Kể từ ngày 8/3/2014, khi chuyến bay MH370 của Hàng không Malaysia biến mất, tung tích của chiếc Boeing 777 gặp nạn vẫn biệt tăm.
Phần lớn việc tìm kiếm tập trung vào khu vực rộng 120.000km2 dưới đáy biển phía Nam Ấn Độ Dương. Đây là một trong những hoạt động tìm kiếm thách thức nhất từ trước tới nay.
Các tàu cùng lúc tham gia tuần tra trong 6 tuần giữa biển khơi trong điều kiện thời tiết tồi tệ với sóng to gió lớn. Việc tìm kiếm thường xuyên bị hoãn lại nhiều ngày vì thời tiết xấu. Dù mỗi tàu đều có một bác sĩ, một số trường hợp khẩn cấp vẫn cần được đưa về căn cứ ở Australia.
Trong khi đó, các bộ phận được cho là của MH370 trôi dạt vào bờ biển các nước châu Phi. Các bằng chứng này không đem lại nhiều thông tin mà chỉ chứng minh rằng MH370 chắc chắn đã rơi.
Tháng 12/2016, các nhà điều tra thừa nhận chiếc máy bay có thể không nằm ở khu vực tìm kiếm và đề xuất chuyển việc tìm kiếm lên hướng Bắc.
Tuy nhiên, Australia đã từ chối tiếp tục tìm kiếm vượt thời hạn dự kiến. Chính phủ của 3 nước có liên quan bao gồm Australia, Malaysia và Trung Quốc đã chính thức thông báo ngừng cuộc truy tìm MH370 vào ngày 17/1.
Thân nhân của các hành khách nhận được thông báo này qua email 6 tuần trước ngày kỷ niệm năm thứ 3 chiếc máy bay mất tích.
Máy bay RAAF P3 Orion trở về từ chuyến bay đầu tiên tại Căn cứ Quân sự Pearce vào ngày 27/3/2014 ở Perth, Australia. 6 quốc gia đã tham gia vào cuộc tìm kiếm ban đầu sau khi MH370 được cho là đã rơi xuống phía Nam Ấn Độ Dương và khiến tất cả hành khách thiệt mạng. Ảnh: Getty. |
"Hôm nay tàu tìm kiếm cuối cùng đã rời khu vực tìm kiếm dưới nước. Chuyến bay MH370 của Hàng không Malaysia đã không được xác định tại khu vực tìm kiếm 120.000km2 dưới nước ở phía Nam Ấn Độ Dương.
Bất chấp những nỗ lực sử dụng khoa học hiện đại, công nghệ tiên tiến, cũng như khuôn mẫu và lời khuyên từ các chuyên gia hàng đầu, thật không may, việc tìm kiếm đã không thể xác định vị trí chiếc máy bay.
Quyết định đình chỉ cuộc tìm kiếm dưới nước không phải là một quyết định dễ dàng và không gây đau buồn", thông báo có đoạn viết.
Được dẫn dắt bởi Cục An toàn Giao thông Vận tải Australia (ATSB), cuộc tìm kiếm MH370 ghi nhận nỗ lực không mệt mỏi của nhóm điều tra.
Họ đã biên soạn một số báo cáo nhằm tìm ra thông tin từ những manh mối đã có, đặc biệt là 7 lần kết nối giữa máy bay và vệ tinh Inmarsat, 2 cuộc gọi vệ tinh không được hồi đáp từ mặt đất đến máy bay.
Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra những tính toán khác nhau về các tuyến đường tiềm năng, khoảng cách và các kịch bản có thể xảy ra với chiếc máy bay. Chẳng hạn, máy bay đã rơi xuống theo hướng nào khi hết nhiên liệu và động cơ ngừng hoạt động.
Vị trí trước khi mất tích của MH370. Đồ họa: CNN. Việt hóa: Hiền Đức. |
Nhiều nhóm và cá nhân bên ngoài cũng đóng góp vào quá trình điều tra theo những cách khác nhau. Nhóm Độc lập bao gồm các chuyên gia hàng đầu về hàng không và vệ tinh đã góp phần vào việc làm sáng tỏ những gì đã xảy ra với các nghiên cứu của họ.
Bên cạnh đó, cũng có những người phê bình như Đại tá Bryon Bailey ở Australia. Ông thường nhận định rằng giả thuyết của các nhà điều tra là sai lầm và họ đang tìm kiếm sai chỗ.
Cuối năm ngoái, Cục An toàn Giao thông Vận tải Australia (ATSB) đã công bố "Báo cáo Các nguyên tắc Đầu tiên" đánh giá khu vực tìm kiếm hiện tại có thể không chứa chiếc máy bay. Họ đề xuất khu vực tìm kiếm mới rộng khoảng 25.000km2 có khả năng cao nhất chứa đống đổ nát của chiếc máy bay. Ba chính phủ liên quan đến việc tìm kiếm là Australia, Malaysia và Trung Quốc đã bác bỏ khuyến cáo này.
Quyết định ngừng tìm kiếm MH370 ở khu vực mới nhỏ hơn đã gây ra tranh cãi. Chính phủ Malaysia và Trung Quốc từng hứa sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để tìm MH370.
Việc đình chỉ hoạt động tìm kiếm khi chưa có bí ẩn nào được giải đáp đã khiến công sức suốt 3 năm qua của nhóm điều tra trở nên vô nghĩa.
Đến nay, chúng ta biết được rất ít về nguyên nhân dẫn tới số phận của chiếc máy bay. Chúng ta chỉ biết rằng chiếc máy bay bị rơi xuống phía Nam Ấn Độ Dương nhờ các mảnh vỡ được tìm thấy.
Chúng ta không biết chuyện gì đã xảy ra sau thời điểm 1h19 sáng khi những lời cuối cùng “Chúc ngủ ngon 370 của Malaysia” được phát đi từ buồng lái.
Chúng ta vẫn chưa rõ liệu cơ trưởng có liên quan gì tới vụ việc này, tại sao hệ thống tiếp sóng lại tắt, vì sao Hệ thống Liên lạc và Báo cáo trên máy bay (ACARS) lại bị vô hiệu hóa, tại sao báo động không được phát đi khi radar quân sự đã phát hiện máy bay chuyển hướng,...
Quyết định đình chỉ việc tìm kiếm khiến thân nhân những người gặp nạn cảm thấy như bị phản bội. Lý do mà Voice370, nhóm đại diện cho thân nhân các hành khách trên chuyến bay, nhận được là các nhà chức trách đã mất niềm tin vào dữ liệu được sử dụng để xác định khu vực tìm kiếm.
“Mong đợi xác định vị trí chính xác của máy bay trước khi tiếp tục tìm kiếm là một kỳ vọng sai lầm nhưng đồng thời cũng là cách biện hộ khôn ngoan để chôn vùi việc tìm kiếm. Tại sao lại cần tìm kiếm nếu đã biết chính xác vị trí chiếc máy bay?”.
Mảnh cánh máy bay dài 2m của MH370 được tìm thấy ở Tanzania, được chuyên gia ở Canberra, Australia xác định vào tháng 9/2016. Ảnh: AFP/Getty. |
“Theo quan điểm của chúng tôi, việc mở rộng tìm kiếm sang khu vực mới được các chuyên gia xác định là nghĩa vụ cần thực hiện đối với công chúng và lợi ích của an toàn hàng không. Các chuyến bay thương mại không thể cứ biến mất mà không có dấu vết nào”, một thành viên của Voice370 phát biểu trên Guardian.
Việc tìm kiếm MH370 là một nỗ lực tiêu tốn nhiều triệu USD với sự tham gia của Australia, Malaysia và Trung Quốc. Australia và Malaysia đã chi trả gần 140 triệu USD. Trung Quốc đóng góp khoảng 15 triệu USD tài trợ chi phí và thiết bị.
Các nhà điều tra cho biết thất bại của việc tìm kiếm xác máy bay không có nghĩa là tất cả nỗ lực tìm kiếm sẽ chấm dứt.
Tuy nhiên, những người mong mỏi câu trả lời về sự biến mất của chiếc máy bay và các hành khách trên đó giờ phải đối mặt với thực tế là số phận của MH370 có thể sẽ không bao giờ được sáng tỏ.
Theo Zing