|
Bãi chôn lấp rác Đông Thạnh (cuối đường Lê Văn Khương, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) được hình thành và tiếp nhận rác sinh hoạt vào năm 1991. Trước đó, nơi đây vốn là hai hầm đã khai thác đất được Nhà nước quản lý.
Đến năm 1998, UBND TP.HCM mới có quyết định đầu tư dự án công trường xử lý rác Đông Thạnh.
Rác thải của TP.HCM đưa về đây được xử lý bằng cách chôn lấp tự nhiên, không có lớp lót đáy chống thấm khiến người dân phản ảnh về mùi hôi, ô nhiễm nguồn nước xảy ra sau một thời gian tiếp nhận rác.
Cuối năm 2002, bãi chôn lấp rác Đông Thạnh ngừng tiếp nhận rác, lúc này bãi chôn lấp đã tiếp nhận hơn 10 triệu tấn rác.
Đến đầu năm 2003, UBND TP.HCM đã giao công trường xử lý rác Đông Thạnh lại cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị quản lý và thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường.
Hiện bãi chôn lấp này đã được phủ đỉnh bằng đất có độ dày tới 2m, nhiều khu vực của bãi rác này được trồng hoa lan, cây kiểng, cây ăn trái và hơn 6 nhà kính trồng dưa lưới theo công nghệ Israel (mô hình thủy canh).
* Khi bãi chôn lấp rác Đông Thạnh sắp đóng bãi, để tìm lối ra cho bài toán xử lý rác, UBND TP.HCM đã đầu tư bãi chôn lấp rác Gò Cát.
Khác với bãi rác Đông Thạnh, những bãi chôn lấp sau này như bãi chôn lấp Gò Cát (Công ty Vermeer, Hà Lan thiết kế thi công) có lớp nhựa HDFE lót đáy chống thấm.
Tuy vậy, bãi chôn lấp tại P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân này bắt đầu tiếp nhận rác từ năm 2001 cũng không tránh khỏi những phản ảnh về vấn đề mùi hôi, ô nhiễm, một phần do bãi chôn lấp tiếp giáp xung quanh là các khu dân cư.
Từ năm 2006 bãi chôn lấp này bắt đầu thu khí gas phát điện với khoảng 2.000 kWh/ngày và bãi chính thức ngưng tiếp nhận rác tháng 8-2007, lượng rác được chôn lấp ở đây hơn 7,6 triệu tấn.
Hiện nay việc phát điện từ khí gas bãi rác phải tạm ngưng để thương thảo quá trình đấu nối lưới điện mới với ngành điện.
* Để đáp ứng nhu cầu rác ngày một tăng, song song với quá trình tiếp nhận rác ở Gò Cát, TP.HCM đầu tư khu xử lý chất thải rắn Phước Hiệp ở huyện Củ Chi.
Tại đây có các bãi chôn lấp số 1, 1A, bãi số 2 hoạt động từ đầu năm 2003 đến 2013. Riêng bãi chôn lấp số 3 ở đây được đầu tư theo công nghệ Hàn Quốc.
Bãi chôn lấp này đang xây dựng, tiếp nhận rác thì theo yêu cầu của UBND TP.HCM phải ngưng tiếp nhận, lượng rác được đưa đến đây được chuyển sang bãi chôn lấp ở Đa Phước, huyện Bình Chánh của Công ty Xử lý chất thải rắn VN từ ngày 1-4-2015.
Tuy vậy, hiện nay bãi rác này tiếp nhận khối lượng nhỏ rác của một số đơn vị xử lý trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn thải ra.
Tổng khối lượng rác được tiếp nhận tại khu xử lý Phước Hiệp hơn 12 triệu tấn. Đơn vị quản lý khu này hiện nay là Công ty Môi trường đô thị cho biết đang tính đến việc thu khí gas phát điện từ bãi rác này.
Các nước có kế hoạch từ đầu Các nước phần lớn chuyển đổi bãi chôn lấp thành không gian mở (khu công viên, thể thao, nơi nghỉ dưỡng...), thậm chí phát triển thành công trình nơi ở nhưng phải kiểm soát được khí gas. Để làm được việc này không những họ có kế hoạch ngay từ đầu mà còn thực hiện đánh giá rất kỹ và chỉ tái sử dụng các bãi chôn lấp sau 20 năm trở lên. Việc tái sử dụng diện tích đất của các bãi chôn lấp rác trên thế giới được đặt ra yêu cầu kỹ thuật khá nghiêm ngặt và họ có kế hoạch toàn diện, tổng thể ngay từ đầu. Tại những nước phát triển, các bãi rác được quản lý chặt chẽ. Tại Anh, nhằm hạn chế việc chôn rác và khuyến khích tái chế, London đã áp thuế cao đối với nhiều loại rác thải, trừ một số loại có nguy cơ thấp như thủy tinh, chất hữu cơ hoạt động thấp... Tại Mỹ, việc cấp phép cho một bãi rác mất từ 5 - 7 năm và đòi hỏi phải thỏa mãn các yêu cầu nghiêm ngặt về vị trí, đánh giá môi trường, thiết kế để đảm bảo an toàn. Nhưng có những trường hợp đặc biệt như tại Thụy Điển, chỉ có 1% rác thải được đưa ra bãi chôn rác. 99% còn lại được tái chế nhờ 32 nhà máy chuyển đổi rác thải thành năng lượng đã được triển khai từ nhiều năm trước với khả năng xử lý hàng triệu tấn rác mỗi năm. “Chất thải ngày nay đã khác. Nó không chỉ là chất thải, nó còn là thương mại” - Cơ quan quản lý chất thải Thụy Điển nhận định. |
Theo TTO