“Bỏ các điểm trung chuyển hành khách tại TP.HCM để tránh tình trạng xe khách hoạt động trá hình” - là đề xuất được đại diện UBND quận 5 nêu ra tại cuộc họp sơ kết của đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình xử lý “xe dù, bến cóc” trên địa bàn TP diễn ra mới đây. Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này đang có nhiều ý kiến trái chiều vì cho rằng không phù hợp.
Cân nhắc khi đánh đồng
Ngoài ra, đại diện UBND quận 5 còn cho rằng khi thực hiện quyết sách trên sẽ còn tạo sự công bằng giữa xe trong bến và các nhà xe thương hiệu có địa điểm trung chuyển bên ngoài. Người đại diện này đưa ra vấn đề khi bỏ xe trung chuyển, hành khách có thể sử dụng các phương tiện khác để thay thế như xe buýt, taxi… để đến các bến xe trên địa bàn TP.
Ý kiến trên được xem là một biện pháp cứng rắn nhằm xử lý triệt để tình trạng “bến cóc, xe dù” tại TP HCM vì thực tế, trường hợp sử dụng các điểm trung chuyển để cho xe khách chạy “dù” không phải là không có. Tuy nhiên, đề xuất trên lại bị nhiều người khẳng định là không hợp lý.
Xe trung chuyển loại 16 chỗ của nhà xe Phương Trang tạo thuận lợi cho khách đi xe |
Lý do là để tránh tình trạng nhà xe núp bóng các điểm trung chuyển nhằm hoạt động trá hình, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể quản lý được. “Các trường hợp không trung chuyển hành khách đến bến xe, mắt thường nhìn là xác định được ngay. Còn nếu muốn kiểm tra kỹ hơn cũng rất đơn giản, chỉ cần leo lên xe trung chuyển xem họ có chở khách ra bến xe hay chạy theo lộ trình khác là biết” - ông Nguyễn Thành An (ngụ phường 21, quận Bình Thạnh) chỉ điểm.
Thực tế, cách ông An nói rất hợp lý để bắt các điểm trung chuyển cố tình mượn danh chạy tuyến cố định. Đồng thời, ông An cũng nêu vấn đề cơ quan chức năng còn có thể kiểm soát các xe qua thiết bị giám sát hành trình nên không khó xử lý tình trạng lợi dụng xe trung chuyển để cho xe chạy “dù”.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Tố Trâm (ngụ quận 10) cho rằng nhu cầu của hành khách đối với xe trung chuyển của các nhà xe là rất lớn khi không chỉ thuận tiện trong việc đi lại mà còn giúp giảm chi phí. Bà Trâm dẫn chứng nhờ xe trung chuyển của một số nhà xe mà việc về các tỉnh miền Tây hay lên Tây Nguyên của gia đình rất tiện lợi do chỉ cần đặt vé rồi đi xe trung chuyển đến bến xe và lên xe là xong.
Từ vấn đề này, bà Trâm tính toán nếu bỏ các điểm trung chuyển, chi phí đi lại của người dân trong nội đô mỗi dịp về quê hay đi chơi sẽ tăng cao. “Nếu di chuyển bằng taxi từ quận 10 ra Bến xe Miền Đông hay Miền Tây đều rất tốn kém, có khi chi phí ra bến xe bằng với vé xe đi cả tuyến. Như vậy thì quá bất hợp lý” - bà Trâm nói.
Do đó, bà Trâm ủng hộ việc chính quyền dẹp các điểm trung chuyển hoạt động trá hình nhưng cũng lưu ý nên giữ các điểm trung chuyển làm ăn đúng quy định. “Thực tế, ở những điểm trung chuyển hoạt động đúng giấy phép thi thoảng có xảy ra việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn có thể chấn chỉnh được bằng cách thường xuyên kiểm tra, xử phạt” - bà Trâm khẳng định.
Thêm kẹt và tốn kém
Vẫn theo bà Trâm, nếu các điểm trung chuyển đều làm đúng giấy phép, nguồn thu của bến xe không giảm do các xe trung chuyển chỉ chở khách ra bến. Ngược lại, những doanh nghiệp vận tải trong bến nếu không có điểm trung chuyển bên ngoài cũng buộc phải đầu tư thêm và nâng cao chất lượng dịch vụ để lôi kéo khách. Như vậy, hành khách vừa được nâng cao hơn về chất lượng phục vụ và việc đi lại cũng thuận tiện hơn.
“Việc bỏ các điểm trung chuyển chỉ hợp lý và hợp tình khi các tuyến metro kết nối với 2 bến xe Miền Đông và Miền Tây đi vào hoạt động. Bởi khi đó, chỉ cần lên metro là tới nơi, còn bây giờ đi xe buýt thì kẹt, đi taxi thì quá tốn kém cho người dân trong nội đô mỗi khi phải đến bến xe” - bà Trâm nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang, xe trung chuyển đã được nhà nước cho phép, cung cấp dịch vụ vận tải an toàn và thuận tiện cho người dân không chỉ ở TP lớn mà còn tại các địa phương. Tại TP.HCM, ông Dũng cho rằng nếu bỏ xe trung chuyển, ngoài việc phát sinh thêm chi phí cho hành khách mua vé, bất tiện khi đi lại còn gây ùn tắc giao thông.
Ông Dũng phân tích nếu mỗi hành khách chọn một phương tiện cá nhân hoặc taxi, xe ôm đến các bến xe liên tỉnh thì đồng nghĩa với việc mật độ xe lưu thông trên đường tăng cao hơn. Ngược lại, hành khách khi tập trung trên một xe trung chuyển đến các bến xe cũng tương tự như việc người dân đi lại bằng xe buýt, rất tiện lợi trong khi chi phí thấp. Chưa kể việc các nhà xe khi muốn thu hút hành khách cũng sẽ nâng cao chất lượng phục vụ trên các xe trung chuyển.
“Không thể đánh đồng xe trung chuyển như xe chạy “dù” được. Tại sao không đề xuất cấm sử dụng xe giường nằm chở khách hợp đồng, khách du lịch để tránh tình trạng lợi dụng chạy tuyến cố định thay vì đề xuất cấm xe trung chuyển?” - ông Dũng nêu vấn đề.
Mới chỉ là đề xuất Một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết ý kiến về việc bỏ các điểm trung chuyển hành khách hiện mới chỉ là một đề xuất và các đơn vị đang tiến hành nghiên cứu cũng như đánh giá lại. Theo vị này, pháp luật cho phép các nhà xe được sử dụng xe trung chuyển hành khách từ địa điểm kinh doanh vận tải đến các bến xe. Do vậy, nếu muốn thực hiện theo đề xuất trên thì phải điều chỉnh lại rất nhiều quy định trong các hoạt động kinh doanh vận tải. |
Theo NLĐ