|
Một khách hàng đang được nhân viên hướng dẫn sử dụng máy quay lén (ảnh cắt từ clip). |
Việc Bộ Công an đưa ra dự thảo trình Chính phủ về quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị... được kỳ vọng sẽ chế ngự được tình trạng “loạn” thị trường thiết bị quay lén, nghe lén.
Hiểm họa khôn lường
Không quá khó, chỉ cần thao tác đơn giản từ trang Google, với từ khóa “máy quay lén, nghe lén, ghi âm”, ngay lập tức xuất hiện hàng loạt các thông tin về những loại mặt hàng này với hàng chục chủng loại. Có thể thấy đủ loại máy nghe lén như: Con chuột máy tính, kính, bút, ổ cắm điện, sạc pin... và rất nhiều thiết bị khác có định vị toàn cầu. Trên các trang được quảng cáo này, các thiết bị quay lén, nghe lén được giới thiệu có giá từ 850.000 đồng đến khoảng 4 triệu đồng. Dưới và trên cùng của trang mạng (website) cũng công khai địa chỉ, email, số điện thoại liên lạc...
Lần theo số điện thoại trên trang website (www.dientu9x.com), chúng tôi gọi để mua sản phẩm loại máy quay lén. Tuy nhiên, địa điểm ghi trên trang này đã được chủ website thay đổi. Đầu dây điện thoại chỉ cho chúng tôi đến một “cửa hàng” kinh doanh thiết bị ghi âm, ghi hình, quay lén tại một tòa nhà chung cư ở khu đô thị Nam Trung Yên. Khi chúng tôi đến có một nam nhân viên mở cửa. Lúc này, chúng tôi có hỏi về cửa hàng bán máy quay lén, nhân viên này nhắc khéo “ở đây rồi, sao anh nói to vậy”.
Khi yêu cầu mua một máy nghe lén có chức năng ghi âm, định vị, quay phim X009, một nhân viên nam mang ra. Người này giới thiệu, đây là một trong những thiết bị nhỏ gọn, khó có thể phát hiện được. Theo lời của người này, nhiều chiếc máy quay lén mini đắt tiền, thậm chí còn bắt được wifi, người quay có thể theo dõi hình ảnh mình cần quay và đặt máy quay cố định ở bất cứ chỗ nào.
Tại đây còn có cả bút quay có giá 1,2 triệu đồng, máy quay lén mini có giá 1,5 triệu đồng, camera IP siêu nhỏ wifi V99 trị giá 3,3 triệu đồng... Ngoài những thiết bị nêu trên, các chủ cửa hàng cho biết thị trường hiện còn có một số thiết bị quay lén khác như cúc áo, đồng hồ đeo tay, đồng hồ để bàn, móc đeo chìa khóa...
|
Một số thiết bị quay lén, nghe lén được quảng cáo bán trên mạng. |
Nguy hiểm hơn, không ít kẻ xấu sử dụng các thiết bị nghe lén, quay lén hoạt động đời tư sau đó về chỉnh sửa tung lên mạng để triệt hạ nhau hoặc mục đích tống tiền. Thực tế, cơ quan công an đã từng triệt phá nhiều vụ án tống tiền mà các đối tượng phạm tội sử dụng clip nhạy cảm để đe dọa nạn nhân.
Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ, điển hình là vụ Cty Việt Hồng công khai quảng cáo sản phẩm phần mềm Ptracker và đã thực hiện giám sát hơn 14.000 tài khoản điện thoại di động, cho phép đối tượng thuê dịch vụ phần mềm Ptracker của Cty Việt Hồng để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật… Ngoài ra, Bộ Công an đã xác định có ít nhất 24 cá nhân, tổ chức có hành vi công khai quảng cáo, buôn bán thiết bị và cung cấp các dịch vụ tương tự như Cty này.
Từ ngày 7.4.2017, dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an chủ trì xây dựng được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của bộ này tại địa chỉ: mps.gov.vn để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng. Theo đó, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Tuy nhiên, có một nội dung đáng lưu ý trong dự thảo tại khoản 3, Điều 4 “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
Hạn chế quyền hành nghề hợp pháp
|
Các thiết bị quay lén, nghe lén được nhân viên để phía trong, khi nào khách hàng cần thì họ mang ra. |
Trao đổi với PV, ông Trần Bá Dung - Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng, trong dự thảo có một số điều chưa phù hợp, nhất là đối với hoạt động báo chí. Trước hết, cần tách biệt điều kiện kinh doanh với quy định sử dụng thiết bị (ở đây không đề cập phần mềm ngụy trang vì có thể được hiểu với mục đích sử dụng khác) dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
Liên quan đến cấm người sử dụng, việc giới hạn như trong dự thảo, trong đó có nhà báo sẽ chồng chéo với Luật Báo chí. Điều 9 Luật Báo chí quy định Các hành vi bị nghiêm cấm, đối với nhà báo, họ đã chịu chế tài với các hành vi như tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật…
Như vậy, quy định trong dự thảo về hạn chế đối tượng sử dụng thiết bị,…dùng để ghi âm, ghi hình, định vị, trong đó có nhà báo, vì sợ gây phương hại an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, đối với nhà báo là không cần thiết và không hợp lý, hạn chế quyền hành nghề hợp pháp.
Mặt khác, theo ông Dung, tại Điều 13 của Luật Báo chí cũng đã nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Tại khoản 1 quy định, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.
Trong đó, báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong giám sát, phản biện xã hội, điều tra, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phải có được những thông tin mà cách thông thường không có được. Nếu nhà báo lấy thông tin bằng các hành vi vi phạm pháp luật thì đã được điều chỉnh bằng Luật Báo chí.
Khoản 2 Điều 13 quy định, báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Còn việc xâm phạm bí mật đời tư, an ninh quốc gia cũng đã có các luật khác điều chỉnh.
Theo Lao Động