kênh chưa được nạo vét hay cải tạo gì.
Công nhân xây tường vách ngăn đất sập xuống kênh A41 đoạn qua đường Thăng Long, quận Tân Bình. |
Có dự án nhưng thiếu tiền
Theo quan sát của PV, tuyến kênh A41 từ khu vực giáp ranh với CHK quốc tế Tân Sơn Nhất ra đến đường Cộng Hòa có chiều dài hơn 1km. Trong đó, đoạn từ ga hàng hóa của Công ty Vietstar vào giáp ranh sân bay có chiều dài khoảng 300m đã được làm cống hộp. Đoạn còn lại vẫn là hệ thống kênh hở len lỏi giữa các khu dân cư. Đoạn đầu tuyến kênh có chiều rộng khoảng 2m, nhưng khi đi qua một số khu dân cư bị lấn chiếm khá nhiều, có đoạn đi qua hẻm 108/4 Cộng Hòa chỉ còn 0,5m; Đoạn đến hẻm 124/7A bị một quán cà phê lấn chiếm hết đường hẻm song song với tuyến kênh.
Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước cho biết, trung tâm thường tổ chức các tổ đi vớt rác dọc trên tuyến để đảm bảo thoát nước mùa mưa. Về lâu dài, thành phố sẽ cân đối vốn để triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo kênh A41 (từ CHK quốc tế Tân Sơn Nhất ra đường Cộng Hòa) và dự án bồi thường GPMB, giúp sân bay thoát nỗi lo ngập. Tuy nhiên, dự án này nếu triển khai cũng phải đến năm 2019 mới hoàn thành.
Quận Tân Bình được giao thực hiện công tác bồi thường, GPMB với các hộ dân dọc hai bên tuyến kênh. Ông Châu Văn La, Chủ tịch UBND Quận Tân Bình cho biết, thống kê ban đầu có khoảng trên 200 hộ bị ảnh hưởng khi giải tỏa. “Tuy nhiên, cái khó hiện nay là thành phố vẫn chưa cấp vốn nên quận vẫn chưa triển khai thống kê để đền bù được”, ông La nói.
Lãnh đạo thành phố đi cơ sở bàn cách chống ngập
Trong cuộc họp sáng 29/8, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu 4 phó chủ tịch là các ông: Lê Văn Khoa, Trần Vĩnh Tuyến, Huỳnh Cách Mạng, Lê Thanh Liêm sắp tới phải lên lịch đi cơ sở tìm hiểu và chỉ đạo chống ngập. Lãnh đạo TP.HCM phải làm việc với các quận, huyện còn xảy ra tình trạng lấn chiếm công trình chống ngập dẫn tới ngập nghiêm trọng để trực tiếp chỉ đạo tìm hướng tháo gỡ.
Ông Phong cho rằng, tình trạng ngập nước không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân, mà còn tác động đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, giao thông đô thị… Trong các ngày 26 – 27/8, trên địa bàn TP lượng mưa không quá lớn, triều cường cũng không cao, nhưng ngập trên nhiều khu vực là một điều bất thường, phải có tính toán để xử lý cụ thể để người dân bớt khổ.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM cho biết, đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) vừa qua có đoạn ngập cao 30cm khiến nước tràn vào nhà dân. Lý do nước ngập là bởi hệ thống cống thoát bị ứ đọng quá nhiều rác thải. Sau khi huy động hàng trăm người khơi thông hệ thống cống, nước ngập mới rút...
Cũng theo ông Công, dự án chống ngập đường Kinh Dương Vương đang gây ngập là do vướng đường ống cấp nước sạch nên bị tắc đường cống thoát nước ngập.
Theo Giao Thông