Chè 'đợi' khiến nhiều người thành phố muốn ăn phải kiên nhẫn tột cùng

Thứ hai, 08/05/2017, 15:08
Dù khách có đông đến mấy, chủ quán vẫn luôn múc chè một cách từ từ, cẩn thận, thậm chí có lúc còn quên luôn cả việc bán cho khách đã đợi khá lâu.

Quán chè luôn luôn đông khách đứng “đợi” từ lúc mở cửa cho đến khi bán hết

Sài Gòn vào mùa mưa, những chiều tan tầm chen chúc giữa đám đông xe, người và cả khói bụi, cái se lạnh của cơn mưa rào dễ khiến người ta thấy thèm được ăn món gì đó nong nóng, ngọt ngào.

Nghĩ là làm ngay, tôi tấp xe vào một quán chè trên đường để thỏa mãn việc được bưng trên tay chén chè nghi ngút khói và hít hà mùi nước đường thơm lừng.

Ngoài chè, quán còn bán rất nhiều loại bánh như bánh chuối, bánh da lợn, bánh bò...

Quán chè nhỏ xíu, bề ngang chỉ tầm 2m2, nằm lọt thỏm trong căn nhà số 48 Lý Chính Thắng (quận 3). Một điều thú vị là quán không có bàn, chỉ vỏn vẹn đúng 3 chiếc ghế nhựa nhỏ, khách cứ ai đến trước ngồi trước, ai đến sau thì…”đợi” để ngồi.

Trên những bục gỗ nhỏ, chủ quán bày biện gần 20 nồi chè khác nhau, nào là chè khoai môn nước cốt dừa, bà ba, thưng, trôi nước, đậu xanh… Chè ở đây ăn theo kiểu chè nóng, không bỏ đá nên được nấu ngọt vừa phải, dù khách ăn 2 hoặc 3 chén vẫn không cảm thấy ngán. Ngoài chè, quán còn bán thêm xôi vò, bánh ít trần và bánh bao kim sa.

Quán có gần như đầy đủ các loại chè quen thuộc ở Sài Gòn như chè trôi nước, chè khoai môn, chè thưng, chè đậu xanh...

Chủ quán là một người phụ nữ tuổi ngoài 50, dáng người hơi gầy và nói rặt giọng miền Tây. Dù quán chè mở bán suốt 28 năm qua nhưng chưa một ai biết chủ quán tên thật là gì. “Có hỏi thì bà chủ cũng không trả lời đâu. Tôi thấy người ta gọi nhiều tên lắm, có người gọi là bà Ba, có người lại gọi bà “đợi”…”, thực khách tên Duyên cho biết.

Cơm rượu bà "đợi" cũng được nhiều thực khách yêu thích

Khi có khách hỏi nơi đậu xe để ăn chè bà chủ sẽ chỉ khẽ nhíu đôi lông mày rồi chậm rãi tiếp tục múc chè, để khách tự tìm chỗ đậu hoặc mua mang về. Vậy mà chẳng ai tỏ vẻ khó chịu, chỉ cười trừ rồi nhẫn nại “đợi”.

Các loại bánh sẽ được che bằng màng bọc thực phẩm để giữ vệ sinh

“Lạnh lùng” vậy, nhưng khi ai đó ngỏ ý muốn biết về các món chè thì bà chủ thay đổi thái độ ngay tắp lự: “Tính tổng hết thì quán có 22 loại chè. Từ khoai lang, khoai môn, chuối, dừa, trôi nước, bột lọc gì tôi cũng tự làm tự nấu hết, chứ mua đồ làm sẵn về nấu nó không vừa ý, tui không bán cho người ta ăn được. Ngày nào cũng nấu từ sáng sớm thì mới kịp bán buổi tối”.

Xôi vò được bán với giá 10 - 15.000 đồng/gói

“đợi” cũng chia sẻ về bí quyết nấu món chè khoai môn, chè bà ba mang mùi vị đặc trưng của quán: “Khoai lang, khoai môn được rửa sạch rồi cắt thành từng lát hình chữ nhật, sau đó hấp đến khi vừa chín tới thì ướp với đường kính khoảng một giờ đồng hồ”.

Trong thời gian chờ đường ngấm vào khoai, chủ quán sẽ đun sôi nước dừa, cho đậu xanh vào nấu mềm rồi thêm đường, tiếp tục cho khoai lang, khoai môn, bột sắn, lá dứa thơm, bột năng vào khuấy đều. “Trung bình mỗi đêm tui bán được hơn 20 nồi chè”, bà thêm.

Giá chè dao động từ 15 – 20.000 đồng tùy món, quán mở bán từ 19 giờ đến 23 giờ mỗi ngày. Và dù khách có đông đến mấy, chủ quán vẫn luôn múc một cách từ từ, cẩn thận, thậm chí có lúc còn quên luôn cả việc bán cho khách đã đợi lâu.

“Chẳng biết vô tình hay là một cách tạo điểm nhất riêng, nhưng mà việc đó cũng giúp quán chè từ chỗ không tên thành có tên độc lạ là chè “đợi”. Phải “đợi” mà chưa chắc được ăn”, thực khách tên An hài hước nói.

Nhiều thực khách chấp nhận ngồi trên xe hoặc đứng ăn tại chỗ
Quán có tổng cộng 22 loại chè và tất cả đều do chủ quán tự nấu theo công thức riêng của gia đình
Quán bán được hơn 20 nồi chè mỗi đêm

Anh Hùng, khách ruột của quán, cho biết: “Tôi ăn chè ở đây cũng gần 3 năm, chè ngon với phần cũng do tiện đường đi làm về nên ghé mua luôn. Riêng tôi thì thấy có chè bà ba, chè khoai môn với bánh bao kim sa là ngon nhất. Món sâm bổ lượng có vẻ không hợp khẩu vị. Giá cả hơi cao so với các quán vỉa hè, nhưng vì ở quận 3 và chất lượng của ly chè thì vẫn chấp nhận được”.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn