|
Thượng tướng Bùi Văn Nam - thứ trưởng Bộ Công An, chủ trì buổi họp báo |
Ngày 28-6, tại buổi họp báo thông tin kết quả công tác của Bộ Công an 6 tháng đầu năm, trả lời câu hỏi của báo chí về việc có khởi tố điều tra vụ đóng tàu vỏ thép hư hỏng cho ngư dân hay không, trung tướng Đỗ Kim Tuyến - phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - cho biết các đơn vị nghiệp vụ của bộ đã chủ động vào cuộc từ rất sớm để nắm thông tin, tình hình vụ việc.
Ông Tuyến thông tin, thống kê theo báo cáo của các địa phương đến nay đã triển khai 10.000 tỉ đồng đóng tàu cho ngư dân theo chủ trương của chính phủ và đã có 557 tàu đóng mới theo tinh thần này, trong đó có 188 tàu vỏ thép.
“Về cơ bản, đến nay mới phát hiện tàu ở Bình Định hư hỏng, còn tàu các nơi khác vẫn đảm bảo yêu cầu”, ông Tuyến nói.
Sau khi xảy ra sự việc, tỉnh Bình Định đã lập đoàn thanh tra và thẩm định lại kết quả thanh tra, đến nay xác định có 2 công ty đóng tàu phải chịu trách nhiệm về việc tàu hư hỏng.
“UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thu thập tài liệu trong vụ việc này nhưng cơ quan công an cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật là phải có nguyên đơn tố cáo, rồi xác định sai phạm trên cơ sở đó đủ căn cứ thì sẽ khởi tố điều tra”, ông Tuyến cho biết.
Trả lời câu hỏi của PV về việc xử lý trách nhiệm của Công ty đóng tàu Nam Triệu (đơn vị thuộc Bộ Công an) trong việc tàu mới đóng đã hư hỏng, ông Nguyễn Văn Dư - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - kỹ thuật Bộ Công an - cho biết đã giao cơ quan chức năng thanh tra toàn bộ quá trình đóng tàu của công ty Nam Triệu, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Song song đó, nếu phát hiện vi phạm pháp luật cũng xử lý theo quy định.
|
Ông Nguyễn Văn Dư, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - kỹ thuật trả lời báo chí |
Ông Dư thừa nhận đây là sự cố đáng tiếc và công ty Nam Triệu phải chịu trách nhiệm chính theo hợp đồng với ngư dân. Công ty Nam Triệu đến nay đã đóng được 20 con tàu cho ngư dân Bình Định để đưa vào hoạt động.
Liên quan đến việc máy động cơ lắp cho các con tàu bị sai chủng loại, ông Dư giải thích sau khi có kết luận của tổ kiểm tra độc lập của tỉnh Bình Định, Công ty Nam Triệu mới biết đến sai sót này. “Lỗi này thuộc về nhà cung cấp máy, động cơ, tuy nhiên với tư cách là công ty trực tiếp đóng tàu cho ngư dân công ty Nam Triệu phải chịu trách nhiệm toàn diện và phải đảm bảo khắc phục sự cố hư hỏng trong thời gian sớm nhất”, ông Dư khẳng định.
Ông Dư cho biết thêm, trong suốt thời gian vừa qua công ty Nam Triệu thực hiện trách nhiệm khắc phục hậu quả tàu hư hỏng khá nghiêm túc. Công ty đã nhập về Việt Nam 7 động cơ mới, 3 động cơ còn thiếu đang trong quá trình chuyển về để đảm bảo trong tháng 7, tháng 8 sẽ khắc phục xong sự cố này.
Chủ trì buổi họp báo, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công An, cũng cho biết Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc nghiêm túc đảm bảo quyền lợi của ngư dân nhưng đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật.
Theo TTO