Reuters ngày 27/6 thông tin, Ngoại trưởng Arab Saudi - ông Adel al-Jubeir khẳng định 4 nước vùng Vịnh sẽ không dỡ bỏ trừng phạt nếu Qatar không đáp ứng các yêu cầu của họ.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir. |
Ngoại trưởng Saudi Arabia cũng khẳng định các nước cô lập Qatar sẽ không ngồi lại với nhau để đàm phán về các yêu sách đã gửi tới Qatar, đặc biệt là việc Doha hỗ trợ khủng bố.
"Chúng tôi đã nói rõ, chúng tôi đã thực hiện các bước đi và nó tuỳ thuộc vào Qatar và việc sửa đổi cách hành xử của họ. Khi họ thay đổi thì mọi việc sẽ được giải quyết, nhưng nếu không, họ vẫn bị cô lập", ông Jubeir nói.
Trước câu hỏi về việc các yêu cầu không thể thay đổi, ông al-Jubeir đáp "Đúng". Và điều này cũng có nghĩa chỉ có 1 lựa chọn duy nhất cho Qatar nếu muốn trở lại Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh.
Trước đó, vài giờ trước khi Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Qatar gặp nhau thì Ngoại trưởng Arabia Saudi Adel Al-Jubeir đã có những tuyên bố cứng rắn trên Twitter: "Yêu cầu của chúng tôi đối với Qatar là không thể thương lượng. Bây giờ Qatar phải đứng dậy chấm dứt sự ủng hộ với chủ nghĩa cực đoan và khủng bố".
Đáp lại, Qatar cho rằng, các yêu sách trên là yêu cầu thiếu căn cứ và "không thể chấp nhận được" và gây ảnh hưởng đến chủ quyền của quốc gia này.
"Các yêu cầu cần phải thực tế và có thể thực hiện, nếu không chúng không thể chấp nhận được. Chúng tôi nhất trí với Mỹ là các yêu cầu cần hợp lý" - Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani nói.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng thúc giục một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng và cũng có ý khuyên các nước trong khối Ả Rập nên đưa ra danh sách yêu cầu một cách "hợp lý" và "khả thi" với Qatar.
Tuy nhiên, trước khi Qatar có phản ứng này, truyền thông đã dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, yêu sách nói riêng về việc đóng căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar là một đòi hỏi không khi nào có thể thực hiện được.
Bộ trưởng Fikri Isik cho biết ông chưa nhìn thấy danh sách 13 điều kiện của các nước Arabia nhưng ông tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không hề có kế hoạch thay đổi thỏa thuận đã ký với Qatar năm 2014 lập căn cứ ở đây. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ còn có thể sẽ tiếp tục tăng hiện diện quân sự ở Qatar.
Xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại căn cứ ở Qatar. |
Khi những chiếc xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện ở Doha, Qatar lại bị các nước Arabia cáo buộc làm "leo thang quân sự" ở vùng Vịnh.
Ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmed Al Khalifa cho rằng, chính quyền Qatar đã quyết định gia tăng hiện diện của binh lính Thổ Nhĩ Kỳ trên địa bàn nước mình, bằng cách đó thu hút quân đội nước ngoài, khiến cho cuộc khủng hoảng leo thang quân sự.
Ngoài hỗ trợ cho Qatar lương thực, nhu yếu phẩm, việc tăng cường quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ bị đặt trong tình huống, liệu có làm khó cho Qatar trên bàn đàm phán về dỡ bỏ cô lập với các nước vùng Vịnh?
Chuyên gia Bahrain về Vịnh Ba Tư, ông Nuh Ahmed Nuh Muhammadi cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ giống như một bên thứ 3 không khéo léo giữa các nước vùng Vịnh khi luôn tung ra các cáo buộc và chỉ trích mạnh mẽ.
Vị chuyên gia cho rằng, cần phải hiểu đặc thù quan hệ giữa các quốc gia vùng Vịnh là thường bùng phát nhanh chóng và mọi người thường cầm vũ khí ngay tức khắc nhưng tất cả đều hiểu rõ về những hậu quả tiềm ẩn đó.
Đó là lý do vì sao Qatar luôn tỏ thái độ hòa giải khi các nước vùng Vịnh đồng loạt muốn cô lập và đưa ra các cáo buộc nghiêm trọng tới Doha.
Sau đó, Doha khôn khéo sử dụng xung đột ngoại giao này để tăng hiện diện quân sự nước ngoài trên lãnh thổ nước mình. Qatar đã mua sắm vũ khí và đưa các phương tiện bọc thép vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tạo ấn tượng chuẩn bị tiến tới xung đột quân sự.
Nhưng một cuộc chiến ở đây chắc chắn sẽ không xảy ra.
Do vậy, khi mọi chuyện mới đang ở mức thử thách, phản ứng mạnh mẽ của Ankara bỗng trở nên "vô duyên". Ông Muhammadi cho rằng, "sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột này có thể trì hoãn quá trình tháo gỡ khắc phục vấn đề".
Vị chuyên gia Bahrain nhấn mạnh, Qatar cần đi tới xích gần các nước vùng Vịnh và thực hiện những điều kiện đã nêu để vượt qua xung đột.
Theo Đất Việt