Ám ảnh những phận đời 'chiến đấu' không ngơi nghỉ với ung thư

Thứ tư, 30/11/2016, 11:39
Mấy ai hiểu được, để có thể mạnh mẽ như vậy, trong lòng họ đã bao lần nổi sóng. Đối với nhiều người, khi nghe kết quả mắc bệnh ung thư, đồng nghĩa với việc vừa nhận phải án tử cho chính mình.

Khắp các dãy hành lang trong bệnh viện đều có người nằm xếp lớp

Người bệnh sẽ trải qua các giai đoạn chuyển đổi cảm xúc như phủ nhận bệnh tật, cho rằng mình rất khỏe, sau đó là sợ hãi, mất ăn mất ngủ, mất niềm tin và cảm thấy vô cùng bất lực.

Cùng tâm trạng đó, ngoài bệnh nhân còn có người thân, những người sẽ luôn bên cạnh, quan tâm, chăm sóc, trấn an người bệnh. Cực nhọc, hy vọng rồi thất vọng, nhưng họ vẫn cố gắng vui vẻ, lạc quan để giúp vực dậy tinh thần của người thân đang trên giường bệnh.

Khoảng đất trống trước nhà vệ sinh được tận dụng làm khu giặt giũ và phơi áo quần

Ghé Bệnh viện Ung Bướu vào buổi trưa, hình ảnh khiến tôi ám ảnh nhất là người người nằm xếp lớp khắp các hành lang bệnh viện. Khoảng đất trống phía trước nhà vệ sinh cũng được tận dụng làm nơi giặt giũ, phơi quần áo và xếp chén đũa ăn cơm.

“Bác sĩ không có la rầy gì, chỉ dặn phải gọn gàng, vệ sinh là được. Thấy mình nghèo, bệnh viện cũng chẳng đủ chỗ để nằm nên người ta cũng thông cảm”, cô Hoài, chăm con gái mới 16 tuổi mắc bệnh ung thư tử cung cho biết.

“Rồi, hai anh đi đi để tui ngồi coi đồ cho, chút ra đổi chỗ cho tui”, tiếng ba người đàn ông ngay góc nhà vệ sinh vang lên gấp gáp. Sau khi hai người kia chạy đâu đó, tôi lân la đến bắt chuyện cùng người còn lại.

“Lúc nãy là anh Hai Nghĩa với anh Ba, tui là Năm. Tui ở ngoài Phan Rang, anh Hai ở An Giang, còn anh Ba ở Bến Tre. Lên chăm vợ bị ung thư tử cung rồi gặp hai ảnh, tụi tui nói chuyện riết thành quen. Cũng nhờ quen được mấy ổng mà tui đỡ buồn, lúc ngồi không chờ bác sĩ gọi tên đi khám thì tui suy nghĩ, lo lắng đủ thứ. Cũng nhờ quen được mấy ổng, anh em thân thiết với nhau mà đỡ buồn”, chú Năm nói.

Hình ảnh con gái đang chăm mẹ mắc ung thư ăn bữa trưa

Được biết, vợ chú Năm mãn kinh lâu rồi, tự dưng thấy chảy máu bất thường. Thời gian đầu gia đình chủ quan, chỉ nghĩ là những biểu hiện bình thường sau mãn kinh. Nhưng rồi đến cả tuần, hiện tượng này không những không dứt mà còn ra nhiều hơn, kèm theo là những cơn sốt về chiều.
Vì lo sợ vợ mình mất máu sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe nên chú Năm mới đưa vợ đi bệnh viện. Bác sĩ bảo vợ chú bị ung thư tử cung, phải chuyển vào Ung Bướu TP.HCM làm phẫu thuật.

Chú Năm xúc động khi nhắc đến người vợ bệnh tật của mình

Chú Năm tâm sự: “Từ lúc biết bả bệnh tới giờ là tui theo bả riết, ròng rã mấy tháng trời không làm ăn gì được. Nhưng giờ có tốn kém bao nhiêu thì cũng chịu hết, ráng đi vay mượn để chạy chữa. Vợ mình mà, có khổ đến mấy cũng đâu thể bỏ được”.
Ngồi nói chuyện với tôi, chốc chốc chú quay sang bóp tay bóp chân cho vợ. Tôi không biết vợ chồng chú nói với nhau những gì, nhưng nhìn cử chỉ âu yếm hay nụ cười chú Năm dành cho vợ cảm thấy ấm lòng.
Những đường nét trên gương mặt người đàn ông đối diện đó, khiến tôi chợt thấy chạnh lòng. Đáng ra, ở cái tuổi xế chiều này, vợ chồng chú phải được hưởng tuổi già bên cạnh con, cháu… Ánh nhìn của chú sẽ không phải khắc khoải với những lằn chân chim nơi đuôi mắt mỗi khi chú kể về vợ, con, bằng cái giọng nghẹn ngào, vừa lo âu vừa xót xa như vậy.

Tranh thủ ngủ chút sau một đêm thức canh vợ phẫu thuật

Trên đường ra cổng, đoạn giao nhau giữa khu E và khu D, tôi bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ trạc tuổi mẹ tôi đang ngồi ăn trưa. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi khắp khuôn viên bệnh viện người ta ngồi, nằm la liệt. Nhưng chính món ăn của người phụ nữ, món bánh mì chấm sữa mà lúc nhỏ tôi hay ăn làm tôi có cảm giác thân thuộc và rất muốn trò chuyện.
Cô tên Nguyễn Thị Xua, 51 tuổi, quê ở Kiên Giang, vào bệnh viện Ung Bướu để trị ung thư tử cung. “Cô mới mổ xong, bác sĩ kêu giờ xạ trị trong 25 ngày, mỗi ngày người ta chiếu một lần chỗ vết mổ của mình. Một tuần người ta tiêm thuốc 3 lần”, cô nói.

Chú Nhàn cùng con gái đang dùng bữa cơm được đem theo trong chiếc cà men

Nghe cô kể: “Lúc đầu thấy nó nổi cục hạch nhỏ như hạt đậu xanh, không để ý, đến vài ngày sau nó lớn như cái lóng tay. Cô đi khám, người ta nói ung thư phải đi mổ cắt bỏ cái hạch đi. Mà nhà mình nghèo làm gì đủ tiền đi mổ, cô mới giấu không cho con cái biết, sợ nó lo. Người ta chỉ uống thuốc nam, cô cũng nghe theo uống được một tháng, thấy nó càng ngày càng bự lên như cái chén vậy nè, đau lắm đi không được. Lúc đó con cô bắt đi bác sĩ, nó biết rồi trách cô sao không nói. Từ hổm rày tới nay đi vay mượn đủ chỗ, thấy con cái khổ quá cô thương lắm”...

Bữa trưa với bánh mì chấm sữa của cô Xua

Điều khiến tôi suy nghĩ là câu trả lời của cô khi tôi hỏi con cô đâu sao không thấy, buổi trưa cô chỉ ăn như vậy làm sao có sức. “Con cô không theo chăm cô được, tại nó còn phải đi làm kiếm tiền trả nợ cho người ta. Cô vô đây đem theo mấy bộ đồ thôi, khám xong thì mình ra hành lang đợi. Cái gì tự lo được thì cô không muốn con cái phải lo. Ở đây cũng nhiều người đem đồ tới ở lại. Nguyên cái hành lang này nè, người ta giặt giũ, phơi đồ đạc, rồi chén nồi gì cũng có”.
Họ cũng thấy bất lực khi chẳng thể giúp gì cho người thân đang đối mặt với những cơn đau hành hạ thân xác từng ngày.

Cảnh mọi người đến nhận cơm từ thiện trước cổng bệnh viện Ung Bướu

Hình ảnh người bệnh khi đối mặt với những cơn đau thể xác, sự suy sụp tinh thần, hay những người thân đi theo chăm bệnh, mỗi ngày họ đều nơm nớp lo sợ, ngay khoảnh khắc tràn ngập hy vọng, trong họ cũng đầy ắp những hoang mang tột cùng vì chẳng ai biết trước được điều gì…cũng đủ khiến người ta thấy xót xa.
Vậy mà cuộc đời này lại quá khắc nghiệt, khi cô Xua vừa là bệnh nhân lại vừa là người chăm bệnh cho chính mình...
Tôi ấn tượng ở cô là nụ cười hãnh diện của người mẹ khi kể về con gái, nụ cười biết ơn của bệnh nhân khi kể về những bác sĩ đã chữa trị cho mình. “Con gái cô thương cô lắm, nó mới sanh con mà vẫn đi làm kiếm tiền trả nợ. Cô cũng may mắn được bác sĩ quan tâm, thấy mình không có tiền người ta cũng đóng dùm một phần. Ví dụ 3 triệu mà mình không có thì đóng 1 triệu rưỡi hay 2 triệu cũng được”…
Gần đến 2 giờ chiều, mọi người bắt đầu rủ nhau ra cổng bệnh viện. Cô Xua nói “người ta tới phát cơm đó, ngày cháo, ngày cơm, con ngồi chơi, cô ra lấy để tối còn có đồ ăn”. Tôi ngỏ ý muốn ra nhận giúp vì thấy cô mới mổ xong sẽ mệt. Cô cười hiền: “cô nói rồi mà, cái gì vừa sức thì cô tự lo được”.
Rời Ung Bướu vào buổi chiều tan tầm, đường kẹt xe. Bên tai vẫn văng vẳng câu chuyện của chú Năm, chú Nhàn, chuyện của cô Xua… Tôi thầm nghĩ, những con người đang hiện diện nơi đây, những con người xa lạ, ai có hoàn cảnh, số phận riêng… Nhưng điểm chung mà tôi cảm nhận được từ họ chính là tình yêu thương không giới hạn dành cho người thân, là cái tình giữa người với người, là những điếu thuốc cùng chia nhau hút, là những tâm sự chất chứa đầy lo toan, mệt mỏi…
Dẫu vậy, họ vẫn chọn nắm tay người thân của mình để chiến đấu đến cùng với bệnh tật.. Vì còn nước thì còn tát, chỉ mong đến 1 ngày, cuộc đời sẽ ban cho họ những phép màu….
Theo Thanh Niên Online

Các tin cũ hơn