Tỉnh đã có nhiều biểu tượng
Tiếp tục chia sẻ về việc Thái Bình đang hoàn tất các thủ tục để tiến hành khởi công xây dựng một toà tháp 25 tầng (gồm 5 tầng đế, 19 tầng thân và tầng đỉnh), cao 162m với mức đầu tư gần 300 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, trao đổi với Đất Việt, nhiều người dân Thái Bình khẳng định cần phải cân nhắc thận trọng dự án này.
ThS Tô Quốc Thanh (quê Hưng Hà), hiện đang là giảng viên một trường Đại học tại Hà Nội cho rằng, UBND tỉnh Thái Bình chưa cần thiết phải xây dựng tòa tháp cao lớn, có thể nói nhất vùng để thể hiện biểu tượng của tỉnh.
Theo anh Thanh, hiện nay những con đường quốc lộ, trường học hay nhiều dịch vụ nằm trong phạm vi tỉnh quản lý còn xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được sửa chữa, thay thế.
Phối cảnh tổng thể tháp Thái Bình 300 tỷ đồng |
“Ý tưởng xây dựng tòa tháp 300 tỷ thể hiện ý nghĩ phô trương quá mức. Biểu tượng của Thái Bình là gì?. Thái Bình được biết đến là vựa lúa lớn của cả nước, là nơi có nghệ thuật chèo nổi tiếng. Ngoài ra còn được biết đến với nhiều anh hùng và trạng nguyên có ở mọi thời kỳ.
Theo tôi, có nhiều cách thể hiện biểu tượng này. Với cá nhân tôi, thay vì xây tòa tháp, tỉnh hoàn toàn có thể xây dựng một sân khấu chèo hay trung tâm nghiên cứu nông nghiệp lúa nước… Như vậy cũng rất ý nghĩa”, anh Thanh chia sẻ.
Nhìn nhận tổng thể ý nghĩa công trình và số tiền 300 tỷ bỏ ra, anh Thanh cho rằng đây không phải là cách hay để tưởng nhớ về quê hương khi điều kiện của tỉnh còn nhiều khó khăn.
“Bản thân học tập xa quê hương, xây tòa tháp cao như vậy là quá tốn kém trong khi điều kiện chung của tỉnh chưa cho phép. Đây cũng không phải là cách tưởng nhớ về quê hương”, anh Thanh nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Kim Đông (27 tuổi, Kỹ sư xây dựng, quê Thái Bình), hiện đang sống và làm việc tại An Giang cũng khẳng định chưa cần thiết xây tháp vào thời điểm này.
Anh Đông cho rằng, Thái Bình hiện vẫn còn là một tỉnh nghèo. Thay vì xây tháp hoành tráng có thể dùng số tiền đó vào công tác xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ những người neo đơn nghèo khổ hay đầu tư vào giáo dục, y tế, môi trường để cuộc sống người dân tốt hơn.
“Ở Thái Bình có chùa Keo lâu nay cũng là một biểu tượng đẹp của tỉnh. Chùa cũng có lịch sử lâu đời và cũng gần như nguyên vẹn về kiến trúc. Nó không những đẹp ở tỉnh mà cũng là một trong những kiến trúc chùa đẹp, độc đáo trong nước.
Vì vậy tôi cho rằng không cần thiết phải tạo thêm biểu tương của Thái Bình. Thay vào đó tập trung bảo tồn, tuyên truyền, đưa hình ảnh chùa Keo biểu tượng bấy lâu nay được nhiều người biết đến hơn để tạo ra một điểm du lịch văn hóa tâm linh.
Để tạo nên môt biểu tượng cũng không cần thiết phải xây tháp. Chỉ là một bài hát như “Nắng ấm quê hương” cũng là một niềm tự hào về tinh thần của quê hương”, anh Đông nhấn mạnh.
Kiến trúc chưa xứng với công trình
Là người làm trong ngành xây dựng, nhìn nhận ở góc độ kiến trúc cảnh quan, anh Nguyễn Kim Đông đánh giá công trình không đẹp mà có phần thô cứng khi các phối cảnh không ăn nhập vơi nhau.
Theo anh Đông, ở dưới chân tháp có phần mang dáng vóc hiện đại. Phần thân và đỉnh mang kiến trúc cổ dẫn đến sự không hài hòa về kiến trúc cũng như màu sắc.
“Tôi thấy tháp thật sự xấu và không tạo nên biểu tượng gì của quê hương cả. Đây chỉ đơn thuần là công trình xây dựng bình thường, chỉ tạo ấn tượng bởi quy mô của nó.
Khi quyết định xây tòa tháp, tỉnh nên mở một gói thầu tư vấn thiết kế có sự tham gia của nhiều nhà thầu tư vấn thiết kế, KTS cùng với một hội đồng xét duyệt có chuyên môn và công khai. Nếu có thể thì nên tổ chức bình chọn lấy ý kiến từ người dân, xem nhà tư vấn thiết kế nào có ý tưởng kiến trúc nào đẹp nhất, ý nghĩa nhất, phù hợp nhất để xây dựng.
Nhìn vào quy mô của dự án thì số tiền 300 tỷ thật sự cũng không phải quá lớn. Hơn nữa đây là nguồn vốn xã hội hóa, nên nhà đầu tư chắc chắn cũng cân nhắc kỹ lưỡng số bỏ ra”, anh Đông nêu quan điểm.
Trong khi đó, chị Lê Thu T. (nhân viên văn phòng, quê TP.Thái Bình), cũng đề nghị tỉnh cân nhắc thật kỹ lưỡng khi xây dựng tòa tháp với vốn đầu tư lên tới 300 tỷ đồng.
Chị T. cho biết, ý tưởng xây tháp 300 tỷ, tạo ra một trung tâm vui chơi giải trí của tỉnh cũng là một đề xuất hay. Tuy nhiên xây làm sao tạo ra một công trình có kiến trúc đẹp làm một biểu tượng của tỉnh Thái Bình, đồng thời hiệu quả về kinh tế, xã hội là cả vấn đề khó.
“Vị trí địa điểm xây cũng cần được lưu ý. Vị trí xây làm sao là một vị trí trung tâm thuận lợi cho mọi người đến, cũng như nằm trên cung đường kết nối các điểm du lịch của tỉnh cũng như tỉnh khác để thu hút du khách hơn. Cần có một tính toán kỹ lưỡng về tính hiệu quả kinh tế cũng như hiệu ứng văn hóa xã hội, thúc đẩy dịch vụ, giải trí tạo động lực phát triển kinh tế.
Cần cân nhắc để làm sao khi xây tháp lên nó phải là công trình đẹp được nhiều người đến thăm, vui chơi chứ không phải khai thác không hiệu quả lại bỏ hoang, gây lãng phí trong khi tỉnh còn rất nhiều lĩnh vực cần được đầu tư để thúc đẩy kinh tế”, chị T. kiến nghị.
Theo Đất Việt