Xin có mấy dòng giới thiệu ngắn: Chuyên gia lĩnh vực địa - chính trị và xung đột, Thượng tướng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục hợp tác quân sự quốc tế BQP LB Nga (1996-2001), Chủ tịch Viện HL các vấn đề địa chính trị, TS khoa học lịch sử, GS Trường MGIMO. (Chúng tôi đã nhiều lần giới thiệu các bài viết của ông).
Sau đây là nguyên văn:
Thượng tướng Leonhid Ivanshov |
Ngày thứ 4 (3/5/2017), Bộ Tổng tham mưu Liên Bang Nga ra tuyên bố về việc Mỹ đang chuẩn bị cho một đòn tấn công hạt nhân tiềm tàng bất ngờ nhằm vào Nga.
Theo tuyên bố tại cuộc họp báo của Phó Chủ nhiệm thứ nhất Tổng cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga Trung tướng Victor Poznhikhir thì các căn cứ NMD của Mỹ tại Châu Âu và các tàu chống tên lửa sát biên giới Nga “đang hình thành một thành tố bí mật cực mạnh” để chuẩn bị cho một đòn tấn công tên lửa hạt nhân có thể xảy ra.
Victor Poznhikhir không nói thêm được điều gì mới. Đơn giản là trước kia điều đó (Mỹ chuẩn bị đòn tấn công hạt nhân ) được nhắc tới một cách ấp úng, còn bây giờ, cuối cùng cũng đã được nói ra một cách mạch lạc rõ ràng hơn.
Để làm được điều đó (tiến hành đòn tấn công hạt nhân), người Mỹ đã triển khai hệ thống NMD toàn cầu và hệ thống phòng thủ chống tên lửa chiến trường nhằm vô hiệu hóa trước hết là các tên lửa đạn đạo – phương tiện mang chủ yếu tiềm lực hạt nhân chiến lược của Nga và sau đó là (tên lửa đạn đạo) của Trung Quốc.
Những gì mà Mỹ đang triển khai ở Châu Âu, được giữ bí mật, ở đó, kể cả người Ba Lan lẫn người Rumania đều không được phép tiếp cận.
Họ (người Mỹ) đang chế tạo các tổ hợp phóng quy chuẩn để có khả năng phóng các tên lửa thế hệ trước, và cũng có thể phóng các tên lửa có cánh lớp “đất đối đất” hiện đại. Những tên lửa này có tốc độ siêu âm, bay bám theo địa hình, có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Chính vì thế mà ở đây đã hình thành một công thức trong khuôn khổ đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu – vốn hiện đang là cốt lõi của chiến lược quân sự Mỹ, - đối phương (Mỹ) dự định loại khỏi vòng chiến đấu phần lớn các phương tiện (vũ khí) của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga và tiêu diệt chúng.
Còn nếu như nước Nga quyết định sử dụng tiềm lực hạt nhân còn sót lại để đánh đòn trả đũa, thì khi đó người Mỹ hy vọng sẽ đánh chặn được các tên lửa khi chúng mới được phóng và khi đang bay trên quỹ đạo, thậm chí là cả các khối tác chiến sau khi tách và bằng cách đó vô hiệu hóa đòn tấn công vào nước Mỹ.
Đây là một thực tế mà các chuyên gia đã nói đến từ lâu, kể từ khi (Tổng thống Mỹ) Bush vào ngày 18/1/2003 đặt bút ký các chỉ thị về chiến lược (đánh) đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu và về việc triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa trên quy mô lớn. Cái này không có gì mới. Đơn giản là bây giờ Poznhikhir mới được phép kêu to lên như thế thôi.
Nước Nga cần phải làm gì? Cần phải hiểu là ưu thế đang ở phía Mỹ. Chúng ta giải giáp suốt trong một phần tư thế kỷ, bởi vì nền tảng để xây dựng chính sách chính thức là nhận định cho rằng chúng ta không có kẻ thù.
Trong khi đó Mỹ liên tục tăng ngân sách quốc phòng, tăng cường sức mạnh quân sự. Và hiện nay chúng ta coi việc người Mỹ đang huấn luyện phi công các nước NATO không sở hữu vũ khí hạt nhân cách ném bom hạt nhân Mỹ là một dấu hiệu của một cuộc chiến tranh trong tương lai, kể cả chiến tranh hạt nhân.
Và, tất nhiên, Mỹ hiện đang lôi kéo cả người Anh, kể cả các đồng minh khác của mình tham gia. Chính vì thế mà chúng ta cần phải đáp trả.
Vâng, cần phải chuẩn bị hệ thống phòng thủ chống tên lửa riêng của mình, nhưng chúng ta không thể triển khai hệ thống đó một cách nhanh chóng được, nó (hệ thống đó) đắt đỏ và cần nhiều thời gian (để triển khai).
Chúng ta cần phải đặt lãnh thổ Mỹ trong tầm ngắm và duy trì một cụm tàu mang tên lửa có cánh lớp “Calibr” ở một khu vực nào đấy trong cự ly phóng tới lãnh thổ Mỹ và triển khai một cụm không quân cũng ở khu vực đó.
Và một điều quan trọng nữa – tích cực bàn bạc với Trung Quốc về hệ thống cảnh báo chung đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ. Chúng ta đã tư vấn với người Trung Quốc và tiến hành các buổi hội thảo từ những năm 90.
Người Trung Quốc cũng hiểu mối nguy hiểm. Trước đây, trong khuôn khổ nhóm “Bộ ngũ” Thượng Hải, chúng tôi, những quân nhân (của những nước) thành lập tổ chức hợp tác Thượng Hải, chúng tôi đã đưa ra các thông cáo chung về mối đe dọa từ hệ thống NMD Mỹ.
Và trên tờ báo “Quang minh nhật báo“ Trung Quốc đã nhiều lần đăng các bài báo về sự cần thiết (phải thành lập) một liên minh trong tổ chức hợp tác Thượng Hải hoặc là một liên minh Nga - Trung để đối đầu chính với mối đe dọa quân sự như vậy từ Mỹ.
Còn hiện nay, tình hình đã căng thẳng hơn nhiều nên chúng ta (Nga) buộc phải dũng cảm hơn và thể hiện tính chủ động hơn trong vấn đề chống lại cuộc xâm lược của Mỹ, chống lại đòn tấn công hạt nhân của Mỹ .
Chương trình NMD của Mỹ bao gồm một loạt các thành tố. Những gì mà Poznhikhir mới dẫn ra - đúng, nhưng đó mới chỉ là một thành tố cấu thành. Còn cụm tấn công vũ trụ và hiện nay nó đang được tăng cường. Còn thành tố chủ chốt – đấy là cụm tàu NMD.
Mỗi một tàu mang đến một trăm tên lửa đánh chặn các cự ly khác nhau – tầm trung, tầm gần và những tên lửa được gọi là GBI – thì đó đã là các tên lửa chiến lược có thể bắn hạ các đầu tác chiến của chúng ta ngay trên quỹ đạo vũ trụ.
Theo các kế hoạch của Mỹ thì đến năm 2020, số lượng tên lửa đánh chặn (của Mỹ) sẽ bằng số lượng các phương tiện mang của Nga.
Sau đó nữa, số lượng tên lửa đánh chặn sẽ vượt số lượng phương tiện mang của Nga.
Hiện nay Mỹ có 700 phương tiện mang đã triển khai. Còn đến năm 2020, một tên lửa đánh chặn Mỹ sẽ nhằm vào một tên lửa của ta. Tiếp theo, hệ thống NMD Mỹ sẽ có số lượng (tên lửa đánh chặn ) lớn hơn số lượng khối tác chiến của chúng ta.
Chúng ta sẽ có các tên lửa đạn đạo, những mỗi tên lửa đạn đạo sẽ là mục tiêu của 1- 2 tên lửa đánh chặn ( Mỹ) – kể cả tên lửa đạn đạo của ta (Nga) lẫn tên lửa đạn đạo Trung Quốc.
Cần phải tăng cường các khả năng của chúng ta chọc thủng NMD. Nhưng chỉ có các tên lửa có cánh hiện đại mới có thể chọc thủng NMD.
Cũng chính vị Phó tổng cục trưởng Tổng cục tác chiến Bộ TTM Viktor Poznhi khir nói rằng, trong 15 năm trở lại đây Mỹ đã chi cho hệ thống phòng thủ chống tên lửa 130 tỷ đôla, trong 5 năm tới đã có kế hoạch chi thêm 55 tỷ đô la nữa.
Dễ hiểu là chúng ta trong những năm đó đã không chi một khoản kinh phí xấp xỉ như thế cho các biện pháp đáp trả thích hợp. Trong khi đó, trong ngân sách LB Nga năm 2017, chi phí quân sự sẽ bị cắt giảm so với năm 2016. Còn ít hơn cả Arập – Xeut.
Cần phải hiểu điều đó như sau: nền kinh tế chúng ta đang trong tình trạng đổ vỡ. Nó thậm chí không thể đảm bảo được các lợi ích an ninh quân sự của chúng ta. Đấy là kết quả hoạt động của chính phủ, dù chính phủ có biện hộ (cho sự đổ vỡ đó) bằng lý do các biện pháp cấm vận, giá dầu (xuống) hay như thế nào đi chăng nữa.
Có nghĩa là, hiện nay chúng ta phải tìm kiếm các phương pháp khác. Yêu cầu đặt ra là cần phải bảo vệ không chỉ chính lãnh thổ của mình, mà trước hết phải tạo ra được các mối đe dọa lãnh thổ Mỹ .
Người Mỹ rất sẵn lòng và thích thú khi đánh nhau trên vũ trụ, ở những chiến trường xa (nước Mỹ), nhưng lãnh thổ Mỹ hiện đang dễ bị tổn thương trước các tên lửa có cánh hiện đại.
Đây (tên lửa có cánh hiện đại) chính là thành tố mà trong thời điểm hiện tại chúng ta (Nga) cần phải phát triển để giữ các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ luôn trong trong tầm ngắm.
Chúng (tên lửa có cánh hiện đại) chính là nhân tố kiềm chế. Điều đó đã xảy ra trong năm 1962, khi chúng ta tuồn được vũ khí hạt nhân vào mạng sườn họ.
Vâng, chúng ta đã trên bờ vực chiến tranh, nhưng sau khi người Mỹ cảm nhận được mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, thì tiến trình hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới được khởi động, sau đó là hiệp ước về phòng thủ chống tên lửa và tiếp theo nữa là chuyển sang đàm phán về cắt giảm vũ khí tấn công.
Đầu tiên là kiềm chế, sau đó hạn chế và tiếp theo là cắt giảm. Còn bây giờ cũng không thể hy vọng là Trump sẽ đột nhiên yêu quý Putin hoặc nước Nga, để sau đó tự nguyện cắt giảm tiềm lực hạt nhân nhằm vào Nga .
Hiện nay Mỹ đang có ưu thế quân sự và họ sẽ dứt khoát tận dụng ưu thế đó. Ngày mai sẽ là quá muộn. Còn Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh và Nga cũng tăng cường sức mạnh, Châu Âu cũng sôi sùng sục và NATO có tồn tại nữa hay không – vẫn đang là một câu hỏi.
Nhưng hiện nay Mỹ đang chiếm ưu thế. Những gì họ đang và sẽ làm, đã được ghi rõ trong Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ (tháng 2/2015) và trong Học thuyết quân sự Mỹ (tháng 6/2015): sẽ không có bất cứ một thế giới đơn cực nào - để bảo vệ các lợi ích của mình, Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự tại bất cứ điểm nào trên thế giới, bất chấp luật pháp quốc tế.
Trump lên nắm quyền và cũng sẽ không xem xét lại chiến lược này. Ông ta sẽ tuân thủ nó. Một chiến lược khi đã được Quốc hội thông qua sẽ trở thành một đạo luật và Trump sẽ thi hành luật đó.
Khủng hoảng Caribe -2 là không thể tránh khỏi, bởi vì đang có Chiến tranh lạnh -2 . Tại sao trong năm 1962 chúng ta lại triển khai tên lửa tầm trung tại Cuba? Bởi vì đấy là vấn đề liên quan đến sự sống còn của chúng ta.
Bởi vì người Mỹ đã triển khai tên lửa dọc biên giới Liên Xô theo kế hoạch của mình (họ đã có kế hoạch tiến hành các đòn tấn công hạt nhân vào 300 mục tiêu là các thành phố của chúng ta). Lúc đó họ tính toán rằng bằng cách đó có thể buộc Liên Xô phải quỳ gối hoặc tiêu diệt Liên Xô.
Khi họ (người Mỹ) triển khai tên lửa tầm trung bắt đầu từ Anh, tiếp theo là trên lãnh thổ Italia, sau đó nữa tại Thổ Nhĩ Kỳ, - tiến gần đến biên giới Xô Viết – giới lãnh đạo chính trị và cả quân sự của ta (khi đó) hiểu rằng, nếu họ hiện thực hóa được kế hoạch triển khai (tên lửa), dứt khoát (họ) sẽ tấn công chúng ta. Và Liên Xô đã có biện pháp đáp trả – gài bom ngay cạnh sườn họ.
Vâng, một mặt chúng ta đã đặt cả thế giới, như người ta thường nói, bên miệng hố chiến tranh, nhưng mặt khác, chúng ta đã đẩy đòn tấn công hạt nhân ra cách xa biên giới Liên Xô.
Hiện nay, kinh nghiệm trên tuy cần phải được áp dụng cho phù hợp với thực tế, nhưng chỉ có thể như thế mà hành động.
Nhưng so với năm 1962, hiện chúng ta đang ở trong một tình huống tệ hơn nhiều. Trong giới tinh hoa cầm quyền thời kỳ Xô Viết không ai có tài khoản ở ngân hàng nước ngoài và cũng không phụ thuộc gì vào Mỹ, lúc đó chúng ta hành động hoàn toàn chỉ để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Còn hiện nay, đội quân thứ năm đã xâm nhập sâu vào tất cả các nhánh quyền lực, vào phần lớn giới tài phiệt.
Liệu có thể xảy ra điều, giả dụ như (Mỹ) sử dụng những “tên lửa đánh chặn” mang đầu đạn hạt nhân đó tấn công chúng ta, tiêu diệt phần lớn lực lượng kiềm chế hạt nhân của ta, trong khi đó thì chúng ta lại nhận được một thông báo từ Điện Kremlin nói rằng Tổng thống (Nga) đã ra một quyết định rất dũng cảm và quyết định đó là không đáp trả vụ khiêu khích nhằm mục đích duy trì hòa bình toàn cầu không?
Có thể có khả năng đất nước đầu hàng mà không nổ một phát súng nào (dịch ý) , thậm chí không hề có một nỗ lực đáp trả nào không? Hoàn toàn có thể.
Có những lợi ích dân tộc chiến lược và một cuộc xâm lược cần phải được đánh trả. Hiện nay chúng ta cần phải đặt các ngân hàng Mỹ, các mục tiêu quân sự và v.v trong tầm ngắm.
Nhưng những quan chức và đại biểu (Duma) “của chúng ta” – những kẻ đang gửi các ngân hàng đó hàng tỷ đôla kiếm được “từ làm việc đến thối cả móng tay trong các hầm mỏ” sẽ phản ứng như thế nào?
Tất nhiên, chúng sẽ phản đối. Dĩ nhiên, Tổng tư lệnh tối cao (Tổng thống Nga) cần phải thể hiện tính kiên quyết trong sự nghiệp bảo vệ lợi ích quốc gia, chứ không phải (bảo vệ) lợi ích của các công ty, của những tài phiệt và quan chức.
Không được phép quên năm 1991. Quân đội của chúng ta (lúc đó) cực kỳ mạnh. Các phương tiện kỹ thuật, trong đó cả các phương tiện kỹ thuật của Lực lượng hạt nhân chiến lược, của chúng ta chiếm ưu thế vượt trội. Nhưng sự phản bội, đầu hàng và thất bại lại diễn ra ngay từ bên trong. Và bây giờ, kẻ thù cũng đang hy vọng vào điều đó .
Làm mất ổn định nước Nga và sau đó thì không nhất thiết phải sử dụng đòn tấn công hạt nhân. Họ sẽ nói: chúng tôi sẽ đến, sẽ đưa quân NATO vào để bảo vệ các mục tiêu chiến lược quan trọng, có nguy cơ cao về công nghệ của các ông.
Chính vì vậy mà mọi điều hoàn toàn đều có thể xảy ra , nếu chúng ta yếu – và không chỉ yếu trong lĩnh vực quân sự, mà còn yếu cả về xã hội – chính trị.
Chúng ta, cả xã hội, cần phải nhận thức được rằng tình hình hiện nay đang đưa quốc gia đến chỗ diệt vong, như Gorbachev và Elsin đã từng làm. Chính vì vậy mà cần phải đòi những kẻ ra những quyết định chiến lược phải từ chức, hoặc là Putin phải thực sự kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia.
Vấn đề đã là nước Nga tồn tại hay không tồn tại. Chính vì thế mà trong khi lẽ ra cần phải có một thái độ cứng rắn hơn – chúng ta lại sợ nói ra sự thật ! Không lẽ cứ như thế mà buộc được những người cầm quyền có những biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh và bảo vệ nước Nga sao?
Cần phải kiên quyết thực hiện quyền của chúng ta quy trách nhiệm và đòi hỏi cả Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev phải thực hiện các chức năng của mình.
Chúng ta đã chơi trò chủ nghĩa tự do quá nhiều rồi. Chúng ta đã mất một đất nước (Liên Xô) và bây giờ đang mất một nước khác (nước Nga).
Theo Đất Việt