Nga tung đòn "sấm sét", Mỹ thay đổi cách tiếp cận về Syria?

Thứ năm, 17/11/2016, 11:10
Trong bối cảnh Nga đẩy mạnh hoạt động ở Syria, đã có dấu hiệu cho thấy, chính quyền Mỹ tương lai có thể điều chỉnh chính sách liên quan.

Chiến đấu cơ Su-33 cất cánh từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

RT dẫn lời ông Shoigu nói trong cuộc họp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với các lãnh đạo hàng đầu của lực lượng vũ trang Nga: “Vào lúc 10h30 và 11h ngày 15/11, chúng tôi bắt đầu một chiến dịch lớn, không kích dữ dội vào các vị trí của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Al-Nusra ở tỉnh Idlib và Homs”.

Các lực lượng Nga đồng loạt tấn công

Tàu hộ vệ Đô đốc Grigorovych neo đậu ở bờ biển Syria tham gia chiến dịch, phóng tên lửa hành trình Kalibr, trong khi các hệ thống tên lửa Bastion được triển khai trên đất liền cũng đồng loạt khai hỏa.

Ngoài ra, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov hoạt động ở Địa Trung Hải đã có lần đầu tiên tham gia vào một hoạt động quân sự khi góp mặt trong chiến dịch nói trên. Cụ thể, các máy bay chiến đấu Su-33 của Nga cất cánh từ con tàu này để tiến hành các đợt không kích ở Syria trong ngày 15/11.

Theo ông Shoigu, các đợt tấn công nhằm vào mục tiêu là những nhà máy và kho vũ khí hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng cực đoan ở Syria.

“Mục tiêu chính của chiến dịch là các kho đạn dược, nơi tụ tập và trung tâm huấn luyện khủng bố cũng như những nhà máy sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt”, Bộ trưởng Shoigu nói.

Ông Shoigu nhấn mạnh rằng, những phần tử khủng bố ở Syria đã có một số nhà máy sản xuất vũ khí thực thụ chứ không phải những xưởng sản xuất nhỏ để chế lại những loại vũ khí chúng có trong tay.

“Đó là những nhà máy thực thụ với quy mô sản xuất công nghiệp, cụ thể hơn, các nhà máy ấy có đủ khả năng sản xuất những phương tiện chiến tranh gây ra sự hủy diệt hàng loạt. Đây là mục tiêu mà các lực lượng Nga nhằm đến”, ông Shoigu nói.

Theo Bộ trưởng Shoigu, quân đội Nga đã nghiên cứu kỹ lưỡng những mục tiêu trước khi quyết định tấn công và những mục tiêu được lựa chọn đều là những cơ sở quan trọng nhất của khủng bố.

Liên quan đến khả năng mở rộng hoạt động chiến dịch trong những ngày tiếp theo, trong đó có thể bao gồm cả ở chiến trường Aleppo, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Bộ Quốc phòng Nga chưa đề cập đến khả năng này.

Tên lửa hành trình Nga tiêu diệt các mục tiêu khủng bố ở Syria.

Phản bác thông tin từ phía Mỹ

Ngay sau khi có thông tin Nga nối lại hoạt động tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau lên tiếng cho biết, Washington lên án mạnh mẽ việc Nga và Chính phủ Syria nối lại chiến dịch không kích, đồng thời cảnh báo các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu dân sự là vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trudeau, Washington vẫn khẳng định rằng cần thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria.

Trước cáo buộc từ phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov đã lên tiếng cho rằng, những luận điệu của Bộ Ngoại giao Mỹ về hành động của Nga ở Syria là “hoàn toàn giả dối”.

Ông Konashenkov nói: “Việc nhắc lại những đồn đoán giống nhau về hành động được cho là dội bom '5 bệnh viện' và một 'bệnh viện di động' ngày 15/11 chỉ càng khẳng định một điều rằng, toàn bộ những luận điệu công khai của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình Syria là dựa trên những thông tin hoàn toàn giả dối”.

“Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị phía Mỹ cung cấp bằng chứng nhưng họ chẳng đưa ra được gì ngoài những tuyên bố vô căn cứ. Nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là cáo buộc Nga về bất cứ điều gì mà họ có thể”, ông Konashenkov nhấn mạnh.

Theo ông Konashenkov, đã 28 ngày qua, máy bay của lực lượng không quân Nga và Syria không tiến hành không kích Aleppo nên việc Mỹ dựa trên nguồn tin từ một số phương tiện truyền thông cáo buộc Nga tấn công bệnh viện ở Aleppo là vô căn cứ.

“Bọc thép” cho lực lượng Nga ở Syria

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó ra lệnh cho Bộ Quốc phòng phải đảm bảo an toàn trên không cho các lực lượng Nga ở Syria. Trong báo cáo trước Tổng thống, ngày 15/11, ông Shoigu cho biết, quân đội Nga làm nhiệm vụ ở Syria đã được hệ thống phòng không S-300 và S-400 Triumph bảo vệ.

Hệ thống tên lửa S-400.

“S-400 được triển khai từ lâu. Bên cạnh đó, chúng tôi đã bổ sung các đơn vị S-300 dọc theo vùng bờ biển Syria, kiểm soát gần như toàn bộ đường đến đảo Síp. Đó là còn chưa kể đến hệ thống tên lửa Bastion được triển khai đan xen. Với tất cả những gì hiện có, chúng tôi có thể tiêu diệt tất cả các mục tiêu tiềm tàng trên biển và trên mặt đất”, ông Shoigu nói.

Bộ trưởng Shoigu cũng lưu ý rằng, đối với những mục tiêu bay thấp, hệ thống pháo - tên lửa phòng không tầm gần Pantsir-S1 sẽ phát huy hiệu quả trong tác chiến. Ngoài ra, hệ thống phòng không S-200 của Syria cũng sẽ là trợ thủ đắc lực giúp Nga kiểm soát được tình hình.

Mỹ đứng ở đâu trong cuộc chiến chống khủng bố?

Nga đến nay vẫn cho rằng vì mưu đồ riêng, Mỹ đã giúp đỡ hoặc ít nhất là làm ngơ để một bộ phận lực lượng cực đoan nhất định thoải mái hoạt động ở Syria. Lý giải về cáo buộc này, ông Daoud Khairallah, Giáo sư luật Quốc tế tại Đại học Georgetown nói với RTnhận định, lập trường của Mỹ về Syria “rất khó hiểu”.

“Một mặt, Mỹ tuyên bố xác định mục tiêu chống lại chủ nghĩa khủng bố nhưng mặt khác, chúng ta lại không thấy có dấu hiệu cho thấy điều đó. Chúng tôi thấy rằng, các đồng minh thân cận của Mỹ đang giúp đỡ, tạo điều kiện và tài trợ cho các nhóm khủng bố tiếp tục mở rộng hoạt động tại Syria và nhiều nơi khác.

Vì vậy, ý đồ của Mỹ là thực sự khó hiểu và họ đang tạo ra nghi ngờ về mức độ và sự thành thật trong tuyên bố ‘chúng tôi đang chiến đấu chống khủng bố’”, giáo sư Khairallah nói.

Mặc dù vậy, chuyên gia nghiên cứu về khủng bố Max Abrahms tại Đại học Northeastern cho rằng, có thể sẽ có sự hợp tác chặt chẽ và thực chất hơn giữa Nga và Mỹ để giải quyết vấn đề Syria dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Ông Abrahms giải thích với RT:Tôi nghĩ rằng, nước Mỹ đang hướng đến việc giải quyết vấn đề Syria theo chính sách mà ông Donald Trump ưu tiên - đó là chống lại việc thay đổi chế độ tại đây, giãn dần và tiến tới chấm dứt hỗ trợ cho phiến quân nổi dậy, khai tử kế hoạch thiết lập một vùng cấm bay và mở rộng danh sách các nhóm phiến quân mà Mỹ coi là khủng bố”.

“Vì vậy, tôi cho rằng, Mỹ sẽ ít ‘chĩa mũi dùi’ vào Nga như trước đây, tạo điều kiện cho ông Putin rảnh tay đối phó với các nhóm Hồi giáo cực đoan như Al-Nusra hay Ahrar al-Sham... Chúng ta đã bắt đầu nhận thấy sự thay đổi này ngay trong giai đoạn chuyển giao quyền lực hiện nay”, chuyên gia Abrahms kết luận.

Theo VOV

Các tin cũ hơn