|
“Trong dài hạn, Thành phố sẽ tập trung phát triển kinh tế ở trình độ cao hơn và chuẩn bị bước lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Trọng tâm sắp tới là phát triển dịch vụ và sáng tạo, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp để hướng đến mục tiêu 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Xây dựng TP.HCM thành thành phố công nghệ, đô thị thông minh và có những tập đoàn của thành phố nằm trong Top 500 tập đoàn hàng đầu thế giới.”, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch TP.HCM tóm lược tầm nhìn dài hạn về phát triển kinh tế Thành phố tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp trong nước năm 2017 diễn ra sáng 7/3 với chủ đề “Đồng hành và phát triển doanh nghiệp”.
|
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết mục tiêu dài hạn là Thành phố phải có doanh nghiệp vào được Top 500 thế giới. |
Mục tiêu này được hầu hết các đại diện doanh nghiệp, hội nghề nghiệp tham dự hội nghị đồng tình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đã thẳng thắn chỉ ra áp lực đang gặp phải.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận xét, bức tranh năm 2016 có nhiều tích cực nhưng cộng đồng doanh nghiệp còn tồn tại những điểm yếu và đối mặt với nhiều khó khăn. “Doanh nghiệp đang chịu áp lực hàng ngoại ngay trên sân nhà. Qua khảo sát chưa đầy đủ cho thấy chỉ có 32% doanh nghiệp tự tin vào khả năng cạnh tranh sản phẩm của mình, trên 40% cảm thấy lo ngại, số còn lại là bi quan”, ông Dũng cho biết.
Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, đại diện Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM nêu cụ thể việc doanh nghiệp nội đang vất vả cạnh tranh với hàng ngoại tại kênh siêu thị. Sau khi một số hệ thống siêu thị thay tên đổi chủ thời gian qua, bà Lâm cho rằng, các siêu thị ngoại vốn đã có mức chiết khấu rất cao nay còn cao hơn nữa khiến doanh nghiệp nội càng gặp khó.
Không ít doanh nghiệp vẫn băn khoăn về cơ hội tiếp cận vốn và thông tin. Ông Kiều Huỳnh Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Thép Cơ cho biết, các doanh nghiệp ngành cơ khí vẫn khó tiếp cận vốn để đổi mới công nghệ. Trong khi đó, bà Nguyễn Minh Hương - Giám đốc Công ty Golden Communication thì nhận định, các thông tin hỗ trợ doanh nghiệp đang tản mát, không tập trung nên doanh nghiệp khó nắm đầy đủ.
“Bản thân tôi hôm nay mới biết có đến 36 chương trình từ trung ương đến địa phương liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp ít nắm thông tin vì các thông tin này nằm ở nhiều ban ngành khác nhau”, bà Hương chia sẻ.
|
Bí thư Đinh La Thăng khẳng định TP.HCM đã tụt hậu so với khu vực nên cần quyết liệt tăng tốc. |
Phản hồi vấn đề vốn, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong tháng 4 và tháng 5 tới, Thành phố sẽ tổ chức hai chương trình kết nối ngân hàng với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Tuyến cho hay, riêng các doanh nghiệp có nhu cầu vật tư, thiết bị công nghệ mới thì đang có chính sách vay kích cầu, giảm 50% đến 0% lãi suất. Mọi khó khăn trong tiếp cận vốn, ông Tuyến cho biết sẵn sàng lắng nghe phản ánh trực tiếp để hỗ trợ.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định, TP.HCM đã tụt hậu so với các thành phố lớn khác trong khu vực nên phải tích cực tăng tốc. Ông cho rằng, phía doanh nghiệp phải mạnh mẽ hơn, chủ động hơn. Cùng với đó, phía cơ quan ban ngành phải đổi mới sáng tạo hơn, tận tụy, tận tâm hơn với người dân và doanh nghiệp.
Ông yêu cầu các đơn vị của Thành phố phải tiếp tục cải cách hành chính để doanh nghiệp gặp khó gì thì cũng chỉ đến một cửa giải quyết, chứ không thể chạy đi nhiều nơi và các đơn vị cứ đùn đẩy nhau. Cùng với doanh nghiệp, các cơ quan ban ngành cũng phải tích cực hiến kế cho lãnh đạo Thành phố trong phát triển kinh tế.
“Chúng ta cần chủ động hơn nữa trong quá trình hội nhập. TPP chưa có nhưng Việt Nam cũng đã tham gia 9-10 hiệp định tự do thương mại nên chúng ta cần chủ động hơn. Thị trường không phải chỉ Việt Nam mà thị trường là khu vực và cả thế giới”, Bí thư Thăng kết luận tại hội nghị.
Theo VNE