Trung Quốc moi tin tình báo - Kỳ 2: Nhân viên ngoại giao Mỹ sa bẫy

Thứ hai, 03/07/2017, 16:24
Ba tháng trước khi cựu đặc vụ CIA - nhà thầu quốc phòng Kevin Mallory bị bắt tại bang Virginia, nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ Candace Marie Claiborne (60 tuổi) cũng đã bị bắt vì bán tin cho Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ

Cần gì Trung Quốc cũng chu cấp

Trong 5 năm từ năm 2011, bà Candace Claiborne đã cùng một đồng phạm nam trẻ tuổi nhận quà cáp và tiền mặt trị giá nhiều chục ngàn USD từ hai nhân viên tình báo Trung Quốc. Đổi lại, bà đã chuyển thông tin mật cho họ.

Quà cáp dành cho hai người gồm nhiều thứ, từ điện thoại iPhone, máy tính xách tay, máy may, thuốc men, giày... cho đến chi phí nghỉ hè ở nước ngoài, một căn hộ đầy đủ nội thất, học phí và tiền trợ cấp hằng tháng.

Hồ sơ vụ án của bà Candace Claiborne liên quan đến bốn đối tượng. Ngoài bà, hồ sơ gọi ba người còn lại là các đồng phạm A, B và C.

Tốt nghiệp khoa luật Đại học hạt Columbia tại Washington, năm 1999 bà Claiborne vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ với vai trò chuyên viên quản lý văn phòng. Bà có thể nói được nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Trung.

Bà đã nhiều lần được điều động đến các sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq), Khartoum (Sudan), Bắc Kinh và Thượng Hải (Trung Quốc).

Tại Trung Quốc, bà làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh từ tháng 3-2000, đến tháng 8-2003 chuyển đến Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải tiếp tục làm việc đến tháng 7-2005. Bà tiếp tục làm việc ở nước ngoài cho đến năm 2009 trở lại Trung Quốc và ở lại đây đến tháng 
11-2012.

Trong thời gian lưu trú tại Thượng Hải, bà đã sống chung với đồng phạm A khi nam thanh niên này mới tốt nghiệp đại học.

Đồng phạm A cư trú tại Los Angeles, tốt nghiệp Đại học Salisbury tại Maryland, đến Trung Quốc hai lần, lần đầu kéo dài năm năm (từ năm 2000-2005) và lần sau hai năm (từ năm 2012-2013). Ở lần đến thứ hai, đồng phạm A theo học thiết kế thời trang tại Đại học Đông Hoa (Thượng Hải).

Nhân viên tình báo Trung Quốc đã trả cho người này học phí Đại học Đông Hoa, tiền thuê nhà, tiền nghỉ hè và các vật dụng bà Claiborne đề nghị cấp cho người này. Đồng phạm A từng bị truy tố về tội hình sự tại Trung Quốc nhưng nhân viên tình báo Trung Quốc can thiệp để cảnh sát khỏi điều tra.

Đồng phạm B (nam) là công dân Trung Quốc, cư trú tại Thượng Hải, quản lý tiệm spa và nhà hàng, đồng thời là nhà xuất nhập khẩu. Người này hợp tác chặt chẽ với đồng phạm C. Cả hai là nhân viên tình báo Trung Quốc.

Bà Mary B. McCord, quyền phụ tá Bộ trưởng Tư pháp, là người thông báo vụ bắt giữ bà Candace Claiborne hôm 29-3-2017

FBI khoanh vùng

Sau lần chuyển tiền đầu tiên, hai nhân viên tình báo Trung Quốc đã đề nghị bà Candace Claiborne cung cấp bản phân tích nội bộ của Mỹ về Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ - Trung. Đây là diễn đàn đối thoại cấp cao nhất để trao đổi về nhiều vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cụ thể họ muốn có trong tay đánh giá về thành quả và khả năng đồng thuận trong Chính phủ Mỹ. Họ cũng đề nghị cung cấp thông tin về sức ép dự kiến từ Chính phủ Mỹ đối với Chính phủ Trung Quốc nếu mong đợi của Mỹ đối với Trung Quốc không đạt được.

Bà Claiborne đã cung cấp thông tin nhưng đó là thông tin công khai. Các nhân viên tình báo Trung Quốc bèn yêu cầu phải là “thông tin không thể tìm thấy trên Internet”. Để tránh bị theo dõi, họ đề nghị nhận tài liệu trực tiếp từ bà thay vì chuyển qua thư điện tử.

Trong thời gian bà không còn làm việc tại Trung Quốc, bà dùng mạng xã hội ở Trung Quốc để cung cấp thông tin. Một lần nọ bà đề nghị nhân viên tình báo Trung Quốc chuyển cho bà 5.000 USD.

Sau đó, khi biết bà sẽ có một cuộc thẩm tra riêng về an ninh, bà đề nghị chỉ chuyển tiền sau cuộc thẩm tra. Đến khi tham dự thẩm tra, bà nghi có thể bị bắt nên đề nghị ngừng chuyển tiền và yêu cầu hủy mọi chứng cứ liên hệ.

Một lần, từ nước ngoài trở về Washington D.C, bà Claiborne được tách ra để kiểm tra bổ sung. Các nhân viên Cục Hải quan và bảo vệ biên giới đề nghị bà mở điện thoại di động và kiểm tra hành lý của bà. Sau đó, bà gửi đơn kiện.

FBI tiến hành thẩm vấn nhưng bà không khai báo các chuyến đi của đồng phạm A cũng như các cuộc tiếp xúc ở nước ngoài.

Chuyện khó tin là vài giờ sau cuộc thẩm vấn, bà cả gan dùng điện thoại từ tòa nhà Bộ Ngoại giao để gọi cho đồng phạm A hối thúc hủy chứng cứ đã nhận từ các nhân viên tình báo Trung Quốc và khuyên A nên tránh xa Trung Quốc trong lúc này.

Trong Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Claiborne được phép truy cập thông tin tuyệt mật. Khi các nhân viên FBI thẩm vấn, bà tiếp tục giấu các đầu mối tiếp xúc, nói sai lệch về các chuyến đi nước ngoài, chuyện học hành và nơi cư trú của đồng phạm A ở Trung Quốc.

Bà khẳng định chưa bao giờ tiếp xúc với nhân viên tình báo nước ngoài và không ai yêu cầu bà cộng tác hay gây sức ép với bà. Thật ra theo tài liệu điều tra, bà đã gửi thư điện tử cho đồng phạm A yêu cầu hủy hết mọi thông tin liên quan đến hai nhân viên tình báo Trung Quốc.


Bán tin vì lợi ích riêng

Ngày 28-3-2017, bà Candace Claiborne bị FBI bắt giữ khi bà đến văn phòng FBI ở Washington D.C. Sau đó, bà đã khai nhận rằng lúc đầu bà xem quan hệ của bà với các nhân viên tình báo Trung Quốc như tình bạn và tiếp tục duy trì dù bà biết họ tìm kiếm thông tin tình báo.

Bà thừa nhận đã nhiều lần chuyển thông tin nhưng khăng khăng cho rằng đó không phải là thông tin mật.

Do FBI chưa thể xác định thông tin nào bà Claiborne đã chuyển cho phía Trung Quốc nên trước mắt bà chỉ bị truy tố về tội cản trở công lý và khai báo gian dối với FBI.

Theo văn bản truy tố, bà đã chuyển thông tin về chính trị, kinh tế, an ninh có thể ảnh hưởng đến Trung Quốc, các chiến dịch tình báo đối với Trung Quốc, dữ liệu về tiểu sử các nhà chính trị và các đặc vụ nước ngoài.

Bộ Tư pháp Mỹ đánh giá bà Claiborne đã lợi dụng vị trí công tác và thẩm quyền truy cập thông tin ngoại giao mật để phục vụ lợi ích cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Thật ra bà đã bị lộ vào ngày bà gặp một đặc vụ của FBI.

Người này giả danh là bạn học của các nhân viên tình báo Trung Quốc đến chờ trước nhà bà ở Washington D.C. Bà đi làm về, mời người này vào nhà và bắt đầu “nổ” về các đầu mối tiếp xúc ở nước ngoài.

Trong quá trình điều tra, FBI đã nghe lén điện thoại và thu thập chứng cứ từ hộp thư điện tử của bà. Từ tháng 7-2015, FBI đã kiểm tra và phát hiện bà sử dụng địa chỉ hộp thư Yahoo! để liên lạc và lưu trữ thông tin tiếp xúc với các nhân viên tình báo Trung Quốc.

Quá trình giám sát đối với Candace Claiborne được thực hiện theo Luật giám sát tình báo nước ngoài của Mỹ. Từ năm 1978, đạo luật này đã cho phép giám sát điện tử và thu thập thông tin tình báo nước ngoài đối với các nhân viên Mỹ có trao đổi trò chuyện với nhân viên tình báo nước ngoài.

Chuyên gia quân sự Nga Vassily Kashin nhận định trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump không được lòng các nhà ngoại giao và các cơ quan tình báo đang có chiều hướng xung khắc với Nhà Trắng, tình báo Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội để tăng cường hoạt động trên lãnh thổ Mỹ.

Theo TTO

Các tin cũ hơn