Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật ở Trung Quốc. |
Một bệnh nhân Canada được ghép thận sau khi chờ đợi chỉ ba ngày trong một chuyến đi tới Trung Quốc đã khiến các bác sĩ phẫu thuật tại Cộng đồng Cấy Ghép Tạng (TTS) có trụ sở ở Montreal nghi ngờ rằng bộ phận đó có thể được lấy từ một tử tù bị thi hành án, theo AP.
Vụ việc càng làm nhiều bác sĩ quốc tế nghi ngờ liệu Trung Quốc đã thực hiện cam kết dừng "thu hoạch" nội tạng của các tù nhân bị xử tử hay chưa. Việc này bị Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều người khác lên án vì lo ngại rằng nó có thể khuyến khích việc xử tử và có thể xảy ra hành vi cưỡng chế để lấy nội tạng.
Trung Quốc chính thức tuyên bố họ đã dừng lấy nội tạng tử tù vào tháng 1/2015. Một số bác sĩ nước ngoài làm việc ở Trung Quốc nói rằng chính quyền đang hành xử có trách nhiệm hơn, nhưng các nhà quan sát khác cho rằng Trung Quốc chưa làm đủ để chứng minh họ đã thực hiện cam kết đó.
Trung Quốc tìm cách sử dụng đại hội thường niên của TTS được tổ chức tại Hong Kong vào tháng này như sự công nhận cho sự thay đổi của mình. Nhưng bác sĩ Philip O'Connell, chủ tịch của TTS, bác bỏ cách diễn giải đó, mặc dù một số biện pháp cải cách dường như đã có hiệu quả.
"Chúng tôi nhận ra rằng điều này sẽ không thay đổi một sớm một chiều", ông O'Connell nói. "Không thể chuyển ngay được từ một hệ thống sử dụng nội tạng từ các tử tù, được dung túng bởi tham nhũng và tiền bạc, thành một hệ thống hoàn toàn mở, minh bạch và hợp đạo đức".
Bác sĩ Hoàng Khiết Phu, người đứng đầu hệ thống giám sát cấy ghép trong bệnh viện Trung Quốc, được coi là gương mặt đại diện cho nỗ lực thay đổi hiện trạng cấy ghép tạng của nước này. Ông Hoàng công khai thừa nhận năm 2005 rằng các bác sĩ Trung Quốc đã sử dụng nội tạng của tử tù. Năm 2011, ông Hoàng và các quan chức khác ước tính rằng 65% nội tạng lấy từ tử thi có nguồn gốc từ các tử tù.
Ông Hoàng Khiết Phu. |
Trong một cuộc phỏng vấn cuối tuần trước, ông Hoàng nói rằng ông tin tưởng các bệnh viện thuộc phạm vi quản lý của ông giờ đã sử dụng nội tạng được hiến tặng, nhưng nạn phẫu thuật chui vẫn còn tồn tại.
"Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi", ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cho biết ông đã nói với các quan chức chính phủ về các biện pháp cải cách cần thực hiện để giành được lòng tin của thế giới. Một trong số các cải cách cần thiết là trấn áp nạn buôn bán nội tạng chui và đặt ra thêm quy định về thủ tục mua bán nội tạng. Trung Quốc cũng cần phải đào tạo thêm rất nhiều bác sĩ và bệnh viện để thực hiện phẫu thuật, ông nói.
"Công tác cấy ghép tạng của chúng ta phải dựa 100% vào nguồn hiến tạng tự nguyện của người dân", ông Hoàng nói. "Nếu không, chúng ta không thể đứng trên sân khấu thế giới".
Trung Quốc được cho là nước xử tử nhiều người nhất trên thế giới, mặc dù con số này được giữ bí mật. Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính số lượng hàng năm là hàng nghìn người.
Một cơ quan đăng ký hiến tạng thí điểm năm 2010 đã được mở rộng thành một hệ thống quốc gia. Báo chí ở Trung Quốc thường đăng các câu chuyện tích cực về gia đình hiến tạng của người thân qua đời - nỗ lực rõ ràng nhằm thay đổi quan điểm văn hóa lâu đời về việc hiến tạng.
Theo chính phủ, các bác sĩ Trung Quốc đã thực hiện 10.057 ca ghép tạng vào năm 2015. Các quan chức y tế cũng cho biết họ hy vọng sẽ tăng số lượng các bệnh viện có thể thực hiện cấy ghép. Theo tính toán của riêng mình, Trung Quốc có khoảng 300.000 bệnh nhân mỗi năm cần được ghép tạng. Tỷ lệ người hiến tạng của nước này nhiều hơn Nhật Bản và hầu hết các nước châu Á khác, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều Mỹ và hầu hết các quốc gia Tây Âu.
Thống kê của chính phủ Trung Quốc thường tạo ra sự hoài nghi sâu sắc, và nhiều nhà phê bình nói rằng họ không tin vào số liệu đó. Một số người nêu ra sự phổ biến của nạn phẫu thuật chui, cho rằng số ca cấy ghép tạng thực tế cao hơn nhiều so với con số chính thức, và rằng các tử tù vẫn là nguồn lấy nội tạng lớn.
Bác sĩ Torsten Trey, giám đốc điều hành Nhóm Bác sĩ chống cưỡng bức lấy nội tạng, cho rằng người bên ngoài không thấy được tường tận hệ thống để thực sự đánh giá độ chính xác của số liệu thống kê hoặc tuyên bố về bước tiến của Trung Quốc.
"Thay đổi không thành công, vì không có sự thay đổi", ông Trey viết trong một email.
Dấu hiệu thay đổi
Trong hơn một thập kỷ qua, các bác sĩ bên ngoài Trung Quốc đã làm việc với ông Hoàng và các quan chức khác. Ông Hoàng cho biết ông đã mời các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tham quan các bệnh viện và gặp bác sĩ Trung Quốc.
Michael Millis, một bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Chicago, đã đến thăm vài chục trung tâm cấy ghép ở Trung Quốc khi làm tình nguyện tại nước này. Ông cho biết một dấu hiệu của sự thay đổi là những bác sĩ trong các trung tâm này trước đây có các ca phẫu thuật thường xuyên được lên lịch trước. Bây giờ, họ nói rằng có hôm họ thực hiện nhiều ca phẫu thuật, nhưng có những ngày hoặc vài ngày không thực hiện ca nào. Điều đó cho thấy họ đang hoạt động theo lịch trình lúc có lúc không của hệ thống được vận hành bởi hiến tạng tự nguyện, chứ không phải là từ các vụ hành hình, ông Millis nói.
"Đây là những câu chuyện mà tôi có thể nói rằng, bằng trải nghiệm của bản thân, tôi thấy đã có sự thay đổi", ông Millis nói.
Milis nói trường hợp bệnh nhân Canada cho thấy việc phẫu thuật chui vẫn còn xảy ra ở Trung Quốc, nhưng không ở mức độ nhiều như người khác cáo buộc.
"Không có bằng chứng cho thấy đó là hệ thống chợ đen rộng lớn lấy một số lượng lớn nội tạng từ tử tù", ông Millis nói thêm rằng việc cấy tạng chui cũng xảy ra ở những nơi khác trên thế giới.
Ông Milis và các bác sĩ khác hy vọng sẽ cải thiện hệ thống của Trung Quốc bằng cách hợp tác với các quan chức y tế mà họ thấy là dễ tiếp nhận và sẵn sàng xem xét cải cách.
Trong trường hợp bệnh nhân Canada, TTS đã được thông báo ngay sau khi bệnh nhân trở về Canada và nói với bác sĩ của mình rằng ông đã mua một quả thận và cần được chăm sóc hậu phẫu. TTS đã gửi thư cho ông Hoàng kêu gọi điều tra vụ việc ngay trước cuộc họp tại Hong Kong.
Ông Hoàng sau đó cho biết giới chức Trung Quốc đã thu hồi giấy phép của bác sĩ phẫu thuật và bệnh viện thực hiện ca mổ trên và tổ chức điều tra hình sự.
Theo ông O'Connell, TTS đã nói với các quan chức Trung Quốc rằng: "Việc này gây tổn hại đến những gì các anh cố gắng đạt được, và các anh cần phải hành động".
"Chỉ có người Trung Quốc mới có thể tạo ra thay đổi hoặc cải cách ở nước họ", ông O'Connell nói. "Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là xác định những người chúng tôi tin là ủng hộ cải cách ở Trung Quốc và nỗ lực khuyến khích họ".
Theo VNE