|
Ông Macron phát biểu tại buổi lễ mừng chiến thắng |
Ông Emmanuel Macron, lãnh đạo đảng Tiến lên, ngày 7/5 chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Pháp với 66,06% số phiếu bầu, trở thành Tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử không có thời gian để "ngủ quên trên chiến thắng" bởi trước mặt ông là vô vàn thách thức cam go, theo AFP.
Tái đoàn kết nước Pháp
Ông Macron, 39 tuổi, một chính trị gia ôn hòa, chủ trương hòa nhập sâu rộng hơn với châu Âu, tiếp nhận từ người tiền nhiệm Francois Hollande một nước Pháp chia rẽ với gần một nửa số cử tri, trong vòng bầu cử đầu tiên, ủng hộ các ứng viên cực đoan, chỉ trích Liên minh châu Âu (EU), phản đối xu hướng toàn cầu hóa và "tầng lớp thượng lưu".
Về mặt địa lý, nước Pháp hiện cũng bị phân rẽ với một bên là khu vực đô thị ưa hòa nhập và cởi mở hơn trước các biện pháp cải cách, bên còn lại tập trung chủ yếu ở "vành đai rỉ sét" phía Bắc và những khu vực còn khó khăn vùng nông thôn. Các cử tri vùng "vành đai rỉ sét" và khu vực nông thôn từng bầu cho ứng viên Tổng thống cực hữu Marine Le Pen.
Theo giới chuyên gia, Macron hiểu rõ rằng rất nhiều cử tri ủng hộ ông không phải vì họ bị thuyết phục bởi những chính sách, lý lẽ ông đưa ra mà chỉ đơn giản bởi họ muốn ngăn bà Le Pen lên nắm quyền. Sự ủng hộ dành cho ông hoàn toàn có thể "bốc hơi" bất cứ lúc nào.
|
Người Pháp reo hò mừng Tổng thống đắc cử |
Củng cố đảng
Tổng thống đắc cử Pháp hứa sẽ xóa bỏ truyền thống đảng cánh hữu - cánh tả bằng cách xây dựng một đảng mới nằm ở trung tâm.
Macron mới chỉ thành lập đảng Tiến lên hơn một năm trước nhưng đã thu hút được hàng trăm nghìn người ủng hộ. Ông kết thúc vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp với kết quả ấn tượng, giành gần 25% phiếu bầu trong tổng số phiếu dành cho 11 ứng viên. Tại vòng bầu cử thứ hai mang tính chất quyết định, ông đánh bại đối thủ Le Pen với cách biệt hơn 30 điểm phần trăm.
Nay nhiệm vụ của ông Macron là phải "thừa thắng xông lên", củng cố sự hiện diện vững chắc trong Quốc hội Pháp, cây bút Valerie Leroux từ AFP nhận định.
Sau thành công tại cuộc đua tới Điện Elysee, ông Macron tin rằng người Pháp sẽ tiếp tục dành cho ông một chiến thắng khác ở các vòng bầu cử Quốc hội, diễn ra vào ngày 11/6 và 18/6 tới đây.
Nhưng đảng trung tả truyền thống với ứng viên Francois Fillon, người hứng chịu thất bại ở vòng bầu cử đầu tiên vì bê bối trả lương khống cho vợ, được dự đoán sẽ phản công và buộc ông Macron phải thiết lập một liên minh tại nghị viện. Mặt khác, phe cực tả cũng đang nhắm tới một màn thể hiện mạnh mẽ.
|
Ông Emmanuel Macron trên sân khấu buổi lễ mừng chiến thắng diễn ra bên ngoài bảo tàng Louvre ở Paris vào tối qua. Ảnh: Reuters |
Cuộc chiến luật lao động
Giai đoạn vận động tranh cử, ông Macron không ngừng than phiền về việc chính phủ Pháp không thể giải quyết vấn đề thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp hiện ở mức 10%, cao hơn mức trung bình của châu Âu là 8% và gấp gần ba lần người láng giềng Đức với 3,9%.
Giống với những người tiền nhiệm, thành tựu của ông Macron sẽ được đánh giá chủ yếu dựa trên nỗ lực giải quyết vấn đề việc làm. Ông Macron từng hứa chắc chắn sẽ cải cách luật lao động Pháp bằng cách sử dụng sắc lệnh hành pháp ngay trong những tháng đầu nhiệm kỳ.
Quá trình đẩy nhanh tốc độ này có thể mang đến cho tân Tổng thống Pháp một khởi đầu khó khăn bởi một loạt liên đoàn các nhà hoạt động nhiều khả năng sẽ tổ chức biểu tình trên đường phố Pháp để phản đối, như những gì họ thực hiện hồi năm ngoái khi thủ tướng Manuel Valls áp dụng chiến lược tương tự.
Ông Macron muốn giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 7% vào năm 2022 thông qua việc tự do hóa các bộ luật lao động, giảm thuế doanh nghiệp và nới lỏng hạn chế trong luật làm việc 35 tiếng mỗi tuần.
Mối đe dọa khủng bố
|
Lực lượng an ninh Pháp tuần tra bên ngoài bảo tàng Louvre ở Paris. Ảnh: Reuters |
Vụ việc một cảnh sát Pháp bị sát hại trên đường Champs-Elysees, trung tâm thủ đô Paris, chỉ ba ngày trước vòng đầu tiên cuộc bầu cử Tổng thống là lời cảnh báo rõ ràng nhất về mối đe dọa khủng bố đang rình rập nước Pháp, giới quan sát đánh giá.
Hơn 230 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công do những phần tử cực đoan thực hiện ở Pháp từ tháng 1/2015 đến nay. Nhiều vụ việc do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ra.
"IS đã công khai thể hiện mưu đồ phá vỡ sự gắn kết quốc gia bằng cách làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa người Hồi giáo và các bộ phận dân cư khác trong xã hội", ông Marc Hecker từ Viện Quan hệ Quốc tế Pháp cho hay và thêm rằng trong những năm sắp tới, hiểm họa sẽ càng gia tăng vì nguy cơ các tay súng IS từ Syria và Iraq trở về nước tiến hành những cuộc tấn công khủng bố.
Không có kinh nghiệm về vấn đề chống khủng bố, ông Macron cần nhanh chóng thể hiện rằng mình hoàn toàn đủ khả năng đương đầu với thách thức này với tư cách Tổng tư lệnh nước Pháp, cây bút Leroux nhận xét.
Tướng Jean-Paul Palomeros, cố vấn cho ông Macron, dự đoán cam kết quân sự của Pháp ở Trung Đông và châu Phi sẽ không đổi. Tổng thống đắc cử Pháp đồng thời cho biết ông muốn tái củng cố các biên giới bên ngoài EU và kêu gọi đầu tư thêm nguồn lực cho cơ quan quản lý, bảo vệ biên giới Frontex.
Cải cách EU
Tổng thống đắc cử Pháp coi việc khôi phục liên minh Pháp - Đức là điểm mấu chốt để củng cố lại EU sau cú sốc Anh rời Liên minh châu Âu, Brexit, và cuộc khủng hoảng di cư.
Ông Macron có kế hoạch công du các nước châu Âu trong những tháng đầu nhiệm kỳ nhằm vạch ra "một lộ trình 5 năm cung cấp ngân sách thực sự cho khu vực đồng Euro và xây dựng một châu Âu đoàn kết trong các vấn đề môi trường, công nghiệp và quản lý di cư".
Macron còn khẳng định ông quyết tâm phát triển năng lực phòng thủ của châu Âu thông qua việc điều phối những hoạt động và chương trình công nghiệp trong lĩnh vực này.
Vincenzo Scarpetta, nhà phân tích tại tổ chức Open Europe, cảnh báo ông Macron có thể "nói trước bước không qua".
"Kế hoạch cải cách EU có vẻ ổn trên giấy nhưng các ý tưởng ông Macron đưa ra khá táo bạo", Scarpetta nói. "Liệu chúng có khả thi không khi phải cần đến sự thay đổi cả hiệp ước".
Theo VNE