Sẵn sàng đánh chặn
Truyền thông Syria vừa khiến phương Tây bất ngờ khi công bố hình ảnh tiêm kích Su-27SM3 hiện diện tại căn cứ Hmeymim trong chuyến thăm của Tổng thống Syria al-Assad vừa qua.
Theo hình ảnh được công bố cho thấy, chiếc Su-27SM3 tại Hmeymim có số hiệu 62 màu đỏ, số đăng ký RF-93.664, số seria sản xuất là 4100 là một trong số 12 chiếc Su-27SM3 được chế tạo mới cuối cùng theo hợp đồng giữa Bộ quốc phòng Nga và nhà sản xuất ký năm 2009.
Dù không công bố về số lượng Su-27SM3 tại Hmeymim nhưng theo truyền thông Syria, rất có thể con số này là 12 chiếc - toàn bộ tiêm kích Su-27SM3 trong đơn đặt hàng cuối cùng của Nga bởi trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự tại Syria, những tiêm kích tối tân này đã được tin dùng.
Tiêm kích Su-27SM3 xuất hiện tại Syria với tên lửa RVV-MD. |
Nếu nguồn tin này chính xác thì một lần nữa, hệ thống tai mắt của phương Tây và Mỹ đã bất lực trong việc phát hiện việc Nga điều động số lượng lớn máy bay này đến Syria dù đã liên tiếp tiến hành do thám gần căn cứ của Nga. Đặc biệt là hôm 26/6, ba máy bay do thám của Mỹ đã áp sát căn cứ của Nga với ý định không thực sự rõ ràng nhưng cũng không phát hiện được sự có mặt của Su-27SM3.
Dù Nga không nói nguyên nhân sự hiện diện của Su-27SM3 tại Syria nhưng theo nhận định của truyền thông phương Tây, rõ ràng đây là sự tăng cường sức mạnh không đối không cho Không quân Nga tại Syria. Theo số liệu tình báo Mỹ có được, hiện nay Nga đã triển khai khoảng 30 chiếc tiêm kích Su-35S và Su-30SM. Cùng với đó là những cường kích Su-34, Su-25.
Nhận định này được xem là khá hợp lý bởi thay vì tăng cường cường kích, phi đội tiêm kích tối tân với vũ khí đối không cực mạnh đã được tăng cường tại Syria. Và với số lượng tiêm kích này, Không quân Nga có thể tiến hành chiến dịch đánh chặn với cường độ cao tại Syria bất cứ lúc nào.
Vũ khí cận chiến
Dụng ý của Nga tăng cường khả năng đánh chặn cho Không quân là khá rõ ràng bởi khi chiếc Su-27SM3 được nhìn thấy tại Syria, máy bay này đã được gắn tên lửa không đối không cực mạnh RVV-MD.
Mẫu RVV-MD mới được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên không trong mọi điều kiện tác chiến, cho phép tiêu diệt các mục tiêu trên không khác nhau bất cứ lúc nào và ở bất cứ hướng nào. Ngoài ra, theo các nhà phát triển, nó có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất, bảo vệ cơ sở quân sự chống lại tấn công từ đối phương.
Nhìn tổng thể RVV-MD không khác phiên bản R-73. Tên lửa RVV-MD được trang bị đầu đạn dẫn đường hồng ngoại thụ động. Để nâng cao khả năng tác chiến sử dụng đầu tự dẫn hướng kép, sử dụng máy thu ảnh được làm mát, có thể xác định các mục tiêu trong phạm vi 120 độ, có thể di chuyển nghiêng 75 độ so với vị trí cân bằng.
Để tăng khả năng linh hoạt RVV-MD các bánh lái mũi và các cánh lái phụ đuôi sử dụng nguyên lý khí động lực học để thay đổi quỹ đạo tên lửa bằng cách thay đổi lực đẩy động cơ. Khả năng tiêu diệt mục tiêu nằm ở đầu đạn nổ 8 kg làm bằng uranium nghèo. Để kích nổ có thể sử dụng hệ thống radar gián tiếp hoặc ngòi nổ laser quang học.
Tầm tiêu diệt mục tiêu hiệu quả của tên lửa khi rượt đuổi là khoảng cách đến 40km. Nếu mục tiêu di chuyển ở nửa bán cầu sau phạm vi tiêu diệt chỉ 12km do mất thời gian chuyển hướng. RVV-MD có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao từ 20m đến 20km với tốc độ bay của mục tiêu lên đến 2500 m/s với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Trong nhiều năm, các thông tin về dự án RVV-MD không được Nga tiết lộ. Đến cuối tháng 8/2015 lãnh đạo của tập đoàn mới công bố dự án trên. Trưởng phòng đại diện của tập đoàn Boris Obnosov tại triển lãm MAKS-2015 cho biết, RVV-MD chỉ bắt đầu bước vào giai đoạn sản xuất loạt từ cuối năm 2015.
Như vậy, sau nhiều năm chờ đợi Không quân Nga sẽ được trang bị loạt tên lửa tầm ngắn RVV-MD, giúp tăng cường khả năng tác chiến của tiêm kích khi cận chiến.
Theo Đất Việt