Sáng nay (3.7), UBND TP.HCM đã tổ chức lễ khánh thành đưa vào sử dụng công trình cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài và cầu vượt tại nút giao đường Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (giai đoạn 1). Đây là hai công trình quan trọng được triển khai tại hai khu vực được xem là điểm đen về ùn tắc giao thông thành phố trong thời gian qua.
Lãnh đạo UBND TP.HCM và các đơn vị cắt băng khánh thành cầu vượt |
Tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Khoa đã biểu dương các đơn vị thi công, chủ đầu tư nỗ lực đưa công trình hoàn thành trước tiến độ để giảm ùn tắc giao thông cho cửa ngõ sân bay.
Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành giai đoạn 2 của dự án cầu vượt tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm. Việc thi công này phải được đảm bảo về an toàn chất lượng và không ảnh hưởng đến phương tiện lưu thông. Bên cạnh đó ông cũng yêu cầu Sở GTVT TP.HCM, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM tổ chức tốt giao thông trong khu vực trong thời gian đưa các công trình vào khai thác.
Phương tiện lưu thông trên nhánh cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm |
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, hai cầu vượt được khởi công vào đầu năm 2017 nhằm giảm ùn tắc giao thông cho khu vực. Do đây là công trình mang tính cấp bách nên chủ đầu tư, đơn vị thi công đã gấp rút đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành trước 2 tháng.
Cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài được thiết kế theo dạng chữ Y (cầu bê tông), một nhánh từ đường Trường Sơn vào nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất dài 303m, một nhánh từ đường Trường Sơn vào nhà ga quốc nội dài 153m. Dự án có tổng mức đầu tư 242 tỷ đồng.
Còn cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm được thiết kế theo dạng chữ N (cầu bằng thép), một nhánh kết nối Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám dài 362m, một nhánh kết nối Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm dài 367m và một nhánh kết nối Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn dài 367m. Dự án cầu vượt này có tổng mức đầu tư 504 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT TP.HCM, khi đưa vào sử dụng, các loại xe ôtô con, ôtô khách và xe buýt lưu thông trên đường Trường Sơn được phép lưu thông lên cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài để vào sân bay Tân Sơn Nhất (gồm nhà ga quốc nội và quốc tế). Người đi bộ, xe 2 - 3 bánh, xe tải, xe sơ mi rơ mooc lưu bị cấm thông lên cầu vượt.
Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được xem là một trong những nơi thường xuyên bị ùn tắc giao thông |
Đối với các loại xe 2 - 3 bánh, xe tải, xe sơ mi rơ mooc lưu thông vào sân bay sẽ lưu thông trên đường Trường Sơn, sau đó rẽ phải vào đường Hồng Hà để quay đầu tại các điểm quay đầu hoặc các đường ngang để vào sân bay.
Đối với các loại xe không đi vào sân bay hoặc từ sân bay lưu thông ra bên ngoài sẽ lưu thông như hướng đi trước đây. Tại vị trí giao nhau giữa đường Trường Sơn với nhánh đường phục vụ cho đoàn xe ưu tiên vào sân bay chỉ hoạt động theo chế độ đèn tín hiệu giao thông. Hướng lưu thông trên đường Hồng Hà và đường Bạch Đằng vẫn như hiện nay.
Còn tại nhánh cầu vượt Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn, phương tiện được lưu thông 1 chiều lưu thông trên cầu theo hướng từ đường Hoàng Minh Giám đến đường Nguyễn Thái Sơn. Riêng các loại xe có tải trọng toàn bộ xe trên 10 tấn, xe thô sơ, người đi bộ bị cấm lưu thông trên cầu.
Theo Dân Việt