Khảo sát kiểu “chọn mặt gửi vàng”?
Hôm qua (30/6), ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (GTVT), đơn vị lập Đề án hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội - khẳng định kết quả khảo sát ý kiến đồng ý cấm xe máy là trung thực.
“Chúng tôi đã phát đi ngẫu nhiên 16.000 phiếu khảo sát và thu về hơn 15.000 phiếu. Khoảng 84% người dân ủng hộ và không ủng hộ là 16%. Tuy nhiên, khảo sát này kèm theo điều kiện về sự phát triển vận tải hành khách công cộng chứ không riêng yêu cầu cấm xe máy” - ông Mười nói rõ.
Tuy nhiên phần lớn bạn đọc Dân trí vẫn cho rằng khảo sát này "chưa ổn", "khó tin" bởi cách khảo sát, lấy ý kiến chưa hợp lý.
Thông tin tới Dân trí, bạn đọc Minhtran1965 xác nhận việc được lấy ý kiến khảo sát cấm xe máy, tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ: “Phát phiếu kiểu “chọn mặt gửi vàng”. Khu phố tôi cũng phát phiếu xin ý kiến nhưng trước khi phát thì hỏi dò xem có đồng ý không, nếu đồng ý thì nhận phiếu ký, nếu không thì cảm ơn, bỏ qua. Vì vậy 90% kết quả là đồng ý, 10% là làm cho có vẻ khách quan mà thôi”.
Ngoài bạn đọc Minhtran1965, hầu hết các ý kiến của bạn đọc đều khẳng định không hề nhận được phiếu khảo sát nào của đơn vị có trách nhiệm trong hoạt động khảo sát về vấn đề lớn này.
Mẫu phiếu lấy ý kiến về cấm chủ trương cấm xe máy ở Hà Nội. Theo Sở GTVT Hà Nội, đã có 16.000 phiếu phát đi, thu về hơn 15.000 phiếu, kết quả là 84% người dân đồng ý cấm xe máy vào năm 2030 |
Đánh giá qua những bình luận (comment) thực tế của độc giả ngay trên mặt báo, bạn đọc Hennry Tuan cho rằng: “Ngay những comment đây đã thấy hầu hết không đồng lòng cấm xe máy rồi thì khảo sát lấy kết quả ở đâu mà 90% mọi người đồng ý cấm xe máy? Nực cười quá đi!”.
Bạn đọc Trần Hà Minh viết: “Ôi trời! Các ông ý phát phiếu cho ai không biết? Nhà tôi ở Hà Nội đến nay là đời thứ 4 rồi mà chưa nhận được cái phiếu trưng cầu dân ý về việc cấm xe máy nội đô”.
Trong khi đó, bạn đoc Quanganh Tran đưa ra giả thuyết: “Các anh đi khảo sát vào giờ hành chính - khi đa phần mọi người đi làm hết, chỉ có người già và trẻ con ở nhà, đó là những người không sử dụng và không quan tâm đến phương tiện đi lại thì rõ là 90% đồng ý”.
Sử dụng kiến thức được đào tạo về Xã hội học, bạn đọc Mộ Dung Tư Hạ đã phản biện bằng những con số cụ thể và sự thực chất của hoạt động lấy ý kiến người dân về việc cấm xe máy tại Hà Nội: “Tôi học chuyên ngành Xã hội học, thắc mắc rằng 16.000 phiếu đã đủ mẫu để đại diện cho gần 8 triệu dân Hà Nội chưa? Một vấn để chiến lược như vậy sao lại phát phiếu ngẫu nhiên? Phát ngẫu nhiên cho ai? Các giữ kiện như vậy tôi thấy kết quả đã không xác đáng rồi”.
Cấm xe máy, đi buôn gà bằng xe buýt?
Bày tỏ sự hoài nghi về kết quả khảo sát, bạn đọc Đặng Xuân Đường cho hay: "Khó tin kết quả này. Nếu điều tra chọn mẫu thì 16.000 mẫu đại diện cho 16.000 người thôi, không thể lấy tỷ lệ của 16.000 phiếu đó nói toàn bộ dân Hà Nội, điều đó là duy ý chí.
Theo bạn đọc này, vấn đề quan trọng là xây dựng mạng lưới giao thông công cộng tiện lợi, nhanh, rẻ, khi đó người dân sẽ tự bỏ phương tiện giao thông cá nhân đi phương tiện công cộng. Quy mô đô thị như Hà Nội, nhất thiết phải có hệ thống tàu điện ngầm phát triển, nếu không đừng nói chống ách tắc giao thông.
Đồng quan điểm nói trên, bạn Kim Liên cho rằng kết quả khảo sát là một sự “suy diễn lạ”, bởi Hà Nội mấy triệu dân mà phát ngẫu nhiên 16.000 thu về 15.000 phiếu, “khoảng 84% số người đồng ý mà dám nói là 90% người Hà Nội đồng ý”.
Rất nhiều người phản ứng dữ dội về kết quả đồng ý cấm xe máy vào năm 2030. |
Nhìn nhận chủ trương cấm xe máy từ góc độ dân sinh, bạn đọc Luong Quoc Khanh đặt hàng loạt câu hỏi: Hà Nội có bao nhiêu % dân số là người lao động sống phụ thuộc vào chính cái xe máy? Với mức sống của người dân lao động hiện tại thì điều đó có phù hợp không? Một người mưu sinh bằng nghề xe ôm bao năm trời nuôi sống cả gia đình, bỗng dưng có cái lệnh cấm từ trên trời như vậy thì ông ý sẽ ra sao, sẽ làm gì?
Luong Quoc Khanh cho rằng những người làm công tác quản lý nên đặt mình vào vị trí của người đi xe máy, khi ban hành lệnh cấm như vậy thì nhà nước sẽ làm gì để giúp đỡ, tạo công ăn việc làm thế nào cho người dân lao động đang mưu sinh bằng chính cái xe máy đó…
Cũng nói về vấn đề dân sinh, theo bạn Thích Trọng, Đề án này không khả thi vì chưa giải đáp được vấn đề cấm xe máy thì những người dân buôn bán, mưu sinh bằng phương tiện gì? Trong khi đó, hệ thống giao thông của nước ta vào thời điểm đó (năm 2030) liệu có tiện lợi?
“Tôi muốn mang 1 con gà sống về nhà trong nội thành thì xe buýt có cho tôi mang lên không?”- bạn đọc Thích Trọng đặt câu hỏi.
Theo Dân Trí