Sau mưa chồng mưa ở TP.HCM: Hàng triệu người còn bì bõm

Thứ tư, 28/09/2016, 09:12
Cuộc sống của hàng triệu người dân ở TP.HCM và một số tỉnh Đông Nam Bộ vẫn còn bị xáo trộn. Họ đang phải đối mặt với bao khó khăn với hậu quả sau trận mưa chồng mưa lịch sử xảy ra chiều 26-27/9.
Người dân thành phố lại tiếp tục bơi trong biển nước.

Vật lộn với nước

Tại TP.HCM, sáng 27/9, sau một đêm thức trắng, hàng trăm khổ chủ vẫn tập trung trước bãi giữ xe máy trên đường Nguyễn Siêu (quận 1) sốt ruột chờ lực lượng cứu hộ trục vớt tài sản đang bị chìm sâu dưới tầng hầm bãi giữ xe. Từ đêm qua, cảnh sát PCCC đã điều xe bơm chuyên dụng đến hiện trường để bơm hút nước từ bãi xe ra đường. Nước rút dần, lộ ra hàng trăm chiếc xe vấy bùn.

Nhận lại chiếc SH, chị Phượng (24 tuổi, ngụ phường Bình An, quận 2) bật khóc. Toàn bộ hồ sơ cất trong cốp xe bị nhòe mực, hư hỏng, trong đó quan trọng nhất là bằng tốt nghiệp đại học, các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… bản chính cầm theo để đi xin việc làm. Ông Hải, bố chị Phượng nói: “Hai cha con tui thức cả đêm ngoài này. Chiếc xe mới mua hơn bảy mươi triệu, có hư không lo bằng mấy cái bằng cấp của con nhỏ, không biết có được cấp lại hay không”, ông Hải nói.     

Đến sáng 27/9, lực lượng PCCC vẫn đang tích cực bơm nước từ tầng hầm của khu ký túc xá A1, A2 của khu Ký túc xá A mở rộng, Đại học Quốc gia TP.HCM. Cơn mưa khiến tầng hầm các tòa nhà này bị ngập nặng, làm hàng trăm xe máy của sinh viên bị nhấn chìm.

Các tiệm sửa xe tại TP.HCM đông nghẹt người dắt xe đến sửa. Mưa lớn gây ngập nhiều phòng học Trường THCS Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Nhà trường dành gần trọn tiết học đầu để thầy trò dọn dẹp vệ sinh lớp học. Bà Hồ Thanh Trúc (50 tuổi, ngụ khu phố 6, phường Linh Đông, quận Thủ Đức) cho biết, nhà bà bị ngập tới thắt lưng, cả đêm gia đình thức trắng bơm nước, rửa nhà. Nhà bếp bị ngập, không thể nấu ăn, từ tối qua, cả nhà bà Trúc phải mua cơm hộp về ăn.

“Từ khi đường Phạm Văn Đồng nâng cao, căn nhà tui thấp hơn mặt đường gần một thước, mỗi khi mưa là nước tràn vào nhà. Ban đầu, tui còn bơm nước ra nhưng ngày nào cũng mưa, cứ bơm xong lại ngập tiếp nên tui nản, không bơm nữa. Ở Sài Gòn mà y như miền Tây vào mùa nước nổi”, bà Trúc cho biết.

Còn anh Hồ Vũ Trương (43 tuổi, ngụ khu phố 6, phường Linh Đông) phải đóng cửa tiệm hàn tiện trên đường Kha Vạn Cân. Nước tràn vào của tiệm như thác, đến trưa 27/9 vẫn còn ngập đến đầu gối. Toàn bộ máy móc, dụng cụ bị ngâm nước. Sau gần một ngày, tuyến đường Lương Định Của, quận 2, TP.HCM vẫn còn ngập nặng. Hì hục đẩy chiếc xe tay ga ngập gần hết bánh xe, chị Linh (sinh viên) muốn khóc vì đi gần cây số chưa tìm được tiệm sửa xe.

Tại Bình Dương, sáng 27/9, ông Thượng Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên cho biết, cơn mưa lớn khiến ấp Phú Trung (xã Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) ngập nặng, có nơi sâu gần 2m. Nước bất ngờ dâng cao khiến nhiều người bị cô lập. Người dân đã phải trèo lên mái nhà, cây để tránh.

Cơ quan chức năng đã sơ tán 95 hộ dân, 50 phòng trọ với hơn 300 người. Tại Đồng Nai, mưa lớn tiếp tục gây ngập nặng QL 51 và nhiều tuyến đường nội ô TP.Biên Hòa. Công an thành phố đã huy động cán bộ chiến sĩ có mặt ở những điểm nguy cơ ngập nặng, các vị trí cầu xung yếu để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông, ứng cứu kịp thời các trường hợp tai nạn do ngập nước, lũ quét. Trong ngày 27/9, TP.Biên Hòa khắc phục “hố tử thần” trên đường Bùi Hữu Nghĩa (phường Trảng Dài). Hố sâu hơn 2m rộng hơn 10m2  xuất hiện trong đêm 26/9.

Lực lượng PCCC Bình Dương giải cứu người dân bị nước cô lập.

Do quản lý kém    

Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Chống ngập, trên địa bàn TP.HCM còn 61 vị trí lấn chiếm cửa xả (thuộc 21 tuyến đường). Cơ quan chức năng xử lý được 9 vị trí (thuộc 1 tuyến đường) thì phát sinh mới 7 vị trí khác (thuộc 3 tuyến đường).

Ngoài ra, qua kiểm tra, trung tâm chống ngập phát hiện có 91 vị trí lấn chiếm hầm ga (thuộc 33 tuyến đường), đã xử lý được 2 vị trí thì lại phát sinh mới 15 vị trí lấn chiếm (thuộc 9 tuyến đường). Bên cạnh đó, TP.HCM có 88 tuyến đường cống thoát nước bị xây dựng lấn chiếm với chiều dài gần 14 km. Xử lý được 1 tuyến thì phát sinh thêm 5 tuyến mới với chiều dài 233m.

Trao đổi với PV  sáng 27/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, ông rất chia sẻ với người dân về những bất tiện, khó khăn khi phải gánh chịu tình trạng ngập nặng trong và sau cơn mưa chiều hôm trước. 

“Trận mưa vừa qua tôi thấy tình trạng ngập rất nặng nề. Chúng tôi đang tìm giải pháp. Các dự án chống ngập thì đã và đang được triển khai. Các ngành chức năng có nỗ lực nhưng thực tế nhiều vấn đề mình không thể giải quyết kịp. Vừa rồi, cả thường trực ủy ban đi khảo sát thực tế ở các quận thì thấy nước ngập nặng do nhiều nguyên nhân, trong đó có do mưa, do triều cường, cũng có nguyên nhân từ quản lý. Để người dân lấn chiếm các công trình thoát nước là quản lý yếu kém ”, ông Phong nói.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng cho biết, đã trực tiếp chỉ đạo giải pháp trước mắt nào triển khai được thì phải triển khai ngay để xử lý tình trạng ngập. Đơn cử như những ngôi nhà nào xây trên kênh thoát nước sẽ phải di dời để khơi thông dòng chảy.

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông - đô thị cho rằng, việc nâng đường chống ngập là giải pháp không khả thi, bởi nhà dân sẽ bị thấp xuống so với mặt đường mới. Nước sẽ không thoát được do cống thoát nước cao hơn nhà dân nên ngập là đương nhiên. Ngoài ra, khi nâng đường thì cơ quan chức năng đã không khảo sát, tính toán kỹ các phương án sao cho nước thoát ra khỏi khu dân cư, dẫn đến tình trạng công trình chống ngập lại gây ngập.

“TP.HCM đang bị lún do phát triển đô thị, nhà cao tầng… trong khi hệ thống sông ngòi thì vẫn đứng yên. Dù thế, khi thiết kế hệ thống cống thoát, chúng ta không tính toán đến yếu tố lún, nên khi cống thoát gặp kênh, gặp sông thì thấy kênh, sông ở “trên trời”, đơn vị thi công phải uốn lên. Hệ thống cống không còn tự chảy được mà thành hệ thống giữ nước và chảy ngược vào đô thị. Điều này hiện nay cũng không được nhận dạng và cũng chưa ai nói thật”, TS Phạm Sanh nói.

Cầu sập, người trôi

Chiều tối 27/9, TP.HCM tiếp tục có mưa nặng hạt trên diện rộng khiến nhiều con đường bắt đầu ngập trở lại. Giao thông tại một số tuyến đường bị ùn ứ. Cụ thể: đường Nguyễn Hữu Cảnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Lương Đình Của (quận 2), Võ Văn Ngân, Linh Đông (quận Thủ Đức) bị ngập nặng.

Trước đó, ngày 26/9, tại TP.Biên Hòa xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm khi một thanh niên đã bị dòng nước cuốn trôi trong trận mưa lớn. Nạn nhân  là Vũ Văn Thuyên (SN 1998, ngụ KP2, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) đi xe máy qua cầu Bắc Hải (nối giữa phường Hố Nai với phường Trảng Dài) khi đang mưa và bị nước cuốn trôi. Đến 23 giờ cùng ngày, thi thể nạn nhân được tìm thấy. Trận mưa cũng cuốn trôi cầu Ông Tình trên địa bàn phường Tam Hòa.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn