Tổng thống Pháp đắc cử Emmanuel Macron mang lại hy vọng mới cho châu Âu. Ảnh: Reuters |
“Ánh sáng” mới cho châu Âu
Cơ cấu chính trị của châu Âu bước vào năm 2017 trong tình trạng khủng hoảng: Nước Anh đã trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) từ sáu tháng trước và Mỹ chọn tân Tổng thống là người tỏ ra đối nghịch với những kế hoạch lớn và những giá trị mà châu Âu hướng tới.
Brexit và Donald Trump đại diện cho các lực lượng hướng tới sự bất bình đẳng về kinh tế và nhập cư, tạo mối đe dọa cho châu Âu trong thời điểm các quốc gia lớn nhất châu lục này đang tổ chức bầu cử chọn người lãnh đạo mới.
Nguy cơ lớn nhất trong tất cả là nước Pháp, một quốc gia có nền kinh tế ảm đạm, đang rơi vào sự mâu thuẫn lịch sử giữa EU và một chính trị gia, cựu Chủ tịch Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen, người dường như có thể nắm bắt được những lo ngại của cử tri.
Tuy vậy, vào ngảy Chủ nhật (7/5), Le Pen đã bị đánh bại bởi Emmanuel, một ứng viên trung dung 39 tuổi.
Macron kêu gọi người Pháp nắm bắt chứ không phải từ chối toàn cầu hóa. Hơn thế, ông thề sẽ liên kết với Đức để tái lập Liên minh châu Âu, một tổ chức từng được tôn vinh như nhà bảo trợ hòa bình và thịnh vượng, nhưng hiện nay đang phải vật lộn tìm kiếm “lý do tồn tại” sau nhiều năm khủng hoảng.
“Chiến thắng của Macron thể hiện sự bù đắp cho châu Âu và các giá trị dân chủ tự do đã tồn tại hơn nửa thế kỷ qua”, trích Reuters.
Những viễn cảnh của cơn ác mộng về ngày tàn của EU vào hồi đầu năm 2017 đã không thành hiện thực. Châu Âu có cơ hội khác. Đó là thông điệp chính từ chiến thắng của Macron và mọi người thấy được điều đó từ phản ứng của người châu Âu khi kết thúc cuộc bầu cử.
“Hoan hô Tổng thống Macron! Châu Âu có hy vọng rồi!”, Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni đăng trên Twitter.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi đó là chiến thắng cho một “châu Âu thống nhất” và tình bạn giữa Đức và Pháp.
|
Người Pháp ăn mừng trước chiến thắng của ông Macron. |
Nguy cơ vẫn chưa kết thúc
Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu ngày Chủ nhật tuần trước cũng là một cảnh báo. Mặt trận Quốc gia của Le Pen giành được gần 35% số phiếu bầu, gần như gấp đôi sự ủng hộ mà cha bà, Lean-Marie, có được vào năm 2002, nhưng cũng đủ khiến đất nước chao đảo vào thời điểm đó.
So với 15 năm trước, rõ ràng bà Le Pen nắm giữ nhiều lợi thế hơn. Vào đêm 7/5, bà Le Pen phát biểu trước Paris và kêu gọi “tất cả những người yêu nước” cùng bà chống lại vị Tổng thống mới.
Nigel Farage, cựu lãnh đạo đảng UKIP của Anh và là nhà vận động cho Brexit, cho biết, nhiều người châu Âu có thể đã nghĩ đến việc phá hoại không khí vui mừng vào đêm ngày bầu cử. “Nếu Marine tận dụng điều đó, cô ấy có thể giành chiến thắng vào năm 2022”, Farage nhận định.
Macron và các nhà lãnh đạo châu Âu khác phải đối mặt không ít thách thức đáng gờm trong 5 năm tới để ngăn chặn viễn cảnh đó, theo Reuters.
Về phần tân Tổng thống Pháp đắc cử, Macron phải đoàn kết một đất nước bị chia rẽ sâu sắc và cam kết vực dậy nền kinh tế đang tụt dốc bằng cách tạo việc làm cho người trẻ tuổi, cũng như mang đến hy vọng cho những người nhập cư ở ngoại ô các thành phố lớn trong nước.
“Macron có từ 12 – 15 tháng để có những quyết định cần thiết cho thấy các lợi ích rõ ràng trước khi kết thúc nhiệm kỳ”, một quan chức cao cấp Đức giấu tên tuyên bố.
Theo Tiền Phong