Mỹ - Jordan nhăm nhe tiến vào Đông NamSyria
Theo giới truyền thông, Mỹ-Jordan và Syria đang bước vào cuộc chạy đua kiểm soát đường biên giới chiến lược ở khu vực al Tanf (Syria) và al-Walid (Iraq), khi Mỹ và Jordan tập trung binh lực rất lớn ở khu vực tam giác biên giới Jordan - Iraq - Syria.
Việc kiểm soát được khu vực tam giác chiến lược giữa biên giới 3 nước là chìa khóa dẫn đến việc kiểm soát hoàn toàn đường cao tốc Baghdad-Damascus và kết nối với tuyến đường chính của Baghdad-Amman (nối thủ đô của Iraq với thủ đô của Jordan).
Mỹ và Jordan trong vài ngày qua đã tập trung một lực lượng lớn, gồm nhiều đơn vị thiết giáp và không quân, bao gồm cả máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công trên biên giới Jordan-Syria.
Mặc dù Washington và Amman ra tuyên bố rằng, binh lính và trang bị của Mỹ và Jordan được tạp kết ở đây là để tham gia cuộc tập trận song phương thường niên mang tên “Eager Lion”, kéo dài trong vài tuần, nhưng người Syria không tin vào những tuyên bố đó.
Chính quyền Damascus cho rằng, đây là cái cớ để Mỹ và đồng minh xâm nhập vào lãnh thổ nước này. Và Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid Moallem’s đã cảnh báo Jordan vào hôm 8/5 rằng, bất cứ một hành động quân sự nào diễn ra trong lãnh thổ Syria đều sẽ bị Damascus đáp trả như là “một cuộc xâm lăng của kẻ thù”.
Quân đội Mỹ và Jordan trong cuộc tập trận chung Eager Lion 2013 |
Tam giác biên giới này không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của Washington, Amman và Damascus, mà Tehran cũng có một mối quan tâm đặc biệt, vì nó trực tiếp liên quan đến mối quan hệ giữa các thành phố Shiite của Iraq và các dân quân Shiite Iraq chiến đấu ở Syria cho Tổng thống Bashar al-Assad.
Các tin tức tình báo của Syria và tin đưa của giới truyền thông cũng trùng với báo cáo của Mỹ về các vụ xâm nhập của tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo tại các trại tị nạn của người Syria trên biên giới Jordan-Syria và đặc biệt là khu vực biên giới phía Nam Syria-Iraq.
Hồi cuối tháng 3 vừa qua, tin tức của tình báo Mỹ cho biết, giới lãnh đạo IS đã chỉ thị cho các tay súng khủng bố rút bớt lực lượng từ Raqqa (Syria) và Mosul (Iraq) về tập trung tại hai thị trấn nằm ngang nhau ở hai bên biên giới Iraq-Syria (al Qaim-Iraq và Abu Kamar-Syria), cách khu vực al-Tanf (Syria) và al-Walid (Iraq) khoảng hơn 200km.
Đây là địa điểm trước đây chúng đã sử dụng làm điểm tập kết binh lực để tấn công sang Syria hồi tháng 6/2014.
Tuy nhiên, Tehran và Damascus đang lo ngại rằng các báo cáo về việc IS tập trung quân ở khu vực này chỉ là cái cớ để chuẩn bị cho lực lượng Mỹ và Jordan xâm nhập miền Nam Syria và tạo ra một khu vực an ninh do họ kiểm soát, bắt đầu từ điểm cuối là al-Tanf.
Hình ảnh cho thấy Mỹ và Jordan tập trung binh lực lớn ở vùng biên giới Jordan, giáp với al Tanf của Syria |
Để ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm năng như vậy, quân đội Syria cũng tuyên bố huy động binh lực lớn để tiến hành một cuộc tấn công vào các ổ nhóm khủng bố và đối lập ở khu vực Đông Nam đất nước, nhưng thực ra mục đích chính là nhằm ngăn chặn quân Mỹ-Jordan tràn qua biên giới.
Syria tứ bề thọ địch
Vừa qua, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận thiết lập 4 khu vực thu hẹp xung đột là: Tỉnh Idlib (cho đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ); phía Bắc thành phố Homs, khu vực Đông Ghouta ở Damascus và khu vực phía Nam (giáp với biên giới Israel và Jordan).
Tuy đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm vũ trang đối lập ở 4 khu vực này để tập trung lực lượng đối phó với khủng bố IS và al-Nusra. Tuy nhiên, tình hình Syria hiện nay vẫn rất nguy ngập. Quân đội Syria hiện chỉ còn kiểm soát dải đồng bằng mỏng ở phía Tây, giáp với Địa Trung Hải.
Vừa qua, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã mở chiến dịch “lá chắn Euphrates” hậu thuẫn cho nhóm đối lập Quân đội Syria Tự do mở rộng hoạt động quân sự ở phía Đông Bắc Aleppo, đánh chiếm al-Bab - thị trấn chiến lược chia cắt phía Đông và phía Tây tỉnh Aleppo.
Điều này đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ và FSA sẽ kiểm soát gần như toàn bộ hành lang biên giới phía Bắc của Syria, thuộc tỉnh Aleppo, còn lực lượng vũ trang người Kurd đang quản lý tỉnh Đông Bắc là al-Hasakah và đang nỗ lực đánh chiếm thành phố Raqqa.
Tỉnh Tây Bắc là Idlib hiện cũng là mục tiêu tiềm tàng bởi đa số phiến quân tập trung ở đó là khủng bố al-Nusra và Ahrar al-Sam cùng với các nhóm nhỏ liên kết với chúng. Các lực lượng này lại được các địch thủ của Syria như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia hay Qatar chống lưng.
Vừa qua, đã xuất hiện thông tin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tung quân và xe tăng, xe bọc thép sang địa bàn Idlib với danh nghĩa giám sát khu vực an ninh mới được thiết lập này, nhưng trên thực tế, Ankara sẽ tiếp quản các vị trí đóng giữ của al-Nusra để chiếm đất của Syria.
Bản đồ các phân chia khu vực kiểm soát của các lực lượng ở Syria tính đến ngày 5/5/2017 |
Như vậy, toàn bộ dải biên cương phía Bắc của Syria từ Idlib đến Aleppo, Raqqa, al-Hasakah sẽ do các tổ chức đối lập, mà thực tế là các thế lực nước ngoài như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ.
Đại bộ phận khu vực sa mạc phía Đông Syria giáp với biên giới Iraq hiện vẫn nằm trong tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), trong tương lai sẽ là địa bàn giành giật của các bên, không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ hoặc người Kurd có thể đánh chiếm nốt cả vùng nông thôn của tỉnh Đông Bắc là Deir Ezzor.
Ở biên giới phía Nam-Tây Nam, Israel không chỉ muốn nắm chắc cao nguyên Golan mà còn muốn một vùng đệm thuộc 3 tỉnh Quneitra, Daraa và As-Suwayda của Syria để bảo vệ cao nguyên này.
Khu vực này chính là một trong 4 vùng an ninh mà Nga-Iran và Thổ Nhĩ Kỳ mới thiết lập nhưng rất khó để kiểm soát được tình hình, bởi Israel sẽ hậu thuẫn cho các nhóm đối lập hoặc thậm chí là trực tiếp đưa quân vào lập bằng được các vùng đệm này.
Nếu Mỹ và Jordan tiếp tục tung quân vào khu vực phía Đông Nam Syria thì ngoại trừ khu vực phía Tây ra, chính quyền Damascus đang chịu cảnh “tứ bề thụ địch”, rất khó để xoay chuyển tình thế.
Việc Mỹ và các nước trong khu vực trực tiếp đưa quân vào Syria chiếm đất sẽ là hiểm họa khôn lường đối với việc bảo toàn độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Syria.
Theo Đất Việt