Việc nhắc đến vụ thảm sát Srebrenica cho thấy ông Recep Tayyip Erdogan không hề có ý định "xuống nước" trong những phát ngôn nhắm vào Hà Lan. Đến nay, vụ thảm sát này vẫn còn là một chủ đề nhạy cảm tại đất nước Bắc Âu.
Lực lượng người Serbia ở Bosnia đứng đằng sau vụ thảm sát nhưng các quân nhân Hà Lan trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đã thất bại trong việc bảo vệ các nạn nhân. Tổng thống Erdogan tuyên bố thất bại này, hiện vẫn còn là một nỗi đau buồn ở Hà Lan, tiết lộ "đạo đức" của người Hà Lan đã "vỡ vụn".
Trước đó, ông Erdogan đã gây nên một làn sóng phẫn nộ tại Hà Lan khi so sánh nước này với Đức Quốc xã. Không những vậy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn gọi Hà Lan là một nước "cộng hòa chuối".
Cảnh sát Hà Lan dùng chó nghiệp vụ giải tán người biểu tình ở TP.Rotterdam. Ảnh: AP |
Đài BBC dẫn lời Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhận định ông Erdogan đang trở nên "ngày càng kích động từng giờ và tôi muốn ông ấy bình tĩnh lại". Ông Rutte cũng không quên gọi phát ngôn mới nhất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là "sự giả dối ghê tởm".
Hôm 14-3, phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cảnh báo nước này có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Hà Lan.
Trong khi đó, bà Federica Mogherini, Cao ủy Liên minh châu Âu về đối ngoại và an ninh, đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ "kiềm chế các tuyên bố và hành động quá mức có nguy cơ khiến tình hình thêm trầm trọng" nhưng có vẻ như thông điệp của bà không có hiệu quả. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng lời kêu gọi của bà Mogherini là "vô ích".
Tổng thống Erdogan đang muốn gia tăng quyền lực trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới tại Thổ Nhĩ Kỳ nên muốn nhắm tới hàng triệu cử tri ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Hà Lan. Tuy nhiên, Hà Lan lại từ chối cho các Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vận động tranh cử trên lãnh thổ vì lý do an ninh.
Theo NLĐ