Tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII.
Nhìn nhận về việc này, trả lời báo Tiền phong, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, đây là việc bình thường để giữ nghiêm kỷ luật để tăng sức mạnh của Đảng.
Trong thời kỷ đổi mới, vào nhiệm kỳ khóa VI và VII cũng đã có hai ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật: Năm 1990, ông Trần Xuân Bách bị cách chức Uỷ viên Bộ Chính trị và Uỷ viên Trung ương, rồi ông Nguyễn Hà Phan cũng bị xử lý kỷ luật vào năm 1995.
Ông Đinh La Thăng phát biểu tại Đại hội Đảng XII. Ảnh: TTXVN |
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đánh giá, mức kỷ luật với ông Đinh La Thăng là: “Thấu lý, đạt tình, phải trái phân minh, đúng với sai phạm của ông ấy trước đây, nhưng đồng thời cũng tính đến những cống hiến của ông khi còn làm Bộ trưởng Bộ GTVT và khi làm Bí thư TP.HCM”.
Cũng theo ông Phúc, khi ông Đinh La Thăng không còn là ủy viên Bộ Chính trị thì sẽ không còn làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. Bởi Bí thư Thành ủy Hà Nội và Bí thư Thành ủy TP.HCM phải là cấp ủy viên Bộ Chính trị.
“Nếu ông Đinh La Thăng không ở Bộ Chính trị nữa thì tới đây Bộ Chính trị và Trung ương sẽ điều động một đồng chí khác trong Bộ Chính trị về làm bí thư Thành ủy TP.HCM thay ông Đinh La Thăng”, ông Phúc chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho biết, trong lịch sử đã từng có trường hợp Bí thư Thành ủy TP.HCM không phải Uỷ viên Bộ Chính trị.
Cụ thể, sau Đại hội V của Đảng năm 1982, lúc đó ông Nguyễn Văn Linh chỉ là ủy viên Trung ương, nhưng Bộ Chính trị thấy rất cần ông có mặt ở TP.HCM, nên năm 1983 lại điều động về lại TP.HCM làm Bí thư. Thời điểm đó ông Nguyễn Văn Linh làm việc rất tích cực, hiệu quả.
Đến năm 1985, ông Nguyễn Văn Linh lại được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và vẫn làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, trước khi được bầu làm Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ VI tháng 12 năm 1986.
“Ông Đinh La Thăng vẫn còn là Uỷ viên Trung ương nên chắc chắn Bộ Chính trị sẽ có phân công công việc cho phù hợp, để ông Thăng tiếp tục đóng góp cho công việc chung của Đảng, của đất nước. Theo tôi chúng ta cũng không nên quá lao tâm khổ tứ vào chuyện đó. Bộ Chính trị và Trung ương sẽ lo thấu đáo việc đó”.
Ông Phúc lý giải thêm, Bộ Chính trị có quyền quyết định điều động người thay thế và sẽ trình ra Trung ương vào kỳ họp gần nhất. Cũng như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có quyền quyết định không công nhận tư cách đại biểu với ông Võ Kim Cự, rồi kỳ họp tới sẽ trình ra Quốc hội thông qua.
Cũng bàn về việc kỷ luật ông Đinh La Thăng, trên báo điện tử VOV, ông Lê Quang Thưởng. nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: “Kết luận này là một sự cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với những người làm công tác quản lý, lãnh đạo nhất là những cán bộ cao cấp, phải hết sức cảnh giác với các biểu hiện suy thoái”.
Theo ông Thưởng, việc công bố công khai những sai phạm của một cán bộ cao cấp của Đảng là điều không ai muốn. Thế nhưng việc công khai những vi phạm, khuyết điểm của ông Đinh La Thăng đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ trong việc xử lý nghiêm những sai sót của cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào, ngành nào.
Điều đó cũng cho thấy quyết tâm chiến lược của Đảng trong việc chống biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, liên quan đến việc “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” được Đảng và nhân dân ủng hộ.
Nhấn mạnh những sai phạm ở PVN và người đứng đầu là rất nghiêm trọng, ông Lê Quang Thưởng cho rằng, việc kỷ luật trách nhiệm là rất cần thiết, người giữ chức vụ càng cao thì phải chịu trách nhiệm càng lớn và không có “vùng cấm” trong Đảng.
“PVN là một trong những tập đoàn lớn, góp phần rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước, nay trong một giai đoạn phát triển lại xảy ra những vi phạm rất nghiêm trọng như vậy cho thấy việc quản lý khá lỏng lẻo, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Ông Đinh La Thăng cần phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 – 2011”, ông Thưởng nói.
Ông nhấn mạnh, Đảng ta có một nguyên tắc rất rõ ràng “có công thì thưởng, có tội thì phạt”, bên cạnh những cống hiến, đóng góp của ông Đinh La Thăng trong suốt hàng chục năm công tác thì Đảng cũng rất nghiêm khắc đối với những sai sót mà ông đã gây ra.
Bởi điều đó không chỉ là bài học để cá nhân mắc sai phạm rút kinh nghiệm mà còn có ý nghĩa giáo dục cán bộ, đảng viên đương chức ngày nay phải tự suy ngẫm, điều chỉnh lại nhận thức, hành động của mình để không chỉ làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao mà còn phải trở thành tấm gương cho các cán bộ, đảng viên khác noi theo.
Theo Đất Việt