Ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú (TP.HCM), cho biết ông từng là dân ở tỉnh vào TP.HCM lập nghiệp và chứng kiến nhiều người mẹ nuôi con thành đạt từ nghề buôn gánh bán bưng. Vi vậy, trong quá trình lập lại trật tự lòng lề đường, chủ trương của quận là sắp xếp lại trật tự kinh doanh trên các tuyến đường đủ điều kiện, có vỉa hè rộng vừa tạo điều kiện cho bà con buôn bán. Bởi đằng sau gánh hàng rong là cả một nguồn nuôi sống của gia đình.
Ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú (TP.HCM) |
PV: Quận 1, quận Bình Tân và nhiều quận khác đã ra quân từ nhiều ngày qua. Vì sao đến nay quận Tân Phú mới thực hiện chiến dịch giành lại vỉa hè, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú: Quận Tân Phú đã triển khai công tác đảm bảo trật tự lòng lề đường trong nhiều năm nay.
Nhưng do đây là công tác khó, cần phải thực hiện lâu dài, thường xuyên, liên tục nên khi thiếu sự tập trung thì có nơi, có lúc tình hình phức tạp trở lại.
Nhìn chung, trong thời gian qua, quận Tân Phú đã cơ bản kiềm chế được sự phát sinh phức tạp mới về trật tự lòng lề đường, từng bước lập lại được trật tự tại một số tuyến đường, khu vực.
Từ đầu năm 2017 đến nay, chúng tôi tập trung đợt cao điểm xử lý trên 5 tuyến đường trọng điểm cấp quận. Bản thân tôi từ tuần trước cũng đã trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động, xử lý cùng với các lực lượng để tạo chuyển động mới trong việc đảm bảo trật tự lòng lề đường, giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Trong thời gian tới, ông có dự tính thường xuyên xuống đường như hôm nay không?
UBND quận đã giao Chủ tịch UBND các phường chịu trách nhiệm chính trong công tác này với đầy đủ thẩm quyền và lực lượng. Lãnh đạo quận sẽ theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ cho phường trong một số thời điểm.
Trong thời gian tới, tôi sẽ bố trí lịch để tiếp tục tham gia cùng với các lực lượng. Trong tháng 6-2017, chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết tình hình thực hiện trong 6 tháng đầu năm. Nếu địa phương nào không có sự chuyển biến, vẫn còn tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường phức tạp thì sẽ xem xét trách nhiệm từng cá nhân để xử lý.
Theo quan sát, những người bán hàng rong lấn chiếm đều là người nghèo, dân nhập cư. Làm gì để dẹp vỉa hè nhưng không triệt nguồn sống của người nghèo?
Quận Tân Phú có gần 50% là dân tạm trú. Nhiều gánh hàng rong là cả nguồn nuôi sống của một gia đình. Vì vậy, trong quá trình lập lại trật tự lòng lề đường, chủ trương của quận là sắp xếp lại trật tự kinh doanh trên các tuyến đường đủ điều kiện, có vỉa hè rộng, vừa tạo điều kiện cho bà con buôn bán, vừa có lối đi cho người đi bộ. Tuy nhiên, đối với những trường hợp thường xuyên vi phạm, không chấp hành sự sắp xếp thì sẽ kiên quyết xử lý.
Theo ông Nguyễn Quốc Thái, chủ trương quận dẹp vỉa hè nhưng không triệt đường sinh sống của người dân. |
Điều mà ông cảm thấy trăn trở trong quá trình thực hiện chiến dịch dọn dẹp vỉa hè?
TP.HCM đang chịu áp lực rất lớn về hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội do dân số cơ học tăng cao, trong đó có quận Tân Phú. Do đặc thù là quận giáp ranh giữa khu vực nội thành và ngoại thành nên nhiều bà con ở các tỉnh đến đây mưu sinh là lao động phổ thông hoặc buôn bán nhỏ, từ đó phát triển các điểm buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường.
Giải pháp căn cơ mà quận luôn trăn trở là tìm địa điểm, giới thiệu việc làm để giúp bà con buôn bán, làm việc ổn định.
Điều thứ hai là chế độ, chính sách cho lực lượng cộng tác viên trật tự đô thị rất thấp, mỗi tháng chỉ 2 triệu đồng và không có bảo hiểm xã hội. Mức lương như vậy không đủ anh em nuôi sống bản thân chứ chưa kể đến lo cho gia đình. Do đó, để anh em yên tâm công tác, tích cực hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, tôi kiến nghị lãnh đạo thành phố quan tâm hỗ trợ thêm cho lực lượng này.
Lực lượng chức năng quận Tân Phú phát phiếu cam kết cho từng hộ dân đề nghị họ thực hiện nghiêm việc bảo đảm đường thông, hè thoáng. |
Theo NLĐ