Chủ tịch Quảng Bình: 'Khoán xe công ngay, không nên bàn cãi nữa'

Thứ hai, 13/03/2017, 15:47
Lãnh đạo nhiều địa phương ủng hộ dự thảo khoán xe công do Bộ Tài chính đưa ra, theo đó có thể đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế xin ý kiến góp ý vào dự thảo quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công.

Theo dự thảo, các thứ trưởng, phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND và UBND tỉnh, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn chế độ xe công đưa đón đến cơ quan hàng ngày. Thay vào đó là hình thức nhận khoán kinh phí bắt buộc hàng tháng và tự bố trí phương tiện đi làm.

Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, khẳng định ủng hộ chủ trương nêu trên và cho rằng việc khoán xe công đáng ra phải được triển khai sớm hơn.

“Các nước làm từ rất lâu rồi, chúng ta nên làm ngay mà không bàn cãi nữa. Thực hiện khoán, ông nào đi công tác nhiều thì thuê lái xe, đi ít thì tự lái, có tiền là có dịch vụ”, ông Hoài nói.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, sau khi có chủ trương này, Nhà nước không cần phải thành lập đội xe mà thị trường sẽ tự điều tiết. “Đến lúc đó sẽ hình thành những công ty dịch vụ cho thuê xe và cả tài xế. Công ty nào tốt thì mình lựa chọn để thuê. Cơ chế thị trường là vậy”, ông Hoài nhận định.

Ông nêu ví dụ, ở Bệnh viện Cu Ba – Đồng Hới (Quảng Bình), xe cứu thương của tỉnh đã bỏ từ hơn 10 năm qua. Tại đây, có những công ty tư nhân tự sắm xe cứu thương để hoạt động, họ phục vụ tốt hơn vì gắn với hiệu quả, lợi ích của doanh nghiệp.

Trong thực tế, có một số công ty, tập đoàn lớn ở Quảng Bình hoạt động rất hiệu quả nhưng công ty của họ không hề có xe để đi lại.“Từ chủ tịch tập đoàn trở xuống đều dùng xe thuê cả. Họ hợp đồng với một công ty khác, không cần phải tốn tiền mua xe hay nuôi tài xế”, ông Hoài cho biết và bày tỏ quan điểm, nên mở rộng diện khoán xe công hơn so với dự thảo của Bộ Tài chính.

"Duy trì xe công như lâu nay rất lãng phí và cồng kềnh bộ máy. Tôi làm Chủ tịch tỉnh, nhiều khi đi họp cứ nghe lúc thì Sở xin xe, lúc thì huyện xin xe… rất áp lực và phiền phức”, ông Hoài chia sẻ.

Đầu tháng 3, có 8 cơ quan cấp Sở ở Hà Nội đã niêm phong xe biển xanh để khoán xe công.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay đã đọc qua dự thảo khoán xe công và đang giao ngành tài chính địa phương xem xét, tham mưu. “Chính phủ có chủ trương thì tôi vui vẻ thực hiện. Việc khoán xe công đối với các địa phương như Thừa Thiên - Huế sẽ không có nhiều ảnh hưởng”, ông Cao nói.

Ông Cao giải thích, các địa phương như Huế có đường sá rộng rãi, chỗ đậu xe nhiều nên lãnh đạo tự túc phương tiện sẽ chủ động hơn trong công việc, không gặp khó khăn trong đi lại như đô thị lớn.

"Việc khoán xe công sẽ giúp hạn chế tình trạng lạm dụng xe biển xanh", ông Cao nói.

Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 223 xe công.

Lãnh đạo một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam... cũng lên tiếng ủng hộ dự thảo khoán xe công. “Tôi ủng hộ và sẵn sàng nhận khoán”, ông Định Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.

Theo dự thảo quyết định, Bộ Tài chính đề xuất đối với chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên (chủ tịch UBND tỉnh và tương đương) phải khoán bắt buộc sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Trường hợp đi công tác thì bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán theo hình thức tự nguyện.

Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án khoán kinh phí. Một là, đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng. Mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%. Hai là, mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác. Đơn giá khoán là 16.000 đồng/km, hoặc xác định trên cơ sở đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương.

Sở Tài chính Huế khoán xe công cho lãnh đạo

Ngày 13/3, ông Trần Bá Mẫn, Phó giám đốc Sở Tài chính Thừa Thiên Huế cho biết, từ đầu tháng 4, Sở sẽ khoán xe công cho các chức danh thuộc ban giám đốc.

Theo ông, đơn vị có 2 xe công phục vụ 4 chức danh lãnh đạo, một trong 2 xe sẽ được thu hồi để sắp xếp lại. Lãnh đạo Sở đang cân nhắc một trong hai phương thức khoán. Thứ nhất, khoán kinh phí sử dụng xe cho từng chức danh, nhưng không vượt quá 9 triệu đồng/người/tháng. Thứ hai, khoán kinh phí sử dụng xe cho từng chức danh theo nguyên tắc khoảng cách thực tế đi công tác hàng tháng nhân đơn giá 13.000 đồng/km.

"Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 223 ôtô công, mỗi năm chi phí một xe từ 200 - 300 triệu đồng. Nếu khoán xe công sẽ tiết kiệm mỗi đầu xe khoảng 100 triệu đồng/năm, trung bình mỗi năm tỉnh tiết kiệm khoảng 10 tỷ đồng", ông Mẫn cho biết.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích