Cá ở vùng biển Hà Tĩnh chết trôi dạt vào bờ sau khi Formosa xả thải ra biển. |
Thưa ông, được biết Viện Công nghệ Môi trường tham gia vào giám sát Formosa từ sau khi xảy ra thảm họa biển miền Trung cho đến bây giờ, ông có thể cho biết, việc giám sát hoạt động môi trường của Formosa đang được thực hiện như thế nào?
Chúng ta sẽ có 3 năm giám sát đặc biệt với Formosa. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa vào đấy hai trạm quan trắc di động với trang thiết bị rất hiện đại. Viện Công nghệ Môi trường có cử một số cán bộ trực tiếp tham gia vận hành. Hai trạm quan trắc di động này sẽ phân tích được phần lớn chỉ tiêu gây ô nhiễm quan trọng. Một số chỉ tiêu khác vẫn phải đưa về phòng phân tích của viện ngoài Hà Nội.
Nước thải của Formosa có 3 hệ thống gồm Trạm xử lý nước thải sinh hoạt, Trạm xử lý nước thải sinh hóa và Trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Trong đó, Trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung gồm nước thải sinh hoạt, nước thải sinh hóa và các nguồn nước thải công nghiệp khác đổ về. Hiện tại, nước thải của Formosa dao động từ 10.000-12.000 m3/ngày đêm.
Chiều qua (30/8), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã chuyển nốt 250 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển miền Trung. Như vậy, phía Formosa đã chuyển đủ 500 triệu USD bồi thường thiệt hại theo cam kết. |
Trong 3 nguồn nước thải kể trên, nước thải sinh hóa ô nhiễm nhất với hàm lượng phenol, xyanua và amoni rất cao. Trước đây, nước thải sau xử lý từ Trạm sinh hóa được bơm trực tiếp về Trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung làm cho hàm lượng phenol, xyanua giảm đi nhiều lần (vì nước thải sinh hóa chỉ chiếm khoảng gần 10% tổng nước thải của Formosa) tuy nhiên, thải lượng các chất ô nhiễm không thay đổi.
Vì vậy, sau sự cố, chúng ta yêu cầu nước thải sinh hóa phải được xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi đổ vào Trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Như vậy đã giảm thiểu đáng kể mức độ ô nhiễm của nước thải. Theo kết quả giám sát trong những ngày gần đây hàm lượng phenol trong nước thải sinh hóa sau xử lý (khoảng 0,08 - 0,13 mg/l), đã thấp hơn giới hạn cho phép khoảng từ 3-5 lần.
Ngoài ra, để giám sát Formosa, hệ thống quan trắc tự động nước thải đã đưa vào hoạt động và kết nối trực tiếp với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, quan trắc tự động chỉ đo được một số thông số và tính chỉ thị về mức độ ô nhiễm không cao nên phải vận hành hai xe quan trắc di động mà tôi nói ở trên. Nếu như trước đây theo quy định việc quan trắc định kỳ sẽ được thực hiện một lần trong một tháng hoặc 3 tháng thì nay, việc lấy mẫu và phân tích được thực hiện hàng ngày.
Nước thải đầu vào của 3 trạm xử lý được lấy một lần một ngày và nước thải đầu ra được lấy 3 lần một ngày để phân tích các chỉ tiêu theo QCVN 52:2013 và QCVN 40:2011/BTNMT. Đây là tần suất ở thời điểm hiện tại, khi thực hiện quan trắc đặc biệt ba năm, tần suất lấy mẫu và phân tích có thể được điều chỉnh nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ.
Về khí thải, không phải công đoạn nào của nhà máy cũng độc hại. Ví dụ, công đoạn cán thép từ gang thì ít độc hại hơn. Nhưng khí thải của công đoạn công đoạn luyện gang từ quặng lại độc hại vì quặng chứa nhiều tạp chất. Công nghệ mà Formosa áp dụng có thể xử lý được khí thải trước khi thải ra môi trường. Việc xử lý bụi tương đối dễ dàng. Với khí thải chứa chất hóa học thì có thể áp dụng các phương pháp truyền thống như hấp thụ bằng dung dịch kiềm.
Trường hợp khí chứa thành phần tương đối độc thì có thêm quá trình hấp phụ. Ngoài ra, Formosa sẽ phải thay công đoạn dập cốc ướt bằng dập khô sẽ giảm ô nhiễm khí thải. Thời gian tới sẽ kiểm tra việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường của Formosa, trong đó có công trình xử lý khí thải.
Bên cạnh đó, việc quan trắc tự động cũng được thực hiện với một số thông số của khí thải. Khí thải sẽ được tiến hành đo nhanh một lần một ngày và các chỉ tiêu hữu cơ, kim loại và bụi sẽ giám sát với tần suất phù hợp để giám sát các thông số ô nhiễm.
Ngoài ra, chúng ta cũng đã yêu cầu Formosa triển khai nhiều công trình bảo vệ môi trường khác đồng thời yêu cầu chuyển đổi công nghệ từ dập cốc ướt sang dập cốc khô như đã nói ở trên trong thời hạn 3 năm, xây dựng các hồ chỉ thị sinh học để giám sát chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường.
PGS.TS Trịnh Văn Tuyên. |
Với các giải pháp như vậy, liệu chúng ta có thể yên tâm khi Formosa đi vào hoạt động không?
Theo tôi sự cố vừa rồi là một bài học rất đắt giá với nhiều bên. Với Formosa họ đã phải đền bù, khắc phục hậu quả và phải cải tiến công nghệ với chi phí không hề nhỏ. Đối với cơ quan quản lý nhà nước đây cũng là bài học để quản lý môi trường chặt hơn, cần có sự tham gia của các nhà khoa học nhiều hơn. Với các giải pháp như trên, tôi tin rằng, sự cố môi trường như vừa rồi sẽ không xảy ra.
Nhưng thưa ông, Formosa được cấp phép hoạt động 70 năm, chúng ta chỉ giám sát đặc biệt 3 năm thì có yên tâm được không?
Các công trình môi trường, giai đoạn đầu thường hoạt động chưa ổn định, rất dễ xảy ra sự cố. Trong 3 năm giám sát đặc biệt, chúng ta biết điểm nào của hệ thống bảo vệ môi trường hoạt động ổn định, điểm nào dễ bị phá vỡ tính ổn định để có giải pháp kỹ thuật đưa các công trình bảo vệ môi trường đi vào ổn định.
Sau ba năm, chúng ta vẫn thực hiện giám sát, chỉ có điều tần suất sẽ giảm bớt đi thôi. Doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm của họ trong bảo vệ môi trường. Cơ quan quản lý vẫn phải giám sát theo quy định và tăng các thông số quan trắc tự động hơn so với bây giờ.
Hiện nay, Formosa đang xây dựng và hoàn thiện 22 công trình bảo vệ môi trường. Trước đây, chúng ta thường quản lý hoạt động bảo vệ môi trường theo ĐTM nhưng theo tôi, điều quan trọng hơn cả vẫn là quản lý thực tế các công trình bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.
Sắp tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm soát rất chặt chẽ các công trình hoàn thành công trình môi trường của Formosa. Một số báo cáo đã được doanh nghiệp gửi lên Bộ TN&MT, thời gian tới Bộ sẽ lập hội đồng thẩm định các báo cáo và các công trình hoàn thành công trình môi trường này của Formosa.
Xin cảm ơn ông!
Theo Tiền Phong