Bán dâm - cái bẫy bủa vây phụ nữ nghèo ở Nhật

Thứ hai, 10/04/2017, 09:21
Suốt 6 năm qua, Kasumi Endo, một bà mẹ đơn thân 47 tuổi chật vật nuôi con trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn buộc phải sống cuộc đời hai mặt ở Nhật.  

Một khu đèn đỏ ở Tokyo. Ảnh:Japan Times

Vào ngày thường, bà làm nhân viên văn phòng, cố kiếm tiền nuôi con gái đang tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, đồng lương văn phòng không đủ nuôi sống hai mẹ con, đến cuối tuần, Endo buộc phải giấu con gái lén tới Ikebukuro, một trong số nhiều khu đèn đỏ ở thủ đô Tokyo để kiếm thêm thu nhập, theo Japan Times.

Bước chân lên cầu thang ra khỏi ga Ikebukuro, Endo tự huyễn hoặc bản thân đã biến thành người khác, một người người bán dâm chuyên nghiệp trong ngành công nghiệp tình dục fuzoku của Nhật.

"Tôi bất đắc dĩ mới quyết định làm nghề này, thậm chí thấy có tội với con gái khi tưởng tượng có một người xa lạ đụng chạm vào phần thiêng liêng nhất trên cơ thể mình - nơi con gái được sinh ra", Endo tâm sự.

Cô thuộc về nhóm phụ nữ trung niên nghèo túng đang ngày một nhiều ở Nhật Bản gia nhập ngành công nghiệp tình dục bất chấp nguy cơ đe dọa tính mạng.

Làm phụ nữ ở Nhật Bản rất khó

Bất chấp việc chính quyền kêu gọi tăng số phụ nữ làm lãnh đạo lên 30% vào năm 2020, phần lớn lao động nữ ở Nhật Bản vẫn không tìm được việc làm có biên chế toàn thời gian mà mắc kẹt trong những công việc không ổn định và lương thấp. Cho dù có việc làm toàn thời gian, nhiều người vẫn buộc phải từ bỏ sau khi sinh con, dành cả ngày ở nhà chăm trẻ trong bối cảnh tư tưởng truyền thống "đàn ông đi làm, đàn bà ở nhà" ngăn người chồng xin nghỉ chăm vợ đẻ.

Theo một cuộc khảo sát năm 2014 của Bộ Nội vụ Nhật Bản, trong tổng số 23,51 triệu lao động nữ toàn quốc, có 13,32 triệu người làm việc không có biên chế, bao gồm các công việc bán thời gian và tạm thời.

Đối tượng này có thu nhập trung bình năm là 13.330 USD, thấp hơn so với mức 18.000 USD được coi là chuẩn nghèo ở Nhật Bản, trong khi nam giới làm công việc tương tự có mức thu nhập 19.900 USD, theo số liệu năm 2014 của Cơ quan Thuế nước này.

Mọi việc thậm chí càng khó khăn với những bà mẹ đơn thân như Endo. Bà làm việc quần quật nhưng chỉ vừa đủ nuôi sống mình và con gái.

Theo một nghiên cứu năm 2011 về hộ gia đình đơn thân của Bộ Phúc lợi, 47,4% số bà mẹ đơn thân kiếm sống bằng việc làm bán thời gian, với thu nhập trung bình năm là 11.300 USD; còn 4,7% làm những công việc mang tính tạm thời. Trong khi đó, chỉ có 8% số ông bố đơn thân kiếm sống bằng công việc bán thời gian với thu nhập trung bình năm 15.800 USD.

Từ năm 35 đến 40 tuổi, Endo làm việc bán thời gian, kiếm được hơn 9.000 USD một năm. Năm 2010, Endo vào nghề gái gọi sau khi chồng nợ tiền vài trăm triệu yên. Ba năm sau, bà ly hôn khi ông ta lại thêm một món nợ khác. Khi đó, Endo chỉ kiếm được 1.000 USD một tháng, bao gồm cả thu nhập từ việc làm bán thời gian và làm gái gọi.

Sau đó, bà kiếm được một việc làm ngắn hạn toàn thời gian. Có điều, Endo lại mất việc khi hợp đồng hết hạn vào tháng 6/2016. Nghĩ tới số tiền nhà cuối tháng sắp phải trả, Endo buộc phải bước vào ngành công nghiệp tình dục fuzoku sau khi trượt hết buổi phỏng vấn này tới buổi phỏng vấn khác.

Bà Endo bước đi trên một con phố ở quận Ikebukuro. Ảnh:Japan Times

Linh hoạt và nhanh chóng

Bất chất sự kỳ thị sâu sắc và làm trái pháp luật, ngành công nghiệp fuzoku bao gồm các trung tâm mát xa, khách sạn tình yêu hay gái gọi, đang phát triển mạnh. Theo Viện nghiên cứu Yano, thị trường này ước tính đạt 31,65 tỷ USD năm 2014.

Theo Luật Phòng chống mại dâm, Nhật Bản coi mại dâm là bất hợp pháp từ năm 1956. Tuy nhiên, người Nhật coi mại dâm khác với khiêu dâm. Mại dâm được định nghĩa là "giao hợp để được trả tiền", nên "các hành vi khiêu dâm để được trả tiền mà không tiến hành giao hợp" (fuzoku) không bị coi là trái pháp luật.

Chủ kinh doanh cố lách luật bằng cách cung cấp hàng loạt loại hình khác nhau, từ quan hệ bằng miệng đến hậu môn. Trên thực tế, mại dâm có giao hợp vẫn tồn tại, được coi là "bí mật công khai" ở các trung tâm mát xa.

Fuzoku đôi khi chứng tỏ là lựa chọn duy nhất cho những phụ nữ gặp khó khăn tài chính, đặc biệt là các bà mẹ đơn thân, do tính chất thuận tiện của nó.

"Fuzoku là việc bán thời gian tiện nhất mà ta có thể nghĩ tới", Shizuka Yamaguchi, 45 tuổi, ban ngày làm y tá ở một bệnh viện tỉnh Kanagawa còn đến tối lại trở thành gái gọi ở Ikebukuro cho biết. Cô bắt đầu làm nghề này một năm trước sau khi kinh tế gia đình khó khăn vì chồng mất việc.

"Làm y tá chỉ kiếm được 90 USD một ngày với điều kiện phải hoàn thành mọi công việc được giao. Nhưng làm gái mại dâm, chỉ cần gọi báo ông chủ và xuất hiện lúc nào bạn thích cũng được, bất kể ngày hay đêm, tận dụng mọi thời gian rỗi rãi", Yamaguchi tiết lộ.

Còn với những người luôn thiếu tiền mặt như Shoko Hayama, 48 tuổi, thì công việc này là cứu cánh bởi luôn được thanh toán tại chỗ.

Hayama làm cùng chỗ với Yamaguchi. Hồi tháng 7, bà và chồng vẫn nợ 2.700 USD tiền thuê nhà và có nguy cơ bị đuổi. Chồng bà làm lái xe tải, mất việc sau khi gặp tai nạn giao thông hồi tháng một, khiến hai vợ chồng phải đi vay nặng lãi xã hội đen rồi cuối cùng lâm vào khoản nợ hơn 18.000 USD.

"Cho dù tôi có nhận việc làm tạm thời thì phải đến cuối tháng mới được trả lương. Có chỗ linh hoạt hơn thì cũng phải chia làm 4 lần trả mỗi tháng", Hayama nói. Trong khi đó, bà kiếm được 55 USD tiền mặt chỉ với 70 phút làm gái gọi, một nửa chia cho chủ môi giới.

"Chúng tôi phải chật vật nuôi sống bản thân qua ngày. Tôi lúc nào cũng rỗng túi", Hayama than thở.

An sinh xã hội kém

Ly hôn, chồng thất nghiệp, nợ nần, là lý do khiến nhiều phụ nữ tuổi trung niên lâm vào cảnh đói nghèo phải đi bán thân, các chuyên gia kết luận. Họ là nạn nhân của hai yếu tố, một là mô hình gia đình truyền thống sụp đổ, khi mà người vợ phụ thuộc quá nhiều vào người chồng - lao động chính trong gia đình; hai là sự yếu kém của hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Akiko Suzuki, nhà tâm lý học kiêm chủ tịch Mạng lưới Chống đói nghèo Kanagawa nhận xét theo mô hình truyền thống, các khoản an sinh xã hội, bảo hiểm, trợ cấp cho người phụ thuộc của phụ nữ Nhật Bản gắn chặt với công việc của chồng.

Tuy nhiên, mô hình này đã lỗi thời trong xã hội ngày nay, ông Suzuki đánh giá. Tỷ lệ ly hôn trong hai thập niên gần đây tăng vọt, nhiều công ty đã cắt giảm phúc lợi cho gia đình của nhân viên trong bối cảnh nền kinh tế chậm tăng trưởng.

"Một khi tách rời khỏi chồng, những phụ nữ này sẽ nhận được cực ít hỗ trợ", Suzuki nói. Ông đang tham gia một dự án tư vấn miễn phí cho người hành nghề mại dâm ở Nhật Bản.

Trong khi đó, chính phủ vẫn thắt chặt hầu bao vào giáo dục công, chỉ sử dụng 3,5% GDP năm 2012 cho giáo dục, đứng vị trí 32 trong số 34 quốc gia phát triển thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Điều này khiến các bà mẹ đơn thân phải hy sinh sức khỏe để làm việc, kiếm tiền cho con học lên đại học, ông Suzuki nhận định.

Vì thế, fuzoku trở thành cái bẫy hấp dẫn cho những phụ nữ độc thân sau ly hôn hay những bà vợ có chồng thất nghiệp. Một số chủ kinh doanh còn tạo điều kiện cho nhân viên như cung cấp chỗ ở, giúp tìm nhà trẻ.

"Theo một cách riêng, họ hỗ trợ phụ nữ những thứ mà xã hội này không thể cung cấp", ông nói.

Rủi ro

Chấp nhận làm nghề này, phụ nữ Nhật Bản phải đối mặt với nhiều rủi ro, bao gồm cưỡng hiếp, bị quấy rối, phát tán bôi nhọ hình ảnh và mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.

"Rủi ro của nghề này rất lớn, đây là điều không thể nghi ngờ. Trong trường hợp xấu nhất, còn có thể mất mạng nữa", Akinori Saito nói. Ông là giám đốc một chuỗi cung cấp dịch vụ thành lập năm 2009, phục vụ đàn ông có bệnh tâm lý thiếu thốn tình thương của mẹ.

Saito, 48 tuổi, chủ một chuỗi cung cấp gái gọi ở Tokyo. Ảnh:Japan Times

Chuỗi có 500 nhân viên, chỉ tuyển phụ nữ từ 40 tuổi trở lên và đa số là người có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người là mẹ đơn thân. Saito, 48 tuổi, cấm nhân viên mang chứng minh thư theo khi đi gặp khách, cũng như không được phép cho khách số liên lạc. Ông lưu dữ liệu từng khách hàng vào máy tính để quản lý họ tốt hơn.

Để bảo vệ sức khỏe của nhân viên, tháng nào Saito cũng bắt họ phải đi khám kiểm tra các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và công bố hồ sơ khám trên trang web. Bất kỳ người nào phạm lỗi quan hệ có giao hợp để kiếm thêm tiền sẽ bị đuổi việc ngay lập tức.

Mặc dù đã hết sức cố gắng, nhưng nhiều nhân viên của Saito vẫn không tránh khỏi trở thành nạn nhân của kẻ hiếp dâm. Họ quay lại văn phòng, máu chảy dọc xuống đùi.

"Phụ nữ luôn phải đối mặt với một vài loại hình tội phạm. Chúng tôi không thể loại bỏ hết rủi ro, chỉ có thể giảm thiểu", Saito nói.

Kỳ thị

Một buổi sáng cuối tuần tháng 7, Yamaguchi và Hayama cùng tham dự chương trình tư vấn miễn phí do White Hands, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố Niigata tổ chức hàng tháng.

Luật sư và các nhân viên xã hội tư vấn cho họ trong một căn hộ nhỏ giữa trung tâm Ikebukuro nhộn nhịp mà vào ngày thường, đây là phòng khách chung, nơi những người làm nghề gái gọi như Yamaguchi hay Hayama hay ngồi đợi khách.

Dự án tư vấn có tên Fu Terasu (Chiếu đèn vào Fuzoku) với nỗ lực cung cấp hỗ trợ tài chính và trợ giúp pháp lý cần thiết cho những người phụ này.

"Viên chức chính phủ hay luật sư lâu nay thường tư vấn theo kiểu 'cô nên bỏ việc này ngay lập tức', bởi vì theo quan điểm của họ fuzoku là không thể chấp nhận được", Shingo Sakatsume, giám đốc White Hands cho biết.

Luật sư Reia Tokuda (trái) và nhân viên xã hội Hirofumi Okikawa đang lắng nghe một phụ nữ làm nghề gái gọi kể về khó khăn tài chính trong buổi tư vấn miễn phí hôm 2/7/2016. Ảnh:Japan Times

Ông chỉ trích thái độ trên là ngạo mạn, nhấn mạnh người làm công tác xã hội cần duy trì thái độ không phán xét và tuân thủ nguyên tắc đó để đưa ra những lời khuyên mang tính xây dựng.

"Chúng tôi không tán thành cũng không bác bỏ việc những người phụ nữ này làm. Chúng tôi chỉ lắng nghe và tìm ra giải pháp cải thiện tình hình cho họ", ông nói.

Kaoru Aoyama, giáo sư xã hội học, đại học Kobe, người nhiều năm nghiên cứu về ngành công nghiệp tình dục, đồng tình với Sakatsume.

Theo bà Aoyama, tại Nhật Bản, thái độ kỳ thị, coi người hành nghề mại dâm bị ngược đãi, lạm dụng và cưỡng ép là chuyện đương nhiên đã ăn sâu vào quan niệm công chúng, không thể xóa nhòa.

"Việc gắn mác đây là ngành công nghiệp quỷ dữ, phục vụ vô điều kiện khiến phụ nữ mất đi lòng tự trọng và 'quyền thương lượng' khi thảo luận với khách hàng hoặc nhà tuyển dụng và làm suy yếu vị thế của họ", bà nói.

"Chúng ta cần tập trung làm thế nào để tăng cường những biện pháp hỗ trợ chống đói nghèo trong xã hội, cứu giúp những phụ nữ bất đắc dĩ phải đi vào con đường này", bà bày tỏ.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích