Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. |
Phát biểu trước binh đoàn bộ binh số 10 thuộc quân đội Philippines ở Mawab, thung lũng Compostela hôm qua 20/9, Tổng thống Duterte nói: “Tôi từng nói rằng một lúc nào đó trong tương lai tôi sẽ đề nghị đặc nhiệm Mỹ rời đi (khỏi Mindanao), nghĩa là chỉ khoảng 117 đặc nhiệm Mỹ tốt hơn nên rút đi để tôi có thể hòa đàm… Tôi chưa bao giờ nói hãy rút khỏi Philippines. Tóm lại, chúng ta cần Mỹ ở Biển Đông”.
Ông Duterte nói rằng, Philippines không có đủ trang thiết bị quân sự để đối đầu với Trung Quốc. “Chúng ta không có đủ vũ trang. Chúng ta cũng không sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc. Tôi phản đối điều đó. Bởi đó sẽ chỉ là một cuộc tàn sát”, ông Duterte nói.
Theo ông, mặc dù quân đội Phlippines đã mua nhiều máy bay chiến đấu dưới thời của người tiền nhiệm, nhưng những máy bay này không được trang bị các vũ khí như tên lửa. “Vấn đề là họ không muốn bán tên lửa cho chúng tôi. Chúng ta mua nó từ Hàn Quốc, nhưng rõ ràng họ sẽ không bán cho chúng ta nếu không có sự đồng ý của Mỹ. Máy bay chiến đấu của chúng ta chỉ để trưng bày, chúng không mang theo tên lửa vì thế chúng ta không thể sử dụng”, ông Duterte nhấn mạnh. Hàn Quốc là một trong những đồng minh của Mỹ tại châu Á.
Những phát biểu trên được đưa ra sau khi ông Duterte có những tuyên bố có thể coi là đã khiến Mỹ “phật lòng”. Hôm 12/9, ông Duterte bất ngờ tuyên bố ông muốn đặc nhiệm Mỹ rút khỏi đảo Mindanao ở miền Nam nước này vì cho rằng sự hiện diện của họ sẽ khiến cuộc hòa đàm với phiến quân ở đây phức tạp và hơn nữa lính Mỹ có thể sẽ trở thành mục tiêu bắt cóc của phiến quân.
Một trong những vấn đề gây căng thẳng quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines gần đây đó là Mỹ lên tiếng chỉ trích cuộc chiến chống ma túy đẫm máu ở quốc gia Đông Nam Á này, trong khi đó Philippines nói rằng Manila không cần Washington “lên lớp” về vấn đề nhân quyền.
Trước đó, ông Duterte cũng tuyên bố, Philippines không muốn phụ thuộc Mỹ và rằng Philippines muốn một chính sách đối ngoại độc lập trong nhiệm kỳ 6 năm của ông và rằng Philippines sẽ chấm dứt tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông.
Giới quan sát cho rằng, trong khi quan hệ đồng minh với Mỹ trở nên sóng gió, chính quyền của ông Duterte dường như đang theo đuổi chính sách mềm mỏng hơn với Trung Quốc bất chấp phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm 19/9 cho biết nước này đang lặng lẽ dàn xếp với Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao, từ đó tiến tới đàm phán song phương vô điều kiện với Bắc Kinh nhằm giải quyết tranh chấp giữa hai nước liên quan tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.
Theo Dân Trí