Chống ma túy cam go ở Đông Nam Á: Súng ống lên ngôi

Thứ ba, 13/09/2016, 10:34
Philippines tiêu diệt 2.400 nghi phạm ma túy, Indonesia khôi phục án tử hình với loại tội phạm này, nhưng các biện pháp mạnh tay chưa thể triệt phá tận gốc vấn nạn ma túy.

Việc lén lút sử dụng "hàng đá" hay methamphetamine, một loại ma túy giá rẻ nhưng khả năng gây nghiện cao, ngày càng phổ biến ở châu Á khiến các chính phủ quyết định áp dụng chính sách cứng rắn chống ma túy. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn.

Geoff Monaghan, nhà điều tra của Sở Cảnh sát London với thâm niên 30 năm truy lùng các băng đảng buôn ma túy, tin rằng chiến dịch chống ma túy đẫm máu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ khiến cho tình hình bạo lực thêm trầm trọng, thay vì triệt phá tận gốc các băng đảng buôn lậu.

Một người nghiện đang chích ma túy ở Myanmar. Ảnh: Reuters

Nguồn lợi lớn từ ma túy đá

Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) ước tính số lượng ma túy đá tịch thu qua các chiến dịch ở Đông Á và Đông Nam Á đã tăng gấp 4 lần trong 4 năm, từ 11 tấn của năm 2009 đến 42 tấn vào năm 2013.

Theo UNODC, ma túy đá chính là mối lo ngại chính của nhiều quốc gia châu Á, như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc... Đây là ngành kinh doanh xuyên quốc gia với lợi nhuận rất lớn. Việc bán ma túy đá chỉ riêng ở lục địa Đông Nam Á đã thu về khoảng 15 tỷ USD.

Phần lớn việc sản xuất diễn ra ở các khu vực mà luật pháp lỏng lẻo như miền tây Myanmar. Các thành phần bào chế được vận chuyển trái phép qua các cửa khẩu từ Ấn Độ hoặc Trung Quốc.

Lào và Thái Lan là những tuyến đường buôn ma túy trọng điểm. Thành phẩm cuối cùng sẽ đi dọc theo các tuyến ven sông Mekong, từ đó phân phối khắp Đông Nam Á và Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia khẳng định chiến dịch kiểm soát ma túy ở nhiều nước là mạnh tay khi hình sự hóa cả hành vi của người sử dụng, nhưng không triệt hạ được các đường dây hay bắt được những kẻ cầm đầu

Chỉ bắt được chuột

Trong các chiến dịch lớn ở mỗi nước, những người nghiện nhỏ lẻ và một số tay buôn lậu hứng chịu hậu quả trước tiên. Kể từ khi phát động chiến dịch trong 2 tháng, cảnh sát Philippines thông báo 2.400 người đã thiệt mạng. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Duterte đã tăng đến mức kỷ lục là 91%.

Con nghiện công khai sử dụng ma túy ở bang Shan, miền Bắc Myanmar. Ảnh: Reuters

Chiến dịch này gợi nhớ đến cuộc chiến chống ma túy hồi năm 2003 của Thái Lan. Nó kéo dài 3 tháng. Các nhà hoạt động nói khoảng 2.800 người đã thiệt mạng, trong khi ủy ban điều tra của chính phủ thì giảm con số trên đi một nửa.

Điều đáng chú ý là chiến dịch không gây ra tác động lâu dài đến nguồn cung hay lượng cầu ma túy đá ở nước này. "Thế giới đã thất bại trong cuộc chiến chống ma túy chứ không riêng gì ở Thái Lan", Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan Paiboon Koomchaya nói với Reuters.

Liên Hợp Quốc cũng khuyến cáo các nước cần phối hợp để xây dựng chiến dịch tổng thể cấp khu vực chứ không thể hành động đơn lẻ.

"Những băng đảng ẩn mình rất kỹ trong các phi vụ, chúng như chơi trò đuổi bắt với cơ quan chức năng. Chúng ta cần tính toán đến sự hợp tác toàn khu vực ở cấp cao nhất. Tôi không thể nhớ nổi lần cuối cùng một tên trùm ma túy bị sa lưới là khi nào", giám đốc UNODC châu Á, Jeremy Douglas, nói.

Không trị tận gốc

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng các chính phủ cần cân bằng, tập trung vào biện pháp chính là phải nỗ lực làm giảm nhu cầu sử dụng ma túy, tăng cường đầu tư cho các chương trình cai nghiện và phục hồi.

Theo UNODC, chưa tới 1% người nghiện phụ thuộc ở Indonesia được điều trị thích hợp vào năm 2014. Do thiếu thốn thuốc men nên những người này chỉ biết sử dụng thảo dược, các bài kinh Hồi giáo và những biện pháp chưa được khẳng định hiệu quả.

Cá biệt, "hồi phục" ở một số nước có nghĩa là bị giam lỏng ở các cơ sở của nhà nước. Tại Thái Lan, hàng nghìn người nghiện bị đưa vào các trại quân đội trong 4 tháng. Tỷ lệ tái nghiện sau khi ra trại đến 60-90%.

Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy biện pháp điều trị hiệu quả nhất dựa trên tinh thần tự nguyện và sự chung sức của cộng đồng. Một khảo sát thực hiện năm 2015 ở Malaysia cho thấy một nửa những người bị đưa vào các trại cai nghiện bắt buộc đã tái nghiện chỉ sau 32 ngày được thả ra. Trong khi đó, con số này là 429 ngày với những người tự nguyện cai nghiện.

Theo Zing

Các tin cũ hơn