Theo ARA News, Riza Altun - một thành viên của Hội đồng điều hành PKK đã chỉ trích nặng nề chính sách của Nga và cho rằng, Moscow muốn sử dụng tình trạng thù địch của Thổ Nhĩ Kỳ đối với người Kurd để giải quyết vấn đề người Kurd Syria.
"Chỉ có một lý do đằng sau chiến thuật của Nga khi họ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào Rojava. Họ muốn sử dụng sự thù hận của Thổ Nhĩ Kỳ đối với người Kurd, buộc người Kurd tuân theo chế độ Assad, đó là chính sách của họ. Đây là một chiến lược rất nguy hiểm và Nga cần phải từ bỏ nó", ông nói.
Ông Altun nói với ANF rằng, Nga đang ở trong mối quan hệ chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, dựa trên những xung đột giữa phương Tây, Mỹ với liên minh của Nga, Syria, Iran tại Trung Đông.
"Trên thực tế, tôi không nghĩ rằng cuộc tấn công gần đây nhất của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurd được thực hiện mà không có sự can thiệp của Nga.
Tôi nghĩ rằng Nga đã cho phép một cuộc tấn công như vậy tại Syria", quan chức PKK nói.
PKK tố Nga chống lưng cho Thổ tại Syria |
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo Nga rằng điều này sẽ không thực hiện được: "Thứ nhất, lấy Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa người Kurd là một sự ảo tưởng. Họ sẽ không đạt được bất kỳ kết quả nào. Thổ Nhĩ Kỳ đã chiến đấu chống lại người Kurd trong 40 năm qua, và người Kurd sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ hai, chiến lược đó là một sai lầm lớn. Người Kurd muốn thành lập tại Syria một liên bang dân chủ. Đây là nhu cầu chính đáng của người Kurd bản xứ tại Syria, họ không phải là lực lượng bên ngoài''.
"Họ (Nga) đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào Jarablus và Bab, và bây giờ họ nói họ sẽ làm tương tự với Efrin. Khi nghĩ về việc này một cách nghiêm túc, chúng ta đang phải đối mặt với một điều khủng khiếp.
Thật không may, đường lối chính trị thực dụng để đạt được các lợi ích ngắn hạn có thể dẫn đến phá hủy một chiến lược lâu dài, và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm", ông nói thêm.
Ông Altun cảnh báo Nga về việc cố gắng đưa Kurd xích lại gần hơn với Chính phủ Syria. "Họ có thể sẽ rất thất vọng trong tương lai. Việc đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria đang làm sâu thêm cuộc khủng hoảng, sự hỗn loạn tại Syria. Đồng thời khiến tình trạng chia rẽ ở Syria trở nên sâu sắc hơn.
Cái gai trong mắt Thổ
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, kế hoạch mới của Euphrates Shield sẽ không bó hẹp tại Syria, nó sẽ rộng hơn và bao gồm cả phần lãnh thổ của ''khủng bố'' (người Kurd) ở Iraq.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từng nhấn mạnh, tình hình đang trở nên tồi tệ hơn ở khu vực Sinjar (Iraq) và nói thêm rằng thành phố này đang có khả năng trở thành "Qandil thứ hai" của Đảng Lao động người Kurd (PKK). Lực lượng người Kurd luôn được coi là một tổ chức khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi đầu tháng 4, RIA Novosti dẫn lời Đại sứ Cộng hòa Arab Syria tại Nga, ông Riyad Haddad cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang đơn phương dịch chuyển biên giới quốc gia vào sâu trong địa bàn khu vực sông Afrin của Syria, thực chất là chiếm đoạt lãnh thổ Syria.
''Thổ Nhĩ kỳ đã lợi dụng khi nước sông Afrin cạn kiệt ở phía Tây - Nam thành phố Zhenderis và dịch chuyển hàng rào dây thép gai đánh dấu đường biên giới giữa hai nước vào sâu lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi coi đây là hành động vi phạm chủ quyền quốc gia của Syria'', Đại sứ Syria nhấn mạnh.
Theo lời Đại sứ Haddad, chính quyền Ankara đã đưa sang tỉnh Idlib của Syria các trang thiết bị quân sự hạng nặng. Ngoài ra, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến vào một số làng trong tỉnh Latakia, đánh chiếm một số quả đồi gần thành phố Afrin thuộc Dikmadash. Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cũng chuẩn bị xây dựng những bức tường ngăn cách phần đất mà Ankara chiếm của Syria.
Bản đồ Syria ngày 8/5 |
Người Kurd được xem là bộ phận dân tộc thiểu số đông đảo nhất tại Iraq và Syria khi lần lượt chiếm đến 20% và 30% dân số tại các nước này. Tại Iraq, họ thậm chí còn có chính quyền bán tự trị riêng cũng như có đại diện chủ chốt trong chính quyền trung ương.
Kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu, cộng đồng người Kurd tại đây đã có nhiều cơ hội hơn để củng cố sức mạnh và sự tự tin của mình. Họ từng bước trang bị quân đội và vạch ra vùng lãnh thổ mà họ tuyên bố chính quyền dân sự của riêng mình tại Syria.
Đảng Liên hiệp dân chủ người Kurd ở Syria (viết tắt là PYD) là thành phần chính trị quan trọng nhất trong cộng đồng người Kurd tại nước này. PYD được cho là có mối quan hệ khá sâu sắc với PKK.
Trong khi đó, Mỹ chính là nhân tố quan trong trong việc hỗ trợ người Kurd Syria trong cuộc chiến chống IS. Điều này càng làm tăng thêm mối lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ rằng sự yểm trợ của Mỹ có thể gia tăng sức mạnh của người Kurd, biến họ thành mối đe dọa đối với không chỉ IS mà còn với cả Ankara.
Đối với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, PKK và PYD đều là các lực lượng khủng bố gây nguy hiểm đến sự tồn vong của họ. Ankara lo ngại rằng những gì người Kurd đang đạt được tại Iraq và Syria sẽ thúc đẩy họ thiết lập nên một quốc gia cho riêng mình.
Theo Đất Việt