Phía sau những cái chết trên đường - Kỳ 1: Mẹ ơi, không về!

Thứ tư, 30/11/2016, 11:20
“Tôi đứng vái trời đất mong vợ qua khỏi. Nhưng rốt cuộc không qua được. Tôi muốn khóc mà vẫn phải kiềm lại, phải mạnh mẽ để còn nuôi hai đứa nhỏ”, những chia sẻ của anh Minh về người vợ trong cơn nguy kịch do tai nạn giao thông cứ nghèn nghẹn. 

Từ ngày chị Xém mất, anh Minh phải gánh vác tất cả công việc nhà

Tai nạn giao thông (TNGT) là một trong những nguyên nhân gây chết người phổ biến nhất và để lại nỗi đau dai dẳng cho nhiều người liên quan.

Theo Cục CSGT, trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra 10.254 vụ tai nạn, làm 4.320 người chết, 9.116 người bị thương. Còn theo Bộ GTVT, 9 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra 15.411 vụ tai nạn, làm chết 6.440 người, làm bị thương 13.473 người. So với cùng kỳ 2015 giảm 1.275 vụ (-7,64%), giảm 133 người chết (-2,02%), giảm 1.747 người bị thương (-11,48%).

Đi mãi không trở về

Một ngày như mọi ngày trong căn nhà tranh vách lá đơn sơ anh Võ Văn Minh (38 tuổi) chuẩn bị hành trang đi dọc các con đường mua ve chai. Và chị Hồ Thị Xém là vợ anh, ở nhà chăm lo con cái, phụ giúp việc chăn nuôi gia cầm với mẹ chồng.

Vào một ngày đầu năm 2016, bất chợt có chuyện riêng nên chị Xém mượn xe máy của hàng xóm để đi. Ra tới đầu ngõ, chị rẽ phải ra đường Long Phước (P.Long Phước, Q.9, TP.HCM) được một đoạn cách nhà chừng 1km. Bất ngờ chiếc xe tải chở hàng va vào xe làm chị ngã xuống vệ đường. Nhiều người gần đó xúm lại, chở đi bệnh viện cấp cứu khi trên người bê bết máu.

Càng ngày, kinh tế gia đình càng kiệt quệ vì có liên quan một phần đến tai nạn giao thông của chị Xém

Lúc ấy, anh Minh đang buôn bán ở gần nhà. Có vài người hàng xóm hớt hải chạy đến báo hung tin. Anh tức tốc chạy đến bệnh viện, phía trong phòng cấp cứu chị nằm mê man không biết gì. Bên ngoài anh đứng như chết lặng, không nói được lời nào. Nghe bác sĩ thông báo đầu bị chấn thương nặng có khả năng không qua khỏi, nước mắt anh lăn dài.
“Tôi đứng vái trời đất mong vợ qua khỏi. Nhưng rốt cuộc không qua được. Tôi muốn khóc mà vẫn phải kiềm lại, phải mạnh mẽ để còn nuôi hai đứa nhỏ”, Anh Minh nói.
Qua ngày hôm sau chị mất, anh chuyển chị về nhà làm ma chay. Căn nhà cũng từ đó vắng bóng người phụ nữ. Những bữa cơm gia đình quây quần bên nhau nay cũng không còn. Có chăng chỉ là bữa ăn vội cho kịp giờ rảo xe ve chai kiếm sống.
Tối đến, một tay anh lo cơm cho hai đứa nhỏ, tắm táp rồi cho chúng đi ngủ. Những ngày đầu mất chị, bọn trẻ trong nhà cứ hay gọi "mẹ ơi".
Gà trống nuôi con
Căn nhà nhỏ lợp bằng lá dừa nước, tường nhà được ghép tạm bằng những mảnh tôn cũ trong các lần đi mua ve chai, bên trong trống hoác không có vật dụng gì giá trị. Anh Huỳnh Ngọc Minh ôm con trai nhỏ cho biết từ việc nhỏ đến lớn trong nhà anh đều quán xuyến.
Mỗi sáng, lúc mặt trời chưa mọc anh đã phải cặm cụi đi chợ mua rau về lo cơm nước cho hai con. Sau khi chở con trai lớn đến lớp, cuộc sống mưu sinh của anh và con trai nhỏ bắt đầu. Anh bế con nhỏ 5 tuổi ngồi trên thùng xe và hai cha con rong ruổi trên mọi nẻo đường thu mua ve chai. Đến gần trưa hai cha con lại tranh thủ ghé trường học đón con lớn và cùng nhau về nhà chuẩn bị bữa trưa.
“Con trai lớn đi học lớp Một nên đóng tiền theo học kỳ mình có thể xoay xở được, còn bé nhỏ mỗi tháng đi học phải đóng gần 2 triệu đồng. Khoản tiền ấy quá lớn đối với gia đình ba cha con hiện giờ khi còn nhiều thứ phải lo nên định năm sau mới cho bé vào lớp”, anh Minh nói.
Mỗi sáng đi làm, hai bố con lại thắp hương. Bé lớn cứ ấp úng trong miệng nói mẹ phù hộ cho hai ba con đi mua ve chai đắt hàng kiếm tiền về lo anh hai ăn học. Bé nhỏ hay nhớ mẹ, mỗi khi khóc đều gọi mẹ rồi lại bàn thờ đứng trước di ảnh khiến anh Minh không thể cầm lòng.
Do con còn nhỏ nên mỗi ngày đi làm cũng chỉ quanh khu vực quận 9, không thể đi xa, vì nhà còn mẹ già và con nhỏ.

Mỗi ngày anh phải đèo con trai út theo để vừa trông coi vừa thu mua ve chai

Tuy nhiên, cách đây 2 tháng, trong lúc bắc thang sửa quạt gió trên tường, anh bị trượt ngã gãy tay khi nhà không còn một đồng. Anh phải vay nóng số tiền 3 triệu để chữa cánh tay và lo cho hai con nhỏ ăn uống qua ngày. Trong suốt một tháng đó, không làm gì ra tiền, số tiền vay cũng hết đi, anh lại tiếp tục dẫn theo con nhỏ trên xe ba gác cũ một tay lái chạy đi mua ve chai để kiếm sống.
“Khi xưa, lúc bà xã còn sống, tôi đi làm từ sáng đến tối mới về. Còn nay phải tranh thủ trưa và tối về nấu cơm cho con ăn và tắm rửa cho chúng. Mỗi lần đi ngang chỗ bị tai nạn, hình ảnh về người vợ lại hiện ra trong đầu. Tôi chỉ biết cầu vợ phù hộ để có tiền lo cho hai đứa nhỏ”, anh Minh bùi ngùi.
Anh Minh cho biết, con trai út tỏ ra lanh lợi, mỗi lần cùng ba đi mua ve chai, bé luôn phụ anh đưa hàng vào bao, ràng dây phụ cột đồ lên xe.

Ngoài ra còn phải tự tay chăm lo sinh hoạt cho từng đứa con thay mẹ của nó

“Tạm thời hai cha con đi mua ve chai vậy, đợi sang năm cho bé nhỏ đi học tôi sẽ tìm việc khác làm kiếm tiền trả nợ chứ mua ve chai bây giờ vất vả nhưng thu nhập không được bao nhiêu”, anh Minh chia sẻ.
Nhà vắng đàn bà, thiếu người mẹ nên ba cha con ấy cứ tội tội rong ruổi qua những tháng ngày phía trước.
Theo Thanh Niên Online

Các tin cũ hơn