|
Do thiếu cát, nhà thầu chỉ bố trí số ít công nhân tại công trình thi công đoạn 1, dự án nâng cấp QL60 |
Chạy khắp nơi tìm cát
Trong khi người dân ven QL60 sốt ruột chờ hoàn thành thì việc thi công giai đoạn 1 "Dự án bổ sung, đầu tư, nâng cấp và mở rộng 4 đoạn tuyến QL60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên" vẫn như rùa bò vì thiếu cát. Ông Phạm Tiến Đức, Giám đốc điều hành Công ty CP xây dựng hạ tầng CII - đơn vị thi công đoạn 1 của dự án nâng cấp QL60, cho biết gói thầu của đơn vị ông còn cần khoảng 60.000m3 cát san lấp mới hoàn chỉnh. Hiện mỗi ngày công ty cần khoảng 700m3 cát nhưng các đối tác không ai dám ký hợp đồng cung cấp khoảng 100 m3/ngày nên phải chạy vạy khắp nơi tìm nguồn.
Ông Hà Ngọc Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, đại điện chủ đầu tư đã kiến nghị với Ban Quản lý dự án 7, Bộ GTVT (cơ quan quản lý nhà nước của dự án) về tình hình khó khăn do thiếu nguồn cát san lấp hiện nay. “Việc thi công 4 đoạn của dự án sẽ cần đến 1,2 - 1,5 triệu m3 cát, vốn đầu tư đã đội lên ít nhất 100 tỉ đồng. Thế nhưng ngay lúc này tôi cũng không biết giá cát sẽ còn tăng bao nhiêu nữa”, ông Nam lo lắng. Theo ông Đoàn Công Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện có 208 công trình do nhà nước làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ, đội vốn vì thiếu nguồn cát san lấp.
Một trong những dự án giao thông trọng điểm ở ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu cát là tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi nối với cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu, nối Cần Thơ với Đồng Tháp). Dự án được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ tạo nên một tuyến đường cao tốc phía Tây ĐBSCL, kết nối TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đi các tỉnh ĐBSCL, đến Kiên Giang và Cà Mau.
Tuy nhiên, trong khi cầu Vàm Cống đã thi công hơn 90% và đảm bảo hoàn thành vào tháng 11 năm nay thì tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi buộc phải làm cầm chừng. Ông Vũ Kim Quân, trợ lý giám đốc dự án cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (gói thầu 1), cho biết tình hình đang rất khó khăn bởi giá cát tăng đột biến 4 - 5 lần so với giá trúng thầu, thậm chí nhà thầu chấp nhận chịu lỗ để mua cũng không thể có được cát. “Đặc thù công việc của chúng tôi là băm vằm nhiều kênh rạch nhưng bây giờ không có cát làm nền hạ để có đường đi vào thi công. Theo tiến độ đến cuối năm 2018, tuyến đường sẽ hoàn thành nhưng với tình hình này sẽ rất khó”, ông Quân lo lắng.
Một dự án trọng điểm khác cũng đang chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu cát là dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Để giải quyết khó khăn, nhà đầu tư đang làm việc với 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp bàn việc hỗ trợ cung ứng cát san lấp với nhu cầu khoảng 6 triệu m3. Nếu không có sự hỗ trợ, với giá cát tăng vọt như hiện nay sẽ làm đội giá thành.
“Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang rất hy vọng những khó khăn về vốn và cát của dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được tháo gỡ để có thể thông tuyến trước năm 2020, qua đó giải tỏa áp lực giao thông quá tải nhiều năm nay. Bởi trước đó dự án được khởi công lần đầu tiên vào năm 2009, sau đó khởi công lần thứ 2 vào năm 2015, và đến nay gần như vẫn giậm chân tại chỗ”, ông Bon nói.
Lỗ vì giá cát tăng cao
Ông H., giám đốc một doanh nghiệp xây dựng tại TP.Mỹ Tho, cho biết đơn vị ông đang thi công 6 công trình của nhà nước, trong đó có công trình trị giá 75 tỉ đồng, nhưng công trình nào cũng bị lỗ vì giá cát tăng hơn 200%. Hồi đầu năm, giá cát san nền chỉ 110.000 đồng/m3 nay tăng lên 280.000 đồng/m3. Cát xây từ 150.000 đồng/m3 giờ vọt lên 350.000 đồng/m3. Riêng cát hạt to, dùng đổ bê tông đúng chuẩn, từ 350.000 đồng giờ đã gần 800.000 đồng/m3.
Ông Trịnh Hữu Đức, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng TMDV Hữu Đức, chuyên san lấp nền cho các công trình lớn tại Tiền Giang, cho biết “thời gian gần đây doanh nghiệp chỉ làm cầm chừng để… chờ thời”!
Theo ông Đức, hiện nay tại những mỏ cát được phép khai thác trên sông Tiền và sông Cổ Chiên thuộc địa phận tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long, sà lan phải “xếp tài” vì sản lượng khai thác cát bị khống chế mỗi ngày chừng vài trăm mét khối, trong khi có những sà lan tải trọng tới cả ngàn mét khối, phải hút chừng 4 - 5 ngày mới đầy.
“Chúng tôi đang bị vướng tại công trình xây dựng trung tâm hành chính H.Cai Lậy (Tiền Giang) có nhu cầu san lấp mặt bằng hơn 400.000 m3. Rất may là chúng tôi đã san lấp gần xong, chỉ còn lại khoảng 15.000 m3 nữa, nhưng phải chịu lỗ”, ông Đức chia sẻ.
Ngoài việc bị lỗ do giá cát tăng, thời gian thi công công trình còn bị kéo dài, vì mỗi tháng chỉ mua được chừng 4 - 5 sà lan cát. “Trong tình hình khó khăn hiện nay, theo tôi chỉ còn cách chờ Chính phủ có biện pháp tháo gỡ, vì ở ĐBSCL không còn vật liệu nào thay thế cát”, ông Đức nói.
Theo Thanh Niên