Khó ở đâu phải kêu ở đó
Liên quan đến vụ gần 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM hết hạn buộc phải tiêu hủy, gây lãng phí gần 14 tỷ đồng, chiều ngày 9/5, trao đổi với Đất Việt, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng đây là một bài học sâu sắc, cần rút kinh nghiệm từ nhiều bên.
Chia sẻ cụ thể, GS.TS Nguyễn Anh Trí nói rõ: "Quy trình nhập thuốc từ nước ngoài về có nguyên tắc chung, nhưng cũng có đặc thù riêng và tất nhiên TP.HCM sẽ khác với Hà Nội.
Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trực thuộc Bộ Y tế nên chỉ cần thông qua Cục quản lý dược (Bộ Y tế) là có thể nhập thuốc. Mặt khác, khi các cơ quan gần nhau thì quan hệ sẽ gần gũi hơn, gặp nhau nhiều hơn, hiểu được những cái khó của nhau, nên chỉ cần nói cái khó của mình ra là các cơ quan sẵn sàng giúp đỡ nhau xử lý nhanh. Chính vì thế, nên Viện tôi chưa bao giờ vướng vào chuyện quản lý.
Còn Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, nên phải xin giấy tờ qua Sở Y tế TPHCM, UBND TP.HCM, mà quy trình như vậy chắc chắc sẽ lâu hơn, càng qua nhiều khâu thì càng rắc rối".
GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương |
Ở góc độ chuyên môn, ông Trí khẳng định, các thuốc viện trợ nói chung, nhất là các thuốc điều trị bệnh máu, chảy máu thông thường là các thuốc có thời hạn sử dụng không dài, nên các thủ tục cấp phép hiện nay của chúng ta càng rút ngắn lại được bao nhiêu thì càng tốt. Chỉ khi đó thì thuốc mới đến tay người bệnh, cái này là bài học kinh nghiệm.
Nói tóm lại với các thuốc ngắn hạn thì các quy trình này càng nhanh càng tốt, để đưa vào sử dụng cho bệnh nhân.
Tổ chức kê thuốc cho bệnh nhân từ khi biết được viện trợ
Là đơn vị thường xuyên được nhận thuốc viện trợ, ông Trí chia sẻ kinh nghiệm, nếu thuốc về rồi tổ chức sử dụng càng nhanh, càng tốt, đúng đối tượng, đúng liều lượng.
"Kinh nghiệm của Viện tôi, thông thường khi có công ty hay tổ chức nước ngoài thông báo sẽ viện trợ thuốc này, thời hạn sử dụng thế nào, để điều trị bệnh gì, hàm lượng bao nhiêu, thậm chí có nhà tài trợ yêu cầu lô thuốc đó cho đối tượng nào, chúng tôi lên kế hoạch ngay. Nghĩa là thuốc chưa về đã làm xong những việc liên quan đến thủ tục, đó là kinh nghiệm.
Ví dụ được viện trợ 1000 viên thuốc, thuốc điều trị bệnh nào, 1 bệnh nhân được sử dụng tối đa bao nhiêu, có nhà tài trợ yêu cầu phải chờ đối tượng là: bệnh nhân nghèo, bệnh nhân xa, bệnh nhân nặng...
Lúc đó, thuốc về là có thể chuyển cho người bệnh dùng kịp thời ngay, vì chúng tôi biết rất rõ, các thuốc điều trị thời hạn sử dụng rất ngắn, vì thuốc tốt. Còn đợi thuốc về cất vào kho rồi mới đi tìm bệnh nhân thì làm sao kịp thời hạn sử dụng.
Thuốc Tasgina |
Mùng 3 Tết Đinh Dậu vừa qua, tôi có đi dự hội nghị bên Pháp, tại đó, tôi đã được Liên đoàn Hemophilia Thế giới đồng ý tài trợ cho bệnh nhân của chúng tôi một lượng thuốc để chữa trị bệnh chảy máu.
Khi thông báo chúng tôi đã có trong tay số lượng thuốc, họ yêu cầu tài trợ cho đối tượng bệnh nhân ở cả Bắc - Trung - Nam không riêng gì miền Bắc. Nắm bắt được yêu cầu, mùng 6 Tết khi trở về Việt Nam, tôi đã lập tức yêu cầu các cơ sở lập danh sách chuẩn bị nhập thuốc.
Ngày hôm nay (9/5), tôi mới nhận quyết định đồng ý cho nhập thuốc đó về sử dụng cho bệnh nhân của Bộ Y tế và gửi qua bên nước ngoài, sau đó họ sẽ gửi thuốc về.
Với cách làm việc trên, tôi cam đoan thuốc về đến nơi, là chúng tôi sẽ chuyển về cho các cơ sở điều trị theo đúng kế hoạch đã lên từ trước. Bởi vì chúng tôi biết thuốc này chỉ sử dụng trong vòng bao nhiêu tháng là hết hạn, phải hoàn thiện, không có chuyện thuốc hết hạn mà tiêu hủy, quá lãng phí", ông Trí phân tích.
Phải rút kinh nghiệm sâu sắc
Ở góc độ cá nhân, theo ông Trí, việc tiêu hủy gần 20 nghìn viên thuốc đặc trị ung thư là việc làm sai, phải sửa, phải rút kinh nghiệm.
Hiện nay, thứ nhất, Viện Huyết học và truyền máu trung ương là viện hoạt động quy củ, khi có thuốc lập tức bằng nghề nghiệp, kinh nghiệm, nắm được các thuốc viện trợ luôn có thời hạn sử dụng ngắn, nên phải sử dụng ngay cho bệnh nhân.
Thứ hai, Viện có nhiều lợi thế khi ở Hà Nội quen biết nhiều, gặp khó là kêu khó và được xử lý ngay.
Thứ ba, chúng tôi có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao, hàng năm chúng tôi nhận viện trợ cao gấp 100 lần so với Viện truyền máu và huyết học TP.HCM, nhưng chưa lô thuốc nào hết hạn phải hủy bỏ.
Tức là vấn đề tiếp nhận viện trợ gần như phải chuyên nghiệp, thì mới làm được, phải sát sao.
Chính vì thế, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nhấn mạnh: "Bệnh viện đừng đổ hết lỗi cho bên cấp phép thủ tục giấy tờ, đúng là có quá nhiều khâu gây phiền hà, nhưng phía bệnh viện cũng có trách nhiệm, vì họ là đối tượng chủ động đốc thúc tiến độ.
Đáng lẽ, trong văn bản xin cấp phép, phải nói cho cơ quan quản lý biết thuốc này rất đắt, thời hạn sử dụng ngắn, nên giải quyết càng nhanh càng tốt. Thực tế tôi cũng làm như thế.
Quan trọng là cách quản lý, cách làm, hơn nữa, khi Giám đốc Sở Y tế TP.HCM hiện nay GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh - trước đây đã từng công tác làm Giám đốc Bệnh viện truyền máu và huyết học TP.HCM, sẽ không có chuyện gây khó dễ.
Sau sự việc này thì cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, tổ chức việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân trách nhiệm, khoa học hơn".
Theo Đất Việt