Theo Al-Masdar News, ngày 2/7, quân đội Ả Rập Syria (SAA) đã phá vỡ tuyến phòng thủ phía Nam ngoại ô Ayn Tarma. Trên cơ sở đó, quân đội Syria giành được nhiều ưu thế trên chiến trường Damacus.
Theo một nguồn tin nói với Al-Masdar News, Lữ đoàn 105 của SAA đã chiếm khoảng 15 tòa nhà ở phía Đông đường cao tốc Bypass phía Nam (M5-Highway) sau khi va chạm với Hay'at Tahrir Al-Sham (HTS) và Failaq Al-Rahman (FSA).
Cuộc tấn công quy mô lớn của Chính phủ nhằm mục đích kết nối với một căn cứ khác của lực lượng này tại khu vực phía Đông của Jobar. Từ đó cắt đứt tất cả các đường dây liên hệ giữa khu vực Đông Damascus đông dân cư và Đông Ghouta - nơi tập trung một lượng lớn phiến quân.
Quân đội Syria tiến công tại Ayn Tarma |
Nguồn tin khẳng định thêm rằng, không có cuộc tấn công bằng khí Clo diễn ra vào ngày 30/6 như FSA đã tuyên bố trong một bản tin trước đó trên mạng xã hội. Nguồn tin này cho rằng, các lãnh đạo của phiến quân đang tuyệt vọng, khiến họ phải tìm cách bào chữa cho những thất bại của họ trong thời gian gần đây trước quân đội Syria.
Như vậy, bất chấp những nguy cơ có thể ập đến đối với mình sau khi FSA đưa ra cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Ayn Tarma, quân đội Syria vẫn băng băng tiến vào các vị trí mà phiến quân đang chiếm giữ tại ngoại ô Damacus.
Phủ nhận
Cũng trong ngày 2/7, quân đội Ả Rập Syria (SAA) đã ra một tuyên bố chính thức phủ nhận cáo buộc của Faylaq Al-Rahman về việc quân đội Syria sử dụng khí độc trong khu vực Đông Ghouta, ngoại vi Damascus.
Cụ thể, nhóm chiến binh đã cáo buộc SAA sử dụng khí chlorine trong trận đánh ở Ayn Tarma sau khi không thể tiến vào khu vực này.
Ngoài ra, Faylaq Al-Rahman còn tuyên bố rằng SAA đã sử dụng chlorine cho ba cuộc tấn công khác tại khu vực phía Zamalka (Bắc Ayn Tarma). Nhóm Hồi giáo cũng công bố hình ảnh và một video cho thấy các "chiến binh" bị thương do ảnh hưởng của vũ khí hóa học.
Từ những cáo buộc của phe đối lập, SAA đã ra tuyên bố phủ nhận và khẳng định rằng, họ đã không sử dụng bất kỳ loại vũ khí hóa học trước đây và cũng không sử dụng chúng trong tương lai. Bởi một lý do đơn giản, các lực lượng chính phủ không còn sở hữu vũ khí hóa học nữa.
Bản tuyên bố còn nhấn mạnh rằng, cáo buộc của phe đối lập chỉ là những lời dối trá. Câu chuyện mà họ dựng lên chỉ nhằm biện minh cho những thất bại của họ trên tất cả các mặt trận tại Syria.
Trên thực tế, trong một tuyên bố của Liên Hợp Quốc vào tháng 6/2014, chính phủ Syria đã tự nguyện phá hủy tất cả vũ khí hóa học và mọi phương tiện sản xuất loại vũ khí này theo đúng khuôn khổ hiệp định với Liên Hợp Quốc. Do đó, cả Mỹ và phe đối lập không thể đưa ra bằng chứng cụ thể để chứng minh những cáo buộc của họ.
Mỹ vẫn im lặng
Cho đến nay, cả Nga và Mỹ vẫn chưa đưa ra phản ứng cụ thể nào về thông tin quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tại ngoại ô Damacus. Song giới phân tích cho rằng, mọi việc đang đi đúng theo kế hoạch của Nhà Trắng, trước khi Lầu Năm Góc phát động một cuộc tấn công vào Syria.
Lời cảnh báo của cựu sĩ quan CIA, Philip Giraldi trong một cuộc phỏng vấn với RT hôm 29/6 đã trở thành sự thật. Trả lời về việc liệu rằng những cáo buộc mà Washington đưa ra đơn giản là một cái cớ để tiếp tục những hành động quân sự của mình nhằm vào chính phủ Syria hay không, Philip Giraldi nhấn mạnh:
''Tôi đã bị sốc khi thấy phản ứng của Mỹ về vụ việc này...Chính phủ Hoa Kỳ đang ở Syria bất hợp pháp và đe doạ Chính phủ Syria hợp pháp, đồng thời đe dọa cả sự hiện diện hợp pháp của Iran và Nga tại Syria.
Nó gần như là một sự khiêu khích, và họ (Mỹ) hy vọng rằng có thể thúc đẩy Iran phản ứng với vụ việc một cách tiêu cực. Từ đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh chống lại Iran. Đây là điều mà chính quyền ở Washington dường như đã sẵn sàng''.
Cựu sỹ quan CIA khẳng định, rõ ràng chính phủ Syria không có động cơ sử dụng vũ khí hóa học. Chính phiến quân mới là những đối tượng có động cơ để sử dụng vũ khí hóa học. Sau tuyên bố của Nhà Trắng, bạn có thể đặt cược rằng, phiến quân đang cố gắng tìm cách để sử dụng vũ khí hóa học và đổ lỗi cho chính phủ Syria.
Theo Đất Việt