Tái chiếm vỉa hè vì mưu sinh

Thứ tư, 10/05/2017, 16:17
Từ cuối tháng 3 đến nay, khi đoàn liên ngành quận 1 (TP.HCM) tạm dừng kiểm tra, xử lý trật tự thì lòng lề đường, vỉa hè ở nhiều tuyến phố trung tâm quận bị tái chiếm trở lại…Trong khi đó, người dân vẫn tiếp tục loay hoay tìm nơi buôn bán, mưu sinh bởi đề án phố hàng rong, chợ phiên cuối tuần vẫn chưa chính thức hoạt động.

Một sạp bán trái cây chiếm vỉa hè trên đường Hai Bà Trưng bị lực lượng chức năng quận 1 xử lý hồi tháng 2/2017 (ảnh nhỏ). Tuy nhiên, ngày 9/5, tại nơi đây vẫn diễn ra cảnh tái chiếm, thậm chí bày bán còn nhiều hơn hồi trước (ảnh lớn).

Tái chiếm tràn lan

Chiều 9/5 PV Tiền Phong ghi nhận  nhiều vỉa hè trung tâm quận 1 (TP.HCM) bị tái chiếm trở lại để kinh doanh buôn bán, đậu dừng xe trái quy định… Đặc biệt nhiều vỉa hè bị tái chiếm trong thời gian dài kể từ khi đoàn liên ngành quận 1 tạm dừng kiểm tra, xử lý lập lại trật tự lòng lề đường từ cuối tháng 3 đến nay.

Trở lại tuyến đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM), hình ảnh xe ôtô đậu trên vỉa hè, hàng hóa người dân bày bán chiếm vỉa hè đang diễn ra tràn lan. Quan sát trên tuyến đường này, mỗi khi có lực lượng chức năng đi kiểm tra, nhiều hộ kinh doanh thu dọn lại để né tránh. Khi lực lượng chức năng đi qua, tình trạng bày bán trên vỉa hè lại tiếp tục diễn ra.

Đáng nói hơn, nhiều vỉa hè ở phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) đang bị tái chiếm một cách công khai, “thách thức” lực lượng chức năng khi bày hàng lạc-xoong (phụ tùng ôtô - xe máy), mũ bảo hiểm, mắt kính, giầy da,…trên vỉa hè từ ngày này qua ngày khác. Cụ thể như vỉa hè trên đường Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình, Phó Đức Chính, Calmette... bày các mặt hàng này bán cả ngày. Nhiều nhất là tại góc đường Phó Đức Chính - Nguyễn Thái Bình, nơi này cách UBND phường Nguyễn Thái Bình chưa tới 500m nhưng người dân vẫn ngang nhiên bày bán nón bảo hiểm tràn lan trên vỉa hè, gây cản trở cho người đi bộ.

Nhiều hàng lạc-xoong tái chiếm vỉa hè, bày bán công khai ở đường Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Bình… 

Xung quanh Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, phía mặt đường Nguyễn Thái Bình tồn tại các gian hàng lạc-xoong chiếm hết vỉa hè bất kể giờ giấc. Khu vực này có khá nhiều du khách nước ngoài, người đi bộ nên việc bày bán trên vỉa hè đã gây cản trở giao thông rất nhiều.

PV Tiền Phong đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo phường Nguyễn Thái Bình qua điện thoại, đến trực tiếp UBND phường đặt lịch làm việc từ giữa tháng 4 đến nay nhưng cũng không thấy hồi âm về hướng giải quyết tình trạng tái chiếm vỉa hè tại đây. Ngày 9/5, Tiền Phong tiếp tục liên hệ UBND phường và được hướng dẫn để lại nội dung làm việc. Sau đó được lãnh đạo phường hướng dẫn gửi nội dung câu hỏi qua email để báo cáo lên quận rồi sẽ trả lời sau.

Ngày 9/5, trao đổi qua điện thoại với ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM) về tình trạng tái chiếm vỉa hè, ông Hải cho biết: “Nếu anh em làm không nổi tôi sẽ xin cấp trên trực tiếp đi chỉ đạo làm vỉa hè tiếp tục”. Trước đó, ông Hải cũng đã khẳng định, thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy TP.HCM, trách nhiệm lập lại trật tự lòng lề đường được giao về cho bí thư, chủ tịch, trưởng công an các phường. Lãnh đạo các phường phải hoàn thành công việc dọn dẹp vỉa hè trên địa bàn của mình. Phường nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ xem xét trách nhiệm của từng lãnh đạo phường đó.

Tại góc đường Nguyễn Thái Bình - Phó Đức Chính (quận 1, TP.HCM) hàng rong bày bán tràn lan.

"Bí” nên phải “liều”?

Hai tuần qua, hai vợ chồng anh Thành bán điểm tâm trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng (gần công viên Lê Văn Tám, quận 1, TP.HCM) không còn cách nào khác là phải vừa bán vừa canh lực lượng chức năng.

Anh Thành thở dài: “Biết là sai nên đang cố gắng nép sát vào lề nhưng vẫn để lại một khoảng trống chừng nửa mét trên vỉa hè để dành lối cho người đi bộ.Giờ mình không buôn bán nữa thì lấy gì mà sống. Nghe các lãnh đạo từ thành phố đến quận này, quận khác hứa sẽ sắp xếp chỗ bán hàng cho những người mua gánh bán bưng nhưng chờ hoài có thấy đâu. Bán ngày nào xào ngày đó, nghỉ một ngày là hụt tiền một ngày. Còn con cái đi học, tiền thuê nhà, thuốc thang cho mẹ già…”. Anh Thành cũng bảo, mình lấn chiếm vỉa hè để mưu sinh cũng thấy “dị”, nhưng muốn sống thì phải đành làm liều thôi!

Cả tuần qua, bà Minh chuyên bán bánh tráng trộn trên đường Nguyễn Thái Bình, cứ chiều đến là lại như người mất hồn. Vừa bán, bà vừa canh lực lượng chức năng. Bán được tới đâu tính tới thôi, chứ chờ tới lúc được sắp xếp chỗ bán như lời nói của quận thì bây giờ lấy gì để sống - bà Minh sụt sùi.

Vừa chờ chị Vũ Thị Hải múc tô bún bò thơm lừng, nóng hổi, tôi dò hỏi: “Sao chị không vào chợ hoặc những khu hàng rong bán hàng cho ổn định?”. Chị Hải lắc đầu: “Vào đó tốn kém lắm, phí thuê sạp, phí bảo vệ, phí vệ sinh… Hôm bữa tui cũng tính xin vào bán hàng ở phố hàng rong của quận 1, nhưng nghe nói phải đóng từ 1 - 2 triệu/ngày nên “thụt” luôn”.

Một công trình xây dựng để chiếm hết vỉa hè trên đường Hàm Nghi.

Để ổn định, tạo điều kiện cho người dân buôn bán hàng rong mưu sinh, UBND quận 1 (TP.HCM) đã triển khai nhiều giải pháp để giải quyết lao động cho những người buôn bán trên vỉa hè như dạy nghề miễn phí; cho vay vốn để phát triển các ngành nghề, hỗ trợ việc làm... TP.HCM cũng đã đồng ý về mặt chủ trương cho quận tổ chức khu buôn bán tập trung theo giờ, có kiểm soát quản lý an toàn thực phẩm, giá cả và trang bị bảo hộ lao động, đảm bảo mỹ quan, tạm gọi là phố hàng rong.

Cụ thể, trong các ngày 22 - 23/4 và 29 - 30/4, tại công viên bến Bạch Đằng đã diễn ra chợ phiên cuối tuần khá hoành tráng. Thế nhưng, chỉ mở được hai tuần (thứ bảy, chủ nhật), nơi đây đã đóng cửa. Lý do được đưa ra là mới làm thử nghiệm, và chưa xác định được thời gian mở lại (?!).

Để kiểm tra, PV đã liên hệ với Cty TNHH TMDV Phan Thành, đơn vị phối hợp tổ chức chợ phiên cuối tuần ở công viên bến Bạch Đằng, được nhân viên phụ trách đăng ký gian hàng cho biết chợ phiên đã tạm dừng hoạt động và chưa biết khi nào mở lại. Trong khi đó, trên đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1) được UBND quận 1 xem xét sẽ tổ chức cho người dân buôn bán hàng rong vào đây buôn bán tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy diễn ra.

“Nếu anh em làm không nổi tôi sẽ xin cấp trên trực tiếp đi chỉ đạo làm vỉa hè tiếp tục”.

Phó Chủ tịch UBND quận 1, Đoàn Ngọc Hải

"Giờ mình không buôn bán nữa thì lấy gì mà sống. Nghe các lãnh đạo từ thành phố đến quận này, quận khác hứa sẽ sắp xếp chỗ bán hàng cho những người mua gánh bán bưng nhưng chờ hoài có thấy đâu. Bán ngày nào xào ngày đó, nghỉ một ngày là hụt tiền một ngày".

Anh Thành, người bán điểm tâm trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn